Đà giải thể DN đang chậm lại

Đà giải thể DN đang chậm lại

(ĐTCK) Những con số mới nhất do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vừa công bố cho thấy, dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng bức tranh DN đang dần có những gam màu sáng.

Đà giải thể DN đang chậm lại  ảnh 1Xây dựng, dịch vụ việc làm, công nghiệp chế biến, chế tạo… là những ngành có dấu hiệu suy giảm

 

DN đăng ký thành lập mới tăng

Sức khỏe của DN luôn phản chiếu sát tình hình kinh tế vĩ mô. Ở chiều ngược lại, khi kinh tế vĩ mô xuất hiện thêm những tín hiệu khởi sắc trong tháng 5/2013, bức tranh DN cũng vì thế có thêm gam màu sáng. Điều này phần nào được thể hiện qua các con số về lượng DN đăng ký thành lập mới, số DN giải thể, ngừng hoạt động cập nhật đến tháng 5/2013, vừa được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh công bố.

“Số DN đăng ký thành lập mới 5 tháng đầu năm 2013 có xu hướng tăng sau 4 tháng giảm liên tiếp…”, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, đồng thời dẫn chứng, số DN đăng ký thành lập mới trong 3 tháng đầu năm nay giảm tới 14% so với cùng kỳ năm 2012 và 4 tháng giảm 1,2%. Tuy nhiên, 5 tháng năm 2013, số DN đăng ký thành lập mới tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, khi đạt 31.009 DN. So với cùng kỳ năm ngoái, một số địa phương có tỷ lệ DN đăng ký thành lập mới tăng cao trong 5 tháng 2013 như: Trà Vinh tăng hơn 188%, Đồng Tháp tăng 90,9%, Bình Định tăng 78,5%...

Đáng chú ý, các lĩnh vực có tốc độ gia tăng cao về số DN thành lập mới trong các năm trước, thì trong những tháng đầu năm nay giảm như: tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 6,8%, xây dựng giảm 7,1%, kinh doanh bất động sản giảm 14,3%...

Là địa phương luôn nằm top dẫn đầu cả nước về lượng DN đăng ký thành lập mới trong các thời kỳ, ông Lâm Nguyên Khôi, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cho biết, sau nhiều tháng đối mặt với nhiều khó khăn, bức tranh DN trên địa bàn Thành phố đã có tín hiệu tích cực trở lại sau 5 tháng, khi số DN thành lập mới đạt 10.188 DN, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

DN giải thể, ngừng hoạt động giảm tốc

Một chỉ số khác cũng phản ánh tình trạng khó khăn của DN đã phần nào giảm bớt, đó là lượng DN giải thể có dấu hiệu giảm tốc. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong tháng 5/2013, có 570 DN giải thể, giảm 27,1% so với tháng trước; 3.020 DN ngừng hoạt động, giảm 15,4% so với tháng trước và giảm 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 3.624 DN hoàn thành thủ tục giải thể, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Trong 5 tháng đầu năm nay, tuy số lượng DN tạm ngừng hoạt động vẫn gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tỷ lệ gia tăng đã có dấu hiệu giảm dần…”, ông Tuấn cho biết và dẫn chứng, nếu như trong 3 tháng đầu năm nay, số DN tạm ngừng hoạt động tăng 26,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thì tỷ lệ này giảm xuống 16,9% trong 4 tháng và giảm tiếp còn 13% sau 5 tháng. Tuy số DN tạm ngừng hoạt động đang có xu hướng giảm dần, nhưng vẫn phản ánh một thực tế, DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động. Điều này đòi hỏi các giải pháp hỗ trợ DN trong thời gian tới cần triển khai quyết liệt hơn.

5 tháng đầu năm 2013, lượng DN gặp khó khăn phải ngừng hoạt động tập trung chủ yếu tại các địa phương có số lượng DN hoạt động lớn nhất cả nước như: TP. HCM có 6.374 DN, Hà Nội có 5.218 DN, Đà Nẵng 593 DN…

Theo phân tích của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, một số ngành nghề có thế mạnh của các năm trước, thì năm nay đều có dấu hiệu suy giảm. Theo đó, 5 tháng đầu năm nay, số DN phải ngừng hoạt động trong các lĩnh vực: xây dựng có 3.496 DN, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác có 1.395 DN, tăng 9,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo có 3.069 DN, tăng 7,1%...

Một diễn biến đáng chú ý khác là số DN ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm nay bắt đầu phát đi những tín hiệu khá tích cực, khi cả nước có tới 8.792 DN, trong đó Hà Nội là địa phương có số DN “hồi sinh” cao nhất với 2.463 DN, tiếp đến là TP. HCM: 2.417 DN, Đà Nẵng: 283 DN… Số DN ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động cao tập trung ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ; sửa chữa tô tô, xe máy; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo…