Đà Nẵng đứng đầu khu vực miền Trung về thu hút FDI

0:00 / 0:00
0:00
Với những ưu thế từ vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao … đã giúp cho Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư FDI.

Điểm sáng về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng thời gian qua, hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư vào Đà Nẵng vẫn đạt kết quả khả quan, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế, đưa Đà Nẵng tiếp tục là địa phương hấp dẫn về thu hút đầu tư ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đầu tư FDI thu hút vào địa bàn TP Đà Nẵng 6 tháng đầu năm nay đạt 160,5 triệu USD, đứng đầu khu vực miền Trung; tiếp đó là Thừa Thiên Huế 158 triệu USD; Quảng Trị 88 triệu USD; Quảng Bình 54 triệu USD; Bình Định 30 triệu USD… Trong đó, điểm sáng xuất hiện tại Khu công nghệ cao (CNC), Khu công nghệ thông tin tập trung (KCNTT) và các khu công nghiệp (KCN) TP Đà Nẵng.

Trong giai đoạn từ năm 2016-2020, Đà Nẵng thu hút được 530 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký mới là 1,045 tỷ USD.

Trong giai đoạn từ năm 2016-2020, Đà Nẵng thu hút được 530 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký mới là 1,045 tỷ USD.

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng BQL Khu CNC và các KCN Đà Nẵng cho biết: “Trong bối cảnh dịch bệnh, chúng tôi xác định xúc tiến đầu tư tại chỗ là một trong những giải pháp xúc tiến hiệu quả trong thời điểm hiện nay. Chúng tôi cũng xúc tiến thông qua các hoạt động trực tuyến, làm việc trực tuyến, tham gia các hội nghị, hội thảo trực tuyến để tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng, gửi thông tin và hỗ trợ, cung cấp thông tin cụ thể, chi tiết về môi trường đầu tư của thành phố Đà Nẵng đến các nhà đầu tư”.

Bất chấp đại dịch COVID-19, thời gian qua, Đà Nẵng đã liên tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và chủ trương nghiên cứu đầu tư hàng loạt dự án FDI. Đây là tín hiệu vui trong “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế” mà Đà Nẵng chọn làm chủ đề của năm 2021.

Cụ thể, mới đây Ban Quản lý Khu CNC và các khu công nghiệp KCN Đà Nẵng đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Phát triển INTEX, thành viên của Tập đoàn INTEX Group (Hoa Kỳ) nghiên cứu đầu tư vào KCN Hoà Khánh. INTEX sẽ nghiên cứu đầu tư dự án sản xuất hộp lọc nước cho bể bơi với công suất 1.900.000 sản phẩm/năm; máy bơm nước và không khí bằng điện và bằng tay với công suất 2.440.000 sản phẩm/năm. Tổng vốn đăng ký đầu tư của dự án là 12.000.000 USD.

Hay trước đó, Ban Quản lý cũng đã giới thiệu địa điểm đầu tư dự án Nhà máy sản xuất Bảng mạch in & Vi cơ điện tử (MEMS) của nhà đầu tư Vector Fabrication đến từ Hoa Kỳ vào khu CNC Đà Nẵng. Dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư dự kiến là 60 triệu USD.

Bên cạnh những dự án trên, từ đầu năm 2021 đến nay, Ban Quản lý đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho loạt dự án FDI như: Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise của nhà đầu tư Ha Vinh Ly và Nhe Thi Le (Hoa Kỳ) với vốn đầu tư 110 triệu USD vào khu CNC; Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng của Công ty TNHH Fujikin International (Nhật Bản), với vốn đầu tư 35 triệu USD vào khu CNC; dự án EPE Packaging Việt Nam tại Đà Nẵng (Nhật Bản) vào KCN Hòa Khánh mở rộng với vốn đầu tư 300.000 USD; dự án NABUA sản xuất phần mềm của nhà đầu tư Thụy Sỹ với vốn đầu tư là 30.468 USD vào khu CNTTTT…

Một góc TP. Đà Nẵng hiện nay

Một góc TP. Đà Nẵng hiện nay

Ngoài những dự án vừa kêu gọi trong thời gian qua, có thể kể đến một số dự án là “sếu đầu đàn” đổ bộ vào Đà Nẵng đã đi vào hoạt động như: Nhà máy Niwa Foundry Việt Nam, sản xuất các bộ phận thủy lực (Nhật Bản) vốn đầu tư 30 triệu USD; Nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT Vina của Công ty TNHH ICT Vina Dentium Đà Nẵng (Hàn Quốc) vốn đầu tư 20 triệu USD; Dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Tập đoàn UAC, Hoa Kỳ) vốn đầu tư 170 triệu USD… Những dự án này đã tạo ra những điểm sáng trong hoạt động sản xuất, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng thu hút được 15 dự án đầu tư trong nước tổng vốn hơn 23.000 tỷ đồng; 29 dự án FDI tổng vốn hơn 149 triệu USD.

Kêu gọi đầu tư 57 dự án trọng điểm

Giai đoạn 2020-2025, TP. Đà Nẵng kêu gọi đầu tư 57 dự án trọng điểm. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao có 4 dự án. Lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có 7 dự án tập trung tại huyện Hòa Vang. Lĩnh vực môi trường có Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) công suất 1.000 tấn/ngày, vốn đầu tư đăng ký dự kiến 3.000 tỷ đồng thực hiện giai đoạn 2020-2022. Lĩnh vực giao thông, cơ sở hạ tầng, logistics có 10 dự án, trong đó có Dự án cảng Liên Chiểu; Dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị; tàu điện kết nối Đà Nẵng và Hội An.

Lĩnh vực công nghệ thông tin, hạ tầng công nghiệp có 10 dự án; trong đó đáng chú ý có Dự án Không gian sáng tạo Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn II, Khu công nghiệp Hòa Ninh, Khu công nghiệp Hòa Nhơn 360 ha. Lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại có 11 dự án. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo có 6 dự án. Lĩnh vực văn hóa - thể thao có 4 dự án…

Tin bài liên quan