Đại án Oceanbank: Nợ xấu Oceanbank tới gần 50%, lỗ hơn 10.000 tỷ đồng...

Đại án Oceanbank: Nợ xấu Oceanbank tới gần 50%, lỗ hơn 10.000 tỷ đồng...

(ĐTCK) Sau 2 ngày tạm nghỉ, sáng 14/9, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) tiếp tục với phần tranh luận.

Mở đầu phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát đã phát biểu quan điểm đối với vụ án.

Theo Viện Kiểm sát, hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo đã gây ra hậu quả, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, Ngân hàng Đại dương và các cổ đông.

Quá trình chỉ đạo, điều hành các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng tài chính, tiền tệ tại Oceanbank có nhiều vi phạm, dẫn đến nợ xấu thời điểm 31/3/2014 là 14.923 tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ toàn hệ thống, lợi nhuận trước thuế lỗ 10.188 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần.

Về hành vi Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt hơn 69 tỷ đồng thông qua Công ty BSC, trong giai đoạn bị cáo Nguyễn Xuân Sơn làm Tổng giám đốc, Sơn đã đề nghị Hà Văn Thắm chi lãi ngoài cho PVN và các đơn vị thuộc tập đoàn và để Sơn chủ động chi nguồn này.

Để có nguồn tiền chi, Hà Văn Thắm đã sử dụng Công ty BSC, do Thắm thành lập từ năm 2008. Công ty BSC sẽ ký hợp đồng làm dịch vụ đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn của Oceanbank. Từ ngày 22/5/2009 đến ngày 31/1/2012, Công ty BSC đã thu phí số tiền 70,9 tỷ đồng, trong đó có 68,9 tỷ đồng là khoản thu phí nhằm mục đích sử dụng chi tiền chăm sóc khách hàng theo yêu cầu của Nguyễn Xuân Sơn.

Khi có khách vay vốn hoặc mua ngoại tệ, Oceanbank yêu cầu ký hợp đồng dịch vụ để thu phí và chuyển tiền về Công ty BSC dù thực tế khách hàng không có nhu cầu dịch vụ.

Mỗi khi Nguyễn Xuân Sơn có yêu cầu, Hà Văn Thắm chỉ đạo cấp dưới chi cho Sơn. Nguyễn Xuân Sơn không trực tiếp đến Công ty BSC ký chứng từ nhận tiền nên các nhân viên Công ty BSC phải ghi cụ thể nội dung chi trên các chứng từ để theo dõi và hạch toán. Cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Xuân Sơn đã nhận 69,3 tỷ đồng.

Theo cáo buộc, Nguyễn Xuân Sơn đã lạm dụng chức vụ quyền hạn được giao, với vị thế là người của PVN cửa sang tham gia điều hành Oceanbank, từ sự phụ thuộc của Oceanbank và nguồn tiền huy động từ PVN, Nguyễn Xuân Sơn đã yêu cầu Hà Văn THắm chi tiền chăm sóc khách hàng. Từ đó chiếm đoạt 69,3 tỷ đồng.

Quá trình truy tố, điều tra, xét xử, bị cáo Sơn nhiều lần thay đổi lời khai, đầu tiên không thừa nhận việc yêu cầu Thắm phải chi chăm sóc khách hàng cho Sơn, không chỉ đạo cho Nguyễn Minh Thu, nguyên Phó Tổng giám đốc OceanBank thực hiện thu phí đối với khách hàng vay vốn. Nhưng sau đó Sơn thay đổi lời khai với những khoản Công ty BSC đã chi cho Sơn.

Bị cáo Sơn thừa nhận có nhận khoảng 69 tỷ đồng và đưa cho ông Ninh Văn Quỳnh số tiền 3 – 40 tỷ đồng, số còn lại Sơn khai đã chi cho một số công ty con, cán bộ lãnh đạo cấp trên.

Tại phiên tòa, ông Quỳnh thừa nhận hành vi nhận tiền và khai đã sử dụng vào mục đích cá nhân.

Như vậy, trong giai đoạn Nguyễn Xuân Sơn làm Tổng giám đốc, đã có hành vi Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 69 tỷ đồng.

Lời khai của các bị cáo, lời khai của các khách hàng đủ cơ sở xác định với cương vị là Chủ tịch HĐQT Oceanbank, bị cáo Hà Văn Thắm đã đồng tình đề xuất chăm sóc khách hàng và bổ nhiệm bị cáo Phạm Hoàng Giang làm Tổng giám đốc Công ty BSC để thu phí của khách hàng.

Hành vi này của Thắm đồng phạm với Sơn về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt khoản tiền 69 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Minh Thu là Phó Tổng giám đốc Oceanbank đã tiếp nhận chỉ đạo của Sơn về việc thực hiện thu thêm chênh lệch tỷ giá. Do chủ trương này trái quy định của NHNN nên không thể hiện trong bất ký văn bản nào của Oceanbank. Bị cáo Thu nhận thức được việc thu ngoài hợp đồng là gây thiệt hại cho khách hàng nhưng vẫn thực hiện. Nguyễn Minh Thu không biết tiền sử dụng vào việc gì nhưng nhận thức để Thắm và Sơn sử dụng. Bị cáo Thu là đồng phạm giúp sức.

Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn là Phó tổng giám đốc Oceanbank được giao phụ trách thu phí của Công ty BSC, thỏa thuận mức phí chênh lệch đối với khách hàng vay vốn, nếu khách hàng đồng ý thì ký hợp đồng thu phí qua BSC.

Bị cáo Phạm Hoàng Giang là Phó trưởng phòng Pháp chế Oceanbank được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty BSC, đại diện BSC ký các hợp đồng dịch vụ cho khách vay vốn.Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa bị cáo Giang không thành khẩn khai báo. Bị cáo Giang khẳng định đã làm đúng, đã ký hợp đồng dịch vụ đúng với chức năng ngành nghề của công ty.

