Đã có các giải pháp, chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19

Đã có các giải pháp, chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin được ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra tối 5/5.

Phê duyệt gói hỗ trợ 115.000 tỷ đồng

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, gói hỗ trợ thứ 2 sẽ tiếp tục gia hạn những chính sách, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

"Năm 2020 là gói hỗ trợ là 62.000 tỷ đồng, năm 2021 gói hỗ trợ khoảng 115.000 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã ký duyệt rồi" - ông Sơn cho biết tại cuộc họp báo.

Thông tin thêm về gói hỗ trợ này, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, đây là các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, khắc phục khó khăn và đảm bảo "mục tiêu kép" của Chính phủ, do đặc thù nước ta nên sẽ không có 1 gói hỗ trợ duy nhất như các nước.

Ông Phương cũng dẫn lại các giải pháp hỗ trợ trong năm 2020. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01 về giãn nợ, khoanh nợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn, thiệt hại do Covid-19.

Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03 sửa đổi một số điều của Thông tư 01 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Về lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ để ban hành Nghị định 52, tiếp tục gia hạn tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế đất... sẽ tiếp tục áp dụng trong năm 2021.

Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, ông Trần Văn Sơn cho biết, kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 tiếp tục phục hồi và đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng tăng 0,89%, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.

Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 40,5% dự toán năm, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2020; đã gia hạn thời hạn nộp thuế đối với khoảng 24.000 tỷ đồng theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP; đã bố trí 12.100 tỷ đồng tiết kiệm chi thường xuyên năm 2020 chuyển sang năm 2021 để mua vaccine.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng ước tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước; tiếp tục duy trì xuất siêu, đạt 1,29 tỷ USD. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 24,1%, tính chung 4 tháng, ước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7%, cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 9,7%).

Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai hiệu quả.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, tình hình Covid-19 với những diễn biến phức tạp, nên cần được quan tâm đặc biệt. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ, cả hệ thống chính trị là "phòng chống dịch triệt để, có hiệu quả, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe và đảm bảo cuộc sống an toàn, ổn định cho nhân dân".

Theo ông Sơn, đến nay dịch bệnh cơ bản "trong tầm kiểm soát", tuy nhiên dự báo tình hình tiếp tục phức tạp và kéo dài. Do vậy, Chính phủ yêu cầu các địa phương, người dân phải luôn sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở mức cao nhất, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác và không bi quan, hoảng hốt.

Các cơ quan chức năng tuyệt đối không bao che, nể nang và sẽ xử lý nghiêm, không có ngoại lệ đối với các trường hợp vi phạm làm lây nhiễm dịch bệnh, nhập cảnh trái phép, không tuân thủ cách ly y tế; có thể xem xét xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Bố trí 12.100 tỷ đồng mua vaccine

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 15/5, toàn bộ số vaccine Covid hiện có của Việt Nam sẽ được tiêm, không để quá hạn, bảo đảm an toàn.

"Sáng nay Chính phủ thảo luận rất kỹ đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vaccine, giao Bộ Y tế trong tháng 5 phải hoàn chỉnh", ông Sơn thông tin.

Chính phủ cũng đã bố trí 12.100 tỷ đồng tiết kiệm chi thường xuyên năm 2020 chuyển sang năm 2021 để mua vaccine Covid-19.

Cùng với việc kéo dài thời gian cách ly lên 21 ngày, thay vì 14 ngày so với trước đây, Chính phủ đồng ý người Việt Nam từ các nước láng giềng khi về nước bằng đường bộ, sẽ được Nhà nước hỗ trợ cách ly y tế, gồm chi phí đưa đón đến cơ sở cách ly, xét nghiệm sàng lọc, tiền ăn ở...

Về vấn đề vaccine, tại cuộc họp báo chiều 5/5, ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đang nỗ lực bằng nhiều cách khác nhau để tiếp cận, mua vaccine, "kể cả qua các kênh trực tiếp và gián tiếp".

Dự kiến trong năm 2021, đầu năm 2022, Việt Nam có các nguồn vaccine gồm: 38,9 triệu liều Astra Zeneca do chương trình Covax hỗ trợ; 30 triệu liều Astra Zeneca do VNVC đặt mua. Đồng thời, Bộ Y tế đang đàm phán với Pfizer để có 31 triệu liều vaccine vào cuối năm 2021. Một số nước, tổ chức cũng xác nhận sẽ viện trợ Việt Nam khoảng 2 triệu liều.

Đặc biệt, ông Thuấn thông báo một số nước trên thế giới đã xác nhận sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam, đơn cử Nhật Bản.

"Sắp tới tôi sẽ sang Nhật Bản để đàm phán và Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường sẽ đi Nga đàm phán mua vaccine", ông Thuấn nói.

Cũng theo ông Thuấn, trong tháng 5/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác đồng ý chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mới nhất cho Việt Nam, là công nghệ mRNA.

"Trong tháng 5 này, chúng tôi sẽ bàn cụ thể hơn với WHO và các đối tác", ông Thuấn cho hay.

Về việc sản xuất vaccine trong nước, hai đơn vị đang tiến hành thử nghiệm. Trong đó Vaccine Nano Covax sắp thử nghiệm giai đoạn 3.

"Nếu không may dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam, Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt vaccine Nano Covax khi đã thử nghiệm thành công được một nửa ở giai đoạn thứ 3", ông Thuấn thông tin.

Về vấn đề hộ chiếu vaccine, ông Thuấn nói, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị nghiên cứu biện pháp phòng dịch khi áp dụng loại hộ chiếu này.

"Đây là vấn đề đang được nhiều nước xem xét. Hiện chưa đủ bằng chứng về hiệu quả phòng ngừa của vaccine với các biến chủng virus. Hơn nữa, có ý kiến cho rằng hộ chiếu vaccine chỉ nên áp dụng khi đạt được miễn dịch cộng đồng (70% số dân) nhờ tiêm vacicne", ông Thuấn phân tích.

Vì vậy, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về thời điểm phù hợp áp dụng hộ chiếu vaccine với quan điểm an toàn người dân đặt lên hàng đầu.

Tin bài liên quan