Khi thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong ngày làm việc của Quốc hội hôm nay (29/3), bà Khánh nhìn nhận, Quốc hội còn nhớ rõ, bước đầu vào nhiệm kỳ, Chính phủ và các thành viên Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn trong chỉ đạo, điều hành với những nguy cơ bất ổn về kinh tế vĩ mô, nguồn thu suy giảm mạnh…
Tuy nhiên, theo bà Khánh, được sự ủng hộ, cũng như sự tăng cường giám sát của Quốc hội sau kỳ lấy phiếu tín nhiệm lần đầu, Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bộ trưởng, thành viên Chính phủ đã có sự bứt phá ngoạn mục, nâng hạng tín nhiệm rất ấn tượng.
“Đáng ghi nhận là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng (hiện là Bí thư Thành ủy TP.HCM- PV) quyết liệt, miệng nói tay làm; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình bình tĩnh, biết chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng kiên trì với đề án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; Bộ trưởng Bộ Khoa học, công nghệ Nguyễn Quân khiêm nhường nhưng kiên trì tháo gỡ nút thắt khó khăn cho khoa học và công nghệ đã thành công. Các Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Đinh Tiến Dũng, Hoàng Tuấn Anh đã thể hiện vai trò, vị trí người đứng đầu và quyết liệt thay đổi...”, bà Khánh “chấm điểm”.
Tuy nhiên, theo vị đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cử tri rất băn khoăn một số nội dung Chính phủ cần quan tâm hơn, đó là vấn đề cải cách thể chế….
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), trong nhiệm kỳ vừa qua cử tri cho rằng Thủ tướng Chính phủ sớm xử lý kỷ luật vài vụ, thì tình hình có thể cải thiện hơn...
“Cử tri đề nghị Chính phủ tới đây cần phải cải cách cách thức điều hành. Thủ tướng Chính phủ phải mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế các Bộ trưởng, các Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, không đợi hết nhiệm kỳ, chấm dứt tình trạng trên bảo dưới làm lơ trong hành pháp…”, ông Nghĩa thẳng thắn đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh), nhận thấy Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cũng như nhiều lãnh đạo các bộ, ngành đã có sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, quan điểm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, một Chính phủ đang chuyển mình lấy phục vụ nhân dân là chính.
“Một Chính phủ mà tôi nhận thấy với những gương mặt dự định trình, theo những thông tin biết được là kế thừa được những phong cách và tính cách mạnh mẽ của Thủ tướng, của Chính phủ. Phải mạnh mẽ sắp xếp lại, tinh giảm bộ máy quản lý và đội ngũ công chức trên cơ sở ngân sách do Quốc hội quyết định. Sắp xếp bộ máy trên cơ sở ngân sách do Quốc hội quyết định khác với việc cứ đẻ ra bộ máy rồi Quốc hội phải chạy theo quyết định ngân sách nuôi bộ máy, đội ngũ viên chức, công chức...”, ông Phúc bày tỏ.
Cũng theo ông Phúc, nhiệm kỳ tới, Chính phủ cần lập lại kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm minh cán bộ, công chức vi phạm theo tinh thần như Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói là "cột ở lại thì người phải đi, nhà của dân sập thì cán bộ cũng phải sập"...