Cứu tinh BRICs?

Cứu tinh BRICs?

Xưa nay người ta chỉ quen nhìn các nước giàu ứng cứu nước nghèo, nhưng chuyện ngược lại đang diễn ra. Tuần qua, mọi con mắt đổ dồn vào nhóm các nước BRICs (nhóm 5 nền kinh tế đang phát triển Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) với hy vọng sẽ tìm được “cứu tinh” cho cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu, cũng là cho kinh tế toàn cầu.

Trong cuộc họp kết thúc hôm 9-9, G7 - nhóm 7 nước giàu nhất - khiến người ta thất vọng khi chỉ dừng lại ở mức “hô khẩu hiệu” một cách chung chung, thiếu kế hoạch cụ thể: “Chúng tôi sẽ làm mọi việc cần thiết để đảm bảo tái ổn định các hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính”.

 

Vì vậy, không lạ gì khi các thị trường phản ứng tích cực theo sau những dấu hiệu “quăng dây ứng cứu” của các nước BRICs.

 

Liệu BRICs có cứu được thế giới?

 

Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega cho biết trong tuần này các nước BRICs sẽ họp tại Washington , để bàn cách cứu trợ châu Âu. Không giống các nước G7 đang ngập chìm trong nợ, các nước BRICs nắm trong tay một lượng thặng dư ngân sách khổng lồ, ước tính tổng dự trữ ngân sách của 5 nước BRICs lên đến 4.100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc có tới 3.200 tỷ USD, Ấn Độ và Brazil lần lượt nắm 320 và 350 tỷ USD.

 

Với dự trữ khổng lồ này, giới quan sát tin rằng nếu muốn, BRICs có thể dễ dàng cứu châu Âu qua cơn bĩ cực. Tuy nhiên, vấn đề là BRICs có sẵn sàng ra tay hay không, và cứu như thế nào?

 

Nhiều ý kiến cho rằng ứng cứu châu Âu là lựa chọn bắt buộc với các nước BRICs, bởi trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự đi xuống của một khu vực kinh tế lớn như châu Âu ảnh hưởng đến cả thế giới. Hơn nữa, tăng trưởng của các nước BRICs có liên quan mật thiết với tình hình kinh tế ở châu Âu.

 

Đơn cử như Brazil, EU là đối tác thương mại hàng đầu, chiếm 22,5% tổng giá trị thương mại của Brazil năm 2009; Brazil cũng là nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu vào EU, chiếm 12,4% tổng lượng nông sản nhập khẩu vào EU trong năm 2009.

 

Tương tự, EU là một đối tác chiến lược của Ấn Độ, thương mại song phương giữa EU-Ấn Độ tăng theo từng năm, với mức tăng ấn tượng nhất được ghi nhận vào năm 2007 khi giá trị thương mại 2 chiều đạt 55 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2003 (28,6 tỷ USD). Đối với Bắc Kinh, EU là một trong những thị trường lớn nhất của hàng hóa “made in China ”.

 

Một lý do khác giới phân tích đưa ra để lý giải “lòng hảo tâm” của các nước BRICs là vấn đề đa dạng hóa dự trữ. Cùng với cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát từ Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nước thành viên BRICs khác đang nỗ lực đa dạng hóa tài sản dự trữ của họ khỏi USD. Hơn nữa, lợi suất trái phiếu của các nước khu vực đồng EUR hiện cao hơn nhiều so với lợi suất trái phiếu cùng loại của Hoa Kỳ.

 

Tính tới tháng 7, Trung Quốc nắm khoảng 1.170 tỷ USD trái phiếu Hoa Kỳ (T-Bond), trong khi các thành viên BRICs còn lại nắm 356 tỷ USD T-Bond. Lợi suất T-Bond 10 năm hiện nay chỉ 2%, trong khi lợi suất trái phiếu Hy Lạp 10 năm hiện đã hơn 20%.

 

Dễ gây bất đồng

 

Theo tờ Financial Times của Anh, Trung Quốc còn muốn dùng chiếc phao ứng cứu như một cách để ép EU phải công nhận họ là nền kinh tế thị trường, đồng nghĩa với việc phải bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí đối với Trung Quốc có từ năm 1989 và chấp nhận để Bắc Kinh thâm nhập vào một số ngành công nghiệp mũi nhọn.

 

Trong trường hợp EU đồng ý với điều kiện của Trung Quốc và công nhận nước này là nền kinh tế thị trường, họ sẽ đối mặt với sức ép của cử tri và “người bạn lớn” Hoa Kỳ.

 

Trong khi đó, bản thân Trung Quốc cũng sẽ gặp xung đột ngay trong nội bộ các nước BRICs. Việc bỏ lệnh cấm mua bán vũ khí đối với Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến các láng giềng lo ngại, trong đó có thành viên lớn thứ 2 của BRICs là Ấn Độ. Ngoài ra, liệu các thành viên BRICs còn lại có chịu ngồi yên khi nhìn thấy Trung Quốc được ưu đãi hơn trong cùng một nỗ lực ứng cứu của cả nhóm?

 

Hơn nữa, việc mua trái phiếu các nước nặng nợ như Hy Lạp sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho các nước BRICs. Có thể họ sẽ chọn cách an toàn hơn là mua trái phiếu của các nền kinh tế mạnh trong khu vực EUR như Đức hoặc Pháp. Nhưng nếu mua trái phiếu Đức sẽ có rất ít tác dụng trong việc củng cố niềm tin của thị trường, vì hiện trái phiếu Đức vẫn được đánh giá cao.

 

Một số nhà phân tích cho rằng chuyện không tránh khỏi là châu Âu phải phát hành “trái phiếu EUR” (euro bond - tức trái phiếu được bảo đảm bằng cả khu vực đồng EUR). Như vậy, trái phiếu này sẽ có lợi suất thấp hơn (so với các nước nặng nợ như Hy Lạp, Bồ Đào Nha , Ireland ), tăng khả năng trả nợ cho các nước phát hành.

 

Tuy nhiên, các thành viên mạnh hơn của khu vực đồng tiền chung như Đức lại không mấy thiện cảm với kế sách này, vì không muốn phải trả lợi suất cao hơn để đỡ cho các nước yếu. Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp từng một lần phản bác kêu gọi phát hành euro bond.