Xu hướng quy hoạch tích hợp (Rational Comprehensive) là tất yếu. Vùng là một tổ chức lãnh thổ thống nhất, có thể ví như “một chiếc máy bay Boeing” hay “một cỗ máy lớn”, muốn nó hoạt động hiệu quả không thể thiết kế chắp vá kiểu “đầu Ngô, mình Sở” được.
PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh
Cách làm quy hoạch ở nước ta hiện nay là lỗi thời, quá cũ, chia bánh, dành phần. Các cấp lãnh thổ chỉ nên có một bản quy hoạch tổng thể làm cơ sở, các tổ chức cá nhân tham gia chế tạo ra nó phải tuân thủ một bản thiết kế thống nhất.
Vậy ai có đủ điều kiện năng lực lập một bản thiết kế tổng hợp này?
Trong nền kinh tế thị trường, công việc này sẽ được giao cho một đơn vị tư vấn đủ điều kiện năng lực thông qua đấu thầu, chọn thầu, có khả năng tập hợp các tổ chức, đơn vị chuyên sâu thực hiện từng công việc chuyên môn. Thực tế, không có kiến trúc sư dở, mà chỉ sợ các ông chủ “không tâm, thấp tầm và kém tài”.
Khi Luật Quy hoạch được Quốc hội khóa 14 thông qua, cái mất là những bất cập, tồn tại, yếu kém của hệ thống quy hoạch lỗi thời hiện nay đang vận hành, đang tạo ra những đồ án quy hoạch “cọc cạch”. Còn cái được và cũng là cơ hội để chúng ta cải cách công tác quy hoạch cũ còn vương vấn bởi nền kinh tế quan liêu, bao cấp để chuyển sang thể chế quy hoạch tiên tiến phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Trong chuyên văn quốc tế không có cụm từ 'Quy hoạch xây dựng'"
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Trong chuyên văn quốc tế không có cụm từ “Quy hoạch xây dựng”. Đây là cụm từ Bộ Xây dựng dùng khi soạn thảo Luật Xây dựng nhằm khẳng định vai trò của Bộ chủ quản về quy hoạch như thời kế hoạch hóa tập trung.
Thời đó, mọi hoạt động kinh tế - xã hội được kế hoạch hóa, do đó vấn đề còn lại chỉ là công tác xây dựng theo kế hoạch. Bây giờ là kinh tế thị trường, Nhà nước chỉ đưa ra quy hoạch nhằm định hướng phát triển kinh tế - xã hội và môi trường cho cả nước, từng vùng, rồi tổ chức phân bổ không gian, sử dụng đất đai cho các nhu cầu kinh tế - xã hội .
TS Phạm Sỹ Liêm
Như vậy, không thể tách việc sử dụng đất đai với định hướng phát triển nên quy hoạch cần có tính tổng thể.
Quy hoạch là để phục vụ phát triển, xây dựng chỉ là một trong các phương tiện, công cụ thực hiện quy hoạch như tài chính, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách, thể chế…
Trong khi đó, cụm từ “quy hoạch xây dựng” lại hàm ý “xây dựng” là mục tiêu của “quy hoạch”! Sự ngộ nhận đó có thể hiểu được vào thời điểm trước năm 2003, khi sự hiểu biết về kinh tế thị trường chưa nhiều, ảnh hưởng tư duy bao cấp còn nặng. Nay hiểu biết của chúng ta về thị trường đã phong phú hơn nhiều, lại tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nếu cứ quy hoạch theo kiểu cũ thì rất không nên.
Luật Quy hoạch đã kế thừa Luật Xây dựng và không gây xáo trộn không cần thiết. Cả về nội dung cũng như hình thức, Dự thảo Luật đã thể hiện đầy đủ vai trò của một luật khung đang rất cần cho việc phát triển lĩnh vực quy hoạch công của nước ta, mà việc ban hành sẽ giúp khắc phục tình trạng rối rắm, chồng chéo, chi phí tốn kém nhưng ít hiệu quả trong các hoạt động quy hoạch hiện nay.
Bộ Xây dựng đề cấp đến kết quả quy hoạch xây dựng do Luật Xây dựng đem lại, nhưng chỉ là số lượng quy hoạch đã lập chứ chưa phải là hiệu lực và hiệu quả của các quy hoạch đó. Trong khi đó, từ đại biểu Quốc hội đến báo chí và người dân đều lên tiếng về quy hoạch treo, về băm nát quy hoạch đô thị, nhà siêu mỏng, siêu méo, cao ốc gây tắc nghẽn giao thông đô thị…
"Để phát triển bền vững, cần có những thay đổi về sử dụng các khu vực đất khác nhau"
GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bài toán quy hoạch trong cơ chế thị trường về thực chất chỉ là chia sẻ việc sử dụng không gian lãnh thổ, trong đó có tài nguyên thiên nhiên và phát triển hạ tầng chung nhằm mang lại hiệu suất, hiệu quả cao trong quá trình phát triển bền vững. Những vấn đề khác do thị trường quyết định dựa trên các quy luật của thị trường.
Việc sử dụng hợp lý không gian lãnh thổ có bản chất là tìm phương án sử dụng đất hợp lý nhất dựa trên hiện trạng và tiềm năng. Để phát triển bền vững, cần có những thay đổi về sử dụng các khu vực đất khác nhau.
Vấn đề chủ yếu là chấp nhận sự thay đổi như thế nào để mang lại các tác động tích cực cả về kinh tế, xã hội, môi trường, nhưng tổn thất phải xảy ra cần có phương án bù đắp thỏa đáng.
Sự thay đổi phương án sử dụng đất phải dựa trên yêu cầu phát triển bền vững, có lưu ý tới lợi ích chung, lợi ích cộng đồng tại địa phương và lợi ích của những người đang sử dụng đất, không thể căn cứ vào lợi ích của các ngành, các lĩnh vực mang tính cục bộ
"Luật Quy hoạch là nhân tố thúc đẩy cho một cuộc cải cách sâu rộng hơn về lĩnh vực quy hoạch và quản lý phát triển mang tầm vóc quốc gia"
Ông Lawrie Wilson, Chuyên gia quốc tế về quy hoạch
Tôi dành sự ủng hộ rất lớn của mình cho nền móng của dự thảo Luật Quy hoạch sắp được đệ trình lên xem xét tại kỳ họp tới của Quốc hội Việt Nam.
Việc thông qua các khái niệm cơ bản của dự thảo Luật đề xuất là thiết yếu nếu Việt Nam muốn nâng cấp các thông lệ quy hoạch nhằm đáp ứng những thách thức của quá trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa đất nước; điều đó cũng có nghĩa là, lên kế hoạch phát triển xã hội, vật chất, môi trường và kinh tế theo phương thức phù hợp với thế kỷ 21.
Kế hoạch xây dựng tổng thể là di tích của thời kỳ tiền Đổi mới và có rất ít giá trị trong thời kỳ hậu gia nhập WTO này.
Nhìn tổng quan về đa số các thành phố ở Việt Nam, một điều không thể bác bỏ là quy hoạch đô thị như hiện nay đang áp dụng đã thất bại trong việc cung cấp chất lượng cho một cuộc sống đô thị như đã hứa hẹn. Đó là do tư tưởng quy hoạch xây dựng tổng thể và phương pháp luận không đề cập tới những vấn đề cần thiết để chuyển đổi các thành phố lớn ở Việt Nam vào trong hệ thống đô thị hiện đại, có hiệu quả, nơi có thể phát triển bền vững và cung cấp cuộc sống chất lượng cao và những điều đó sẽ đảm bảo tính hiệu quả của các thành phố trong cuộc cạnh tranh trên trường quốc tế vào thời kỳ hậu gia nhập WTO.
Trong bối cảnh đó, dự thảo Luật Quy hoạch sẽ hợp lý hóa và chính thức hóa cấu trúc phân cấp quy hoạch ở Việt Nam. Quan trọng hơn, bản dự thảo sẽ chú trọng vấn đề "quy hoạch vùng", chính là nhân tố then chốt của một hệ thống quy hoạch và quản lý phát triển hiệu quả và phù hợp với xu hướng hiện nay trên thế giới.
Luật Quy hoạch có thể được coi là nhân tố thúc đẩy cho một cuộc cải cách sâu rộng hơn về lĩnh vực quy hoạch và quản lý phát triển mang tầm vóc quốc gia. Đây là bài học đầu tiên và cũng là quan trọng nhất từ các nền kinh tế phát triển hơn- đó là, sẽ chỉ có một “hệ thống quy hoạch” duy nhất, một hệ thống hoàn toàn toàn diện xuyên suốt tất cả các bộ và các cơ quan.