Đại biểu Lê Công Nhường cho rằng, thực tế hiện nay, chất lượng xây dựng văn bản pháp luật còn hạn chế, nhiều dự án luật còn chồng chéo, không khả thi, thời gian “sống” của luật chỉ 3-5 năm sau đó phải sửa đổi.
Nguyên nhân mà vị đại biểu này chỉ ra xuất phát từ tư duy chính sách, năng lực của một số cán bộ chưa tốt.
“Còn tư duy không quản lý được thì cấm, cài cắm lợi ích ngành, lợi ích nhóm vẫn còn”, ông Nhường nói.
Đại biểu Lê Công Nhường đề xuất, khi xây dựng văn pháp luật cần mời luật sư, doanh nghiệp, người dân, những đối tượng chịu ảnh hưởng… cùng tham gia theo tỷ lệ lớn hơn hiện nay. Ngoài ra, cần bố trí lại cơ cấu, bộ phận làm chính sách tách biệt với bộ phận thực thi để tránh việc cài cắm lợi ích.
“Tôi đề xuất Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ phải chủ trì xây dựng các dự án luật”, ông Nhường nói.
Đại biểu Lê Công Nhường cũng đề xuất cần áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong trợ giúp công tác xây dựng pháp luật. Việc này sẽ giúp phát hiện dự thảo luật không tương thích với các văn bản quy phạm khác.
“Có thể lập trình tạo ra mục tiêu, từ đó AI lập luận giải quyết, phát hiện những vấn đề không tương thích với hiến pháp, các luật khác, các vấn đề chống chéo. Luật ban hành ra cũng được minh bạch”, ông gợi ý.