Ông Nguyễn Ðức Thông, Giám đốc giao dịch phái sinh CTCP Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, nếu định giá theo mô hình Black Scholes (BS) và dùng độ biến động giá cao nhất trong 2 - 3 năm vừa qua, một số mã CW có giá thực tế đang cao hơn giá lý thuyết rất nhiều.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/7/2019, gần 2,26 triệu chứng quyền được chuyển nhượng thành công với giá trị khoảng 4,87 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ ngày đầu tiên giao dịch. Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), so với phiên 5/7/2019, khối lượng CW giảm 41% kéo theo giá trị giao dịch sụt 50%.
CW CMBB1901 vẫn là mã duy nhất chưa giảm phiên nào, so với phiên đầu tiên giao dịch có 2 mã tăng trên 50% (CMBB1901, CPNJ1901), 2 mã tăng trên 60% (CFPT1901, CMWG1901) CMWG1902 tăng 39%, CHPG1901 tăng 29%... Trong khi đó, khối ngoại vẫn kiên trì bán ròng ở các mã CW như CHPG1902 và CVNM1901. Tỷ lệ chứng quyền có lãi trên thị trường vẫn duy trì ở mức 4/10, dẫn đầu là CMWG1901 và xếp sau cùng là CHPG1902.
Còn thống kê từ lúc phát hành đến nay, có 7/10 mã CW đang có mức tăng giá, 2 mã giảm và 1 mã đứng giá. Ðáng chú ý, tăng cao nhất đang thuộc về CFPT1901 do VNDS phát hành và CMWG1901 do BSC phát hành.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mã CFPT190 đang giao dịch ở giá rất cao. Ðộ biến động giá của chứng quyền này tầm 94%, trong khi lịch sử hai năm gần nhất, độ biến động giá của cổ phiếu FPT chưa bao giờ vượt quá 50%.
Ông Thông tính toán, nếu sử dụng độ biến động giá 50% để làm đầu vào cho vài công thức BS thì giá CW FPT sẽ ở khoảng 2.700 đồng, thay vì 4.400 đồng như hiện nay. Còn nếu dùng độ biến động giá 40% thì giá cũng chỉ còn ở mức 2.400 đồng.
Theo ông Thông, với tỷ lệ chuyển đổi 1:2, giá hiện tại đang là 4,41, giá thực hiện là 45.000 đồng, vậy thị giá FPT ít nhất phải đạt tới mức 45 + 2 x 4,41 = 53.820 đồng/cổ phiếu thì nhà đầu tư mới bắt đầu có lời. Có nghĩa là, giá cổ phiếu lại cần phải tăng gần 15% trong vòng 2 tháng, đây là một điều không hề dễ dàng.
Tương tự, mã CMWG1901 được đánh giá đang có mức giá cao, bởi mã này có tỷ lệ chuyển đổi 1:4, với giá đóng cửa phiên 4/7 là 4.300 đồng/CW, giá thực hiện 88.300 đồng thì thị giá cổ phiếu MWG cần phải tăng ít nhất lên mức (88.300 + 4 x 4.300) = 105.500 đồng, nhà đầu tư mới bắt đầu có lời.
Với diễn biến hiện nay, một vài mã CW đang tăng giá so với giá IPO - là diễn biến có lợi cho các công ty chứng khoán nếu còn hàng để bán và có thể bán được giá cao hơn so với chi phí hedging.
Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDS) cho biết, phát hành CW phụ thuộc nhiều vào việc chọn mã chứng khoán cơ sở. Về bản chất, FPT và MWG vẫn đang tăng trưởng tốt nên được nhà đầu tư kỳ vọng nhiều cũng hợp lý. Ngoài ra, kinh nghiệm tại các thị trường khác, với sản phẩm mới CW, nhà đầu tư tư trong giai đoạn đầu khá thích thú, nên giá CW tăng cao cũng dễ hiểu.
Ông Dũng nhận định, so với mô hình định giá thì CW trên hai mã này tăng hơi nhiều, nhưng cần lưu ý biến động của CW tương quan với cổ phiếu cơ sở và do có tính đòn bẩy cao nên khi cổ phiếu cơ sở tăng thì phần tăng của CW lớn hơn rất nhiều. Chính vì vậy, sẽ có lúc nhà đầu tư thấy CW tăng mấy chục phần trăm và khi giảm cũng tương tự.
Dưới góc nhìn của ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam Chi nhánh TP.HCM, mức tăng giá của CW là chưa đáng ngại. Tính trên tỷ lệ, thị giá CW tăng 50 - 60%, nhưng con số tuyệt đối không nhiều. Giá CW về lý thuyết là biến thiên cùng chiều với giá chứng khoán cơ sở và thời điểm ra mắt CW, giá nhiều chứng khoán cơ sở đang thấp.
Chính vì vậy, giá CW tăng là hợp lý khi giá chứng khoán cơ sở tăng và dù tốc độ tăng có “cảm giác” về con số tương đối cao, nhưng do dư địa tăng trưởng của cổ phiếu cơ sở còn nhiều (hầu hết đã giảm sâu và đà tăng chỉ mới bắt đầu), giá CW cũng có cơ hội tăng tiếp.
Trên thực tế, biến động giá CW rủi ro cho nhà đầu tư, còn với công ty chứng khoán, rủi ro sẽ nằm ở việc hedging (phòng ngừa rủi ro) và tạo lập thị trường. Ðối với nghiệp vụ hedging, công ty chứng khoán có thể kiểm soát được rủi ro bằng việc xác định giá CW khi bán ra.
Về rủi ro tạo lập thị trường, công ty chứng khoán có thể sẽ gặp rủi ro khi có hiện tượng làm giá xảy ra. Tuy nhiên, ông Thông đánh giá, mức độ rủi ro này sẽ không quá cao do quy định về tạo lập thị trường không đòi hỏi công ty chứng khoán tốn nhiều chi phí.