CW khởi đầu tích cực, nhiều công ty chứng khoán rục rịch tham gia

CW khởi đầu tích cực, nhiều công ty chứng khoán rục rịch tham gia

(ĐTCK) Nối tiếp bước chân của 7 công ty chứng khoán đầu tiên tham gia phát hành chứng quyền có bảo đảm (CW), một số doanh nghiệp cùng ngành cũng đang rốt ráo chuẩn bị để không lỡ nhịp bước chân vào thị trường này.

Các công ty chứng khoán đầu tiên tham gia phát hành đã đưa ra một số chương trình khuyến mãi nhằm thu hút thêm khách hàng quan tâm tới sản phẩm mới. Trong khi đó, một số công ty chứng khoán chưa tham gia phát hành đợt đầu cũng đang tích cực chuẩn bị sẵn sàng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nhân sự… để hỗ trợ cho nhà đầu tư.

Để hỗ trợ khách hàng có thời gian lĩnh hội kiến thức và làm quen với cách thức giao dịch CW, Công ty cổ phần Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE) miễn phí giao dịch cho tất cả khách hàng (không bao gồm phí phải trả cho Sở giao dịch) từ ngày 28/6/2019 đến hết ngày 28/09/2019. Sau thời gian này, phí giao dịch CW được tính theo mức phí chung của chứng khoán cơ sở.

Tương tự, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) hỗ trợ phí giao dịch CW trong vòng 2 tháng kể từ ngày chính thức giao dịch; Công ty cổ phần Chứng khoán ASEAN thông báo sẽ miễn phí giao dịch cho tất cả các lệnh mua và bán CW cho khách hàng đến hết ngày 31/8/2019...

Theo ghi nhận trên thị trường, sau 2 ngày giao dịch, CW đang tăng trưởng khá ấn tượng, hầu hết các nhà đầu tư tham gia IPO đều ghi nhận mức lãi tốt. Trong phiên giao dịch ngày 1/7, mã CFPT1901 và CMWWG1902 đang tím trần, giao dịch ở mức 4.270 đồng/CW và 4.830 đồng/CW, lần lượt tăng 124,7% và 61,5% so với giá phát hành.   

Chuyện tăng vốn của khối CTCK để đủ điều kiện tham gia CW sẽ nóng lên trong thời gian tới.

Do mới đi vào vận hành nên chưa thể nhận định thị trường CW tại Việt Nam sẽ có tốc độ phát triển như thế nào. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các thị trường có nét tương đồng với Việt Nam như Đài Loan, Hồng Kông… thì nhiều khả năng CW sẽ phát triển rất mạnh và sớm trở thành sản phẩm chủ lực. Trong bối cảnh này, việc “nhanh chân” bước vào sân chơi CW là cách để các công ty chứng khoán có thêm không gian phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút thêm khách hàng.

Hiện tại, nhiều công ty chứng khoán chưa tham gia phát hành đợt đầu tiên đang rục rịch để có thể sớm gia nhập thị trường, trong đó có các tên tuổi như MBKE, Yuanta Việt Nam, SBBS, Rồng Việt...

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Josephine Yei Pheck Joo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán SaigonBank Berjaya (SBBS) cho biết, nguồn vốn hiện tại chưa cho phép SBBS tham gia phát hành CW, nhưng trong kế hoạch dài hạn, Công ty sẽ cố gắng đạt đủ điều kiện để trở thành tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm. Bên cạnh đó, dù chưa tham gia phát hành CW, nhưng Công ty vẫn hỗ trợ khách hàng tham gia sản phẩm mới này thông qua việc đào tạo cho đội ngũ môi giới và tư vấn khách hàng. Đồng thời chính sách về phí giao dịch cũng sẽ hợp lý để khuyến khích khách hàng tham gia.

Theo bà Josephine Yei Pheck Joo, do đặc tính tương đồng về cách giao dịch giữa CW và cổ phiếu, thị trường giao dịch CW sẽ trở nên rất sôi động và hấp dẫn. Nhiều nhà đầu tư cá nhân tìm thấy ở sản phẩm này tất cả những điều mà họ mong muốn: Giao dịch dễ dàng, thời gian đầu tư ngắn, không cần nhiều vốn và tính chất đòn bẩy cao.

Liên quan đến việc chỉ mới có chứng quyền mua, chưa có chứng quyền bán, bà Josephine Yei Pheck Joo cho rằng, một khi các quy định và kỹ thuật để triển khai nghiệp vụ bán khống cổ phiếu đã sẵn sàng thì hãy nghĩ đến việc triển khai chứng quyền bán.

Tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ông Nguyễn Chí Trung, Phó tổng giám đốc cho biết, Rồng Việt đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về tài chính, hệ thống và nhân sự để tham gia CW từ năm 2018. Hiện tại, Công ty đang lựa chọn các cổ phiếu để làm CW và cân nhắc thời điểm thích hợp để phát hành.

Theo ông Trung, việc chuẩn bị để chào đón và đưa sản phẩm mới CW vào hoạt động nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư tiến hành giao dịch không quá khó khăn đứng dưới góc độ thành viên không phát hành. Bên cạnh đó, VDSC đã tiến hành các bước kiểm tra hệ thống, xây dựng quy trình, tổ chức huấn luyện, đào tạo đội ngũ để có thể tư vấn kịp thời và phù hợp cho các nhà đầu tư. 

“Chúng tôi tự tin với sự chuẩn bị của mình. Xác định là người đi sau trên mảng sản phẩm này, Rồng Việt đang quan sát khá kỹ các công ty chứng khoán cùng ngành để có thể học hỏi và chuẩn bị tốt nhất cho chiến lược xuất hiện của riêng mình”, ông Trung nói và chia sẻ thêm, ông cảm thấy thích thú với sản phẩm này vì tính đa dạng của nó khi so sánh với thị trường phái sinh.

Với CW, các công ty chứng khoán được thể hiện vai trò chủ động khi đóng vai trò là người phân tích, đánh giá, dự báo, thực thi sản phẩm đưa đến cho nhà đầu tư. Cuộc chơi nghiêng về "sân" người tạo lập sẽ làm nóng chuyện tăng vốn của khối công ty chứng khoán để đủ điều kiện tham gia trong thời gian tới.

Sớm nhất, Công ty Chứng khoán Yuanta đã phát ra thông báo về kế hoạch sẽ tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng và tham gia phát hành CW. 

Tin bài liên quan