Đã hội tụ đủ tiền đề để giảm lãi suất

Đã hội tụ đủ tiền đề để giảm lãi suất

(ĐTCK-online) Các diễn giả tham dự buổi tọa đàm tại Báo Đầu tư sáng 27/8 về "Chính sách tiền tệ, thị trường tiền tệ những tháng cuối năm" đều thống nhất cho rằng, đã có đủ tiền đề để kéo lãi suất xuống mức kỳ vọng. Tuy nhiên, vấn đề là giữ được mức này trong thời gian bao lâu…

Mặc dù theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cuộc họp cuối tuần qua của Thống đốc Nguyễn Văn Bình với 12 NHTM là công việc bình thường, mang tính kỹ thuật, nội bộ, nhưng được rất nhiều thành phần trong xã hội quan tâm. Lý do của việc "săn" thông tin là cuộc họp này bàn về vấn đề đưa lãi suất cho vay sản xuất - kinh doanh về 17 - 19%/năm trong tháng 9 như thông điệp của Thống đốc lúc mới nhậm chức. Trong khi theo thông tin từ thị trường, lãi suất vẫn chỉ được giảm nhỏ giọt ở các lĩnh vực ưu tiên, do trước đó các ngân hàng đã huy động với lãi suất quá cao.

Chia sẻ thêm một số thông tin có được từ cuộc họp của Thống đốc và nhóm NHTM, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, để hỗ trợ các NHTM giảm lãi suất, trước mắt NHNN sẽ bãi bỏ những quy định mang tính hành chính, ví dụ như hoãn thi hành Thông tư 13, 19 với điều khoản bắt buộc phải đảm bảo tỷ lệ cho vay dưới 80% vốn huy động. Tuy nhiên, trần lãi suất sẽ tiếp tục được duy trì đến cuối năm, dù về dài hạn sẽ bãi bỏ quy định này. Và điều quan trọng nhất là NHNN sẽ đứng ra điều hòa vốn từ ngân hàng thiếu và thừa thanh khoản.

Trong buổi tọa đàm tại Báo Đầu tư, ông Nghĩa cho biết, dự trữ bắt buộc VND đang vượt trên mức yêu cầu xấp xỉ 38.000 tỷ đồng, do nhiều đơn vị thừa tiền nhưng không tìm được đối tượng vay. Hiện cũng có dấu hiệu thừa thanh khoản cục bộ tại một số ngân hàng, bởi mặc dù từng huy động vốn nội tệ với lãi suất trên dưới 18%/năm, nhưng không ít ngân hàng đổ vào mua trái phiếu chính phủ với lãi suất 12%/năm, nghĩa là chấp nhận lỗ 6%/năm. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tổng phương tiện thanh toán từ đầu năm đến nay tăng rất thấp, chỉ khoảng 90.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 8, trong khi đó xấp xỉ 43.000 tỷ đồng bị hút vào trái phiếu chính phủ.

"Lãi suất cao dẫn đến sản lượng giảm, hàng hóa thiếu, mặt bằng giá cả tiếp tục tăng khiến nền kinh tế đối diện nguy cơ vừa lạm phát (không phải do thừa tiền, mà là thiếu hàng), vừa đình đốn. Đặc biệt, nếu không hạ lãi suất, sản xuất đình đốn sẽ tạo cơ hội cho hàng hóa từ các nước lân cận tràn vào lấp hết chỗ trống trên thị trường Việt Nam ", TS. Nghĩa nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng khẳng định, thời gian tới chưa cần NHNN đưa ra những biện pháp mạnh mẽ nào, lãi suất cũng chắc chắn sẽ giảm. Bởi hiện tượng thừa điện ngoài dự tính chính là do có một bộ phận DN đã ngưng trệ sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng. Chính vì vậy, nhiều DN ngại vay dẫn đến việc ngân hàng thừa vốn.

Bên cạnh đó, động thái mới nhất là đường cong lãi suất chuẩn thay đổi trong mấy ngày vừa qua. Cụ thể, lãi suất tiền gửi ngắn hạn cao hơn dài hạn, điều đó chứng tỏ các NHTM cho rằng sắp tới lãi suất chắc chắn sẽ giảm, nên họ hạ lãi suất tại các kỳ hạn dài. Đồng thời, xuất hiện một số yếu tố tích cực khác là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ổn định ở mức thấp, lạm phát cũng đang có dấu hiệu giảm nhiệt, chỉ tăng dưới 1% trong tháng 8.

Cũng trong buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, nêu quan điểm, trong tâm lý của người dân, lãi suất thực âm và thực dương rất quan trọng, bởi nếu lạm phát 20%, lãi suất huy động hiện trả khoảng 18%/năm, nghĩa là các ngân hàng đang trả lãi suất thực âm. Tuy nhiên, hiện người dân không còn lựa chọn nào, bởi các kênh đầu tư như bất động sản, vàng, TTCK… cũng đang rất rủi ro và kém hấp dẫn. "Với tiền đề như vậy, việc đẩy lãi suất xuống là làm được", TS. Hiếu khẳng định.

Ông Hiếu cũng khuyến nghị thêm, hiện có rất nhiều ngân hàng dùng vốn trên thị trường liên ngân hàng để tài trợ tín dụng, đó là điều NHNN không nên khuyến khích, bởi không thích hợp với thông lệ quốc tế. Nguồn vốn cho tín dụng phải là nguồn vốn huy động trên thị trường 1 (dân cư và tổ chức). Vì chức năng của hai thị trường khác nhau mặc dù có liên thông với nhau, không thể dùng thị trường 2 (liên ngân hàng) "trám" vào lỗ hổng trên thị trường 1. Tuy nhiên, nếu thị trường 2 có tính thanh khoản cao sẽ giúp cho các ngân hàng có cơ hội, điều kiện đi vào thị trường 1 thuận lợi hơn.

"Nghĩa là, nếu thanh khoản tốt, các ngân hàng không phải 'đôn đáo' đẩy lãi suất tiền gửi lên để huy động vốn", TS. Hiếu nói.

Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, NHNN đã có đầy đủ công cụ và điều kiện để chắc chắn đưa lãi suất giảm xuống trong ngắn hạn. "Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là có duy trì được mức lãi suất thấp trong một thời gian dài hay không?", TS. Hiếu băn khoăn.