Tại Tòa, bên cạnh việc cảm ơn do được tạo điều kiện trong suốt quá trình xét xử, bị cáo Phạm Công Danh cũng muốn xin Hội đồng xét xử xem xét lại các bản án đối với nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh, nhân viên VNCB. Bởi theo bị cáo, các nhân viên này làm việc hoàn toàn theo trách nhiệm đối với công việc, không hưởng lợi gì, không nhận chỉ đạo trực tiếp từ bị cáo và tất cả những việc làm sai trái của họ là do tin tưởng bị cáo.
Cũng theo bị cáo Danh, không ít người trong số các nhân viên này tin tưởng đề án tái cơ cấu VNCB sẽ thành công. Bản thân bị cáo Danh cũng đã chấp nhận bỏ hết tài sản riêng để khắc phục hậu quả. Trong suốt mấy năm qua, để đảm bảo tất toán cho VNCB, bị cáo Danh cho biết, đã bỏ ra trên 30.000 tỷ đồng để duy trì hoạt động của Ngân hàng, mà không dùng tiền từ ngân sách Nhà nước. Bản thân bị cáo không có mục đích cá nhân, nhưng trong quá trình điều hành VNCB có sự chủ quan, sai sót. Bị cáo Danh mong Hội đồng xét xử giải toả kê biên, trả lại căn nhà vợ bị cáo đang ở để làm việc và nuôi con.
Mặt khác, Phạm Công Danh nhiều lần mong Hội đồng xét xử xem xét thu hồi khoản tiền 3.600 tỷ đồng đã chuyển cho bà Hứa Thị Phấn (nhóm Phú Mỹ) để khắc phục hậu quả vụ án. Bị cáo Danh khẳng định, 3.600 tỷ đồng này được trả vào tài khoản cá nhân của bà Phấn, chứ không trả vào tài khoản chung nào khác. Đồng thời, bị cáo Danh cũng mong Hội đồng xét xử xem xét hành vi liên quan đến số tiền 5.490 tỷ đồng là không có sai phạm và đề nghị thu hồi các khoản hơn 2.700 tỷ đồng tiền lãi đã giao cho nhóm Trần Ngọc Bích để khắc phục hậu quả vụ án.
Bị cáo Phạm Công Danh nhiều lần mong Hội đồng xét xử xem xét thu hồi khoản tiền 3.600 tỷ đồng đã chuyển cho bà Hứa Thị Phấn (nhóm Phú Mỹ) để khắc phục hậu quả vụ án.
Bị cáo Danh còn mong muốn Hội đồng xét xử xem xét bảo vệ thương hiệu cho Tập đoàn Thiên Thanh. Theo bị cáo Danh, bố bị cáo là thương binh, gia đình có công với cách mạng, nên mong được tạo điều kiện cho bị cáo và gia đình khắc phục hậu quả vụ án trong khuôn khổ pháp luật cho phép, bởi bị cáo Danh cho rằng, có thể khắc phục 100% hậu quả vụ án này.
Tại các phiên tòa trước đó, Phạm Công Danh cho biết, sẵn sàng dùng tài sản của IDICO (một trong 12 công ty con do bị cáo Danh lập ra để lập hồ sơ khống rút ruột 4.700 tỷ đồng của VNCB) để khắc phục.
Trước đó, tại phiên toà ngày 29/8, Viện Kiểm sát tiếp tục nêu quan điểm để tranh luận tại Toà. Trong các quan điểm tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt so với mức án do chính cơ quan này đã đề nghị cho bị cáo Danh ngày 16/8 vừa qua (30 năm tù). Viện Kiểm sát cho biết, Viện đã nghiêm túc ghi nhận ý kiến, quan điểm bào chữa và bảo vệ của các luật sư, bị cáo… qua đó đồng tình với các luật sư bào chữa cho bị cáo Danh về tình trạng VNCB khi bị cáo nhận tái cơ cấu.
Ngoài bị cáo Danh, bị cáo Phan Thành Mai, cựu Tổng giám đốc VNCB, khi được nói lời sau cùng cho biết, suốt 25 tháng trong trại giam, ngày nào bị cáo cũng day dứt và mong muốn Hội đồng xét xử xem xét lại bản án cho cấp dưới, bởi họ là những người có học thức, có nhiệt huyết với Ngân hàng và không vụ lợi gì. Bị cáo Mai cũng mong muốn Hội đồng xét xử tạo điều kiện cho Phạm Công Danh khắc phục hậu quả.
Không chỉ bị cáo Mai, mà các bị cáo Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết… cũng xin Hội đồng xét xử tạo điều kiện cho bị cáo Danh khắc phục hậu quả trong “đại án 9.000 tỷ đồng” này. Bị cáo Khương cũng mong Hội đồng xét xử thu hồi các khoản tiền để khắc phục hậu quả và mong giảm án cho các bị cáo khác. Với bị cáo Quyết, mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ tội cho bản thân, bị cáo Danh cùng các đồng nghiệp khác để họ có cơ hội làm lại cuộc đời.
Ngày 9/9, dự kiến Tòa sẽ tuyên án.