Bị cáo Đinh La Thăng. Ảnh TTXVN.

Bị cáo Đinh La Thăng. Ảnh TTXVN.

Đại án PVC: “Bị cáo Đinh La Thăng gây hậu quả nặng nề cho Nhà nước“

(ĐTCK) Sau nhiều ngày nghị án, hơn 8h sáng nay (22/1), chủ tọa thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân bắt đầu tuyên đối với bị cáo Đinh La Thăng và 21 đồng phạm. 

Đây là phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Cố ý làm trái quy định và Tham ô tài sản xảy ra tại PVC, kéo dài từ 8-22/1 với nhiều bị cáo.

Quá trình xét xử, một số ý kiến luật sư và bị cáo cho rằng giám định thiệt hại trong vụ án không đúng, không khách quan, việc quy kết các bị cáo phạm tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước là không chính xác.

Hội đồng xét xử (HĐXX) thấy rằng, sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra Bộ Công an đã thành lập đoàn trưng cầu giám định. Đoàn giám định thực hiện triệt để theo đúng nội dung, quy trình và xác định đúng thiệt hại.

Hậu quả từ việc chỉ định thầu trái phép, tạm ứng tiền không đúng quy định được tính toán trên nhiều khía cạnh. Một số bị cáo là chuyên gia đầu ngành của PVN được đào tạo bài bản nhưng vướng vào lao lý.

Việc chậm tiến độ làm đội vốn hàng triệu USD, máy móc thiết bị đắp chiếu hết thời hạn sử dụng…, những thiệt hại này không thể tính toán hết. Sau một thời gian dài được PVN cấp tạm ứng số tiền 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng và sử dụng sai mục đích 1.150 tỷ đồng, PVC mới trả lại.

HĐXX đánh giá hành vi trên gây mối họa cho nền kinh tế. Trong khi đó, PVN đang là chủ đầu tư, PVC là nhà thầu của nhiều dự án khác, đang phải trả lãi rất lớn. Cách tính thiệt hại trong vụ án đã có lợi cho bị cáo. Việc khắc phục hậu quả chỉ là tình tiết giảm nhẹ.

HĐXX cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị làm rõ thiệt hại do chậm tiến độ dự án.

Đối với hành vi bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN), HĐXX nhận định, ngày 15/10/2010, HĐTV của PVN đã Nghị quyết số 9396 phê duyệt phương án liên danh tổng thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Nghị quyết nêu rất rõ muốn dự án thực hiện, PVC phải liên danh với các nhà thầu nước ngoài. Tuy nhiên, sau đó, bị cáo Thăng vẫn chỉ định PVC là tổng thầu duy nhất dự án.

Điều này vi phạm Nghị quyết của HĐTV, điều lệ doanh nghiệp.

Bị cáo Đinh La Thăng có lời khai thừa nhận sai phạm thực hiện quy trình chỉ định thầu không thông qua HĐTV. Bị cáo thừa nhận do nôn nóng và sức ép công việc. Lời khai của bị cáo Nguyễn Ngọc Khánh (nguyên Phó tổng giám đốc PVN) cũng khai nhận, tại thời điểm ký hợp đồng chưa đủ căn cứ nhưng bị cáo Đinh La Thăng vẫn đề nghị rút ngắn tiến độ.

Điều này cũng phù hợp với lời khai người làm chứng là ông Vũ Huy Quang – nguyên Tổng giám đốc PVPower. Việc ký kết hợp đồng là do sức ép của PVN, PVPower đã có nhiều công văn báo cáo có thể ký hợp đồng chậm nhất 5- 6 tháng. Song bị cáo Đinh La Thăng vẫn yêu cầu ký hợp đồng trước ngày 28/2/2011 để khởi công vào ngày 1/3/2011.

Với những chứng cứ, lời khai trên, HĐXX thấy rằng có đủ cơ sở khẳng định bị cáo Đinh La Thăng được báo cáo và biết rõ phải đến tháng 6/2011 hợp đồng 33 mới đủ điều kiện ký kết. Tuy nhiên, bị cáo vẫn chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng trái quy định.

Ngoài ra, bị cáo còn có hành vi chỉ đạo tạm ứng 10% vốn dự án, trong khi hợp đồng EPC số 33 chưa đủ căn cứ pháp lý. Tại thời điểm được chỉ định thầu, PVC là doanh nghiệp đang bị thâm hụt tài chính và chưa đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn. Điều này phù hợp lời khai của các bị cáo khác trong vụ án và các báo cáo tài chính của PVN.

Thời điểm đó, PVC được PVN chỉ định thầu một số dự án như dự án Ethano Phú Thọ và cho đến nay Chính phủ xác định thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tại các dự án này. Lãnh đạo PVC sẽ phải đối diện với các vụ án hình sự khác.

Việc chỉ định thầu, chuyển tiền tạm ứng vội vã là trái quy định, gây nghi ngờ cho nhân dân.

Theo HĐXX, hành vi của bị cáo Đinh La Thăng đã thỏa mãn đầy đủ của tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước, không phải tội danh khác như bị cáo và các luật sư đã đưa ra. Hành vi của bị cáo gây hậu quả nặng nề cho Nhà nước.

HĐXX cho rằng, bị cáo Thăng có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng pháp luật cần được tôn trọng, công bằng và nghiêm minh.

Đối với hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC), một số ý kiến luật sư cho rằng vai trò chỉ đạo ký kết hợp đồng của bị cáo là rất mờ nhạt. Bị cáo không có vai trò quyết định sử dụng tiền tạm ứng. Hành vi của bị cáo chỉ là thiếu trách nhiệm.

HĐXX thấy rằng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh có lời khai thừa nhận chỉ đạo ký kết hợp đồng EPC số 33 khi chưa đầy đủ căn cứ pháp lý, phù hợp với lời khai của bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC). Một số lời khai của các bị cáo cấp dưới cũng thể hiện vai trò quyết định, điều hành của bị cáo Trịnh Xuân Thanh là rất gần nhau. Do đó, ý kiến của các luật sư là chưa chính xác.

Bị cáo Thanh thừa nhận tại tòa phải đẩy nhanh tiến độ xin tiền tạm ứng từ tập đoàn vì tài chính PVC rất khó khăn, chỉ trông chờ vào nguồn tiền dự án. Bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến có lời khai thể hiện nếu không có sự chỉ đạo của HĐQT và tổng giám đốc, không có sự chi tiền tạm ứng vào mục đích khác.  

Theo phân tích ở trên, HĐXX thấy rằng có đủ cơ sở khẳng định bị cáo Trịnh Xuân Thanh biết PVC không đủ năng lực tổng thầu, chưa đủ điều kiện nhưng vẫn chỉ đạo ký hợp đồng EPC số 33, xin tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích. Hành vi của bị cáo phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước.

Cũng trong sáng nay, Tòa sẽ tuyên án với bị cáo Đinh La Thăng và 21 bị cáo.

Tin bài liên quan