Thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM cuối tuần trước đã liệt kê 59 cổ phiếu không được phếp đưa vào danh mục ký quỹ. Một trong các doanh nghiệp niêm yết mới đưa vào diện này là Tập đoàn Petrolimex (mã PLX). Nguyên nhân là bởi công ty kiểm toán có đưa ý kiến ngoại trừ đối với khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Cụ thể, một công ty con của Petrolimex đã dự phòng giảm giá hàng tồn kho số tiền 135 tỷ đồng dựa trên ước tính về sự suy giảm giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho đến cuối năm 2019. Trong khi đó, phía kiểm toán cho rằng, việc ghi nhận này chưa phù hợp với các quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam và lợi nhuận của Petrolimex đáng lẽ phải tăng tương ứng 135 tỷ đồng, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước và chi phí thuế TNDN hiện hành sẽ tăng 27 tỷ đồng.
Giải trình về vấn đề trên, lãnh đạo Petrolimex cho biết việc trích lập là do nhu cầu sản lượng của các hãng hàng không thường tăng cao vào những tháng cuối quý II – III. Công ty con là Nhiên liệu bay Petrolimex nhập hàng dự trữ để đảm bảo cho nhu cầu này. Do ảnh hưởng của việc giảm sản lượng mua của một khách hàng lớn dẫn tới tồn kho tăng cao. Trong khi đó, giá dầu tăng vào hai tháng đầu quý II/2019 nhưng lại giảm vào cuối quý, công ty dự báo xu hướng giảm sẽ tiếp tục cho đến cuối năm. Việc trích lập dựa trên những ước tính về sự suy giảm giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho đến cuối năm 2019 theo nguyên tắc thận trọng.
Thông báo vào tối muộn 7/10, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết sẽ loại mã chứng khoán PLX ra khỏi Danh mục cho vay từ hôm nay (8/10). Ngày 17/10, PLX sẽ bị loại ra khỏi danh mục tính quản trị rủi ro.
Đối với các khách hàng đã ký quỹ bằng PLX, một số lựa chọn có thể thực hiện là bổ sung thêm tiền bù cho phần tiền đã đi vay vào hoặc bán cổ phiếu đã vay bằng tiền ký quỹ cổ phiếu PLX. Sau động thái trên của MBS, cổ phiếu PLX của Tập đoàn Petrolimex vẫn đang nằm trong danh mục cho vay ký quỹ của 17 công ty chứng khoán khác. Đa số các công ty đều áp tỷ lệ cho vay tối đa 50:50.