Theo Viện Kiểm sát, với công việc là Tổng giám đốc điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhưng thực chất Công ty không cung cấp dịch vụ cho khách hàng, không nghiệm thu công việc nhưng vẫn ký biên bản là khống. Phản ánh bản chất đây là công ty sân sau của Thắm và được Thắm sử dụng hợp thức thu phí ngoài lãi suất cho vay.

Bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ là cán bộ văn phòng tại Oceanbank. Bị cáo Tứ khai, được Thắm nhờ giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty BSC, không điều hành, không hưởng lương ở BSC. Bị cáo Tứ trực tiếp ký 98 dịch vụ và trực tiếp chuyển cho Sơn 6,6 tỷ đồng.

Hành vi của Nguyễn Minh Thu, Nguyễn Văn Hoàn, Phạm Hoàng Giang, Hoàng Thị Hồng Tứ được Viện Kiểm sát xác định là đồng phạm giúp sức cho Thắm và Sơn.

Về hành vi phạm tội Cố ý làm trái quy định quản lý của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng của Hà Văn Thắm và các đồng phạm, theo Viện Kiểm sát, đầu năm 2011, Hà Văn Thắm ra chủ trương chi lãi suất ngoài cho các khách hàng gửi tiền trên toàn hệ thống.

Theo chủ trương của Hà Văn Thắm, các bị can Nguyễn Minh Thu, Tổng giám đốc, Lê Thị Thu Thủy và Nguyễn Thị Minh Phương là các Phó tổng giám đốc đã chỉ đạo lãnh đạo các khối ban nghiệp vụ thuộc hội sở để thực hiện.

Chủ trương này không được ban hành thành văn bản mà chỉ do Hà Văn Thắm và Nguyễn Minh Thu chỉ đạo miệng tại các cuộc họp. Các cán bộ cấp dưới tiếp tục thông báo thực hiện qua điện thoại email, điện thoại, skype cho các chi nhánh.

Trong thời gian từ năm 2010 đế ngày 31/11/2014, tổng số tiền Oceanbank đã sử dụng để chi lãi ngoài là 1.576 tỷ đồng lấy từ nguồn tạm ứng thực hiện nghiệp vụ, chi thẳng, hạch toán vào tài khoản chi trả lãi tiền gửi và chi từ tài khoản của Vũ Thị Thùy Dương  – Giám đốc khối kế toán.

Số tiền 1.576 tỷ đồng được chi cho các cá nhân là lãnh đạo hội sở, lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch để chi lãi ngoài, một phần chuyển thẳng cho các khách hàng, và chuyển cho các chi nhánh để chi...

Tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận có hành vi chi lãi ngoài nhưng chỉ là vi phạm Thông tư 02, hầu hết các ngân hàng đều chi lãi ngoài, nếu Oceanbank không chi thì mất thanh khoản nên theo các bị cáo, việc chi lãi ngoài là liều thuốc cứu ngân hàng. Theo các bị cáo đây không phải là phải thiệt hại, ngân hàng lấy thu bù chi có lãi.

Cơ quan truy tố xác định Oceanbank là tổ chức tín dụng phải thực hiện theo các quy định pháp luật và tuân thủ Luật tổ chức tín dụng. Thực tế tiền chi lãi ngoài là trái quy định về trần lãi suất huy động vốn. Số tiền chi sai hạch toán trái quy định nhà nước không có chứng từ hóa đơn hợp lệ.

Hậu qủa là số tiền đó không có khả năng thu hồi từ việc chi không minh bạch cho các bị cáo như chi cho Sơn 246 tỷ đồng, chi cho Nguyễn Minh Thu hơn 240 tỷ đồng, Nguyễn Minh Phương 226 tỷ đồng, các Giám đốc chi nhánh 475 tỷ đồng, 66 tỷ hội sở chuyển thẳng cho khách hàng cá nhân...

Hậu quả của hành vi vi phạm không chỉ là thiệt hại vật chất mà còn là tiền đề cho tội phạm tham nhũng phát triển. Trong vụ án này, có các bị cáo truy tố Tham ô, Lợi dụng chức vụ quyền hạn và các vụ án liên quan.

Số tiền thất thoát góp phần làm nợ xấu của Oceanbank chiếm 49,84% tổng dư nợ, âm vốn chủ 2,5 lần. Tháng 5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã mua 0 đồng và gánh toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của Oceanbank đối với khách hàng chấm dứt toàn bộ quyền của cổ đông.

Từ 2010 đến 2014 tổng số tiền chi lãi ngoài vượt trần là 1.576 tỷ đồng. Xác định có 246 tỷ đồng chi cho Sơn chiếm đoạt trong đó có 49 tỷ đồng cấu thành tội Tham ô tài sản.

Về hành vi cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng Phạm Công Danh, bị cáo Hà Văn Thắm biết, khoản vay là để tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín chứ không phải để thực hiện dự án sân vận động Chi Lăng như trong hợp đồng tín dụng. Hà Văn Thắm biết tài sản không có thật hoặc chưa đủ điều kiện pháp lý chỉ để hợp thức hồ sơ nhưng vẫn cho vay.

Tại phiên tòa, Hà Văn Thắm không thừa nhận. Quá trình điều tra, Hứa Thị Phấn không thừa nhận việc cho mượn tài sản để lấy tiền thanh toán các khoản vay của mình nhưng căn cứ tài liệu hồ sơ khẳng định Thắm và các đồng phạm đã có hành vi vi phạm quy đinh cho vay trong đó Thắm giữ vai trò chính, còn lại đồng phạm tích cực.

Tin bài liên quan