Trong các ngày 29/11-1/12/2021, phiên tòa xét xử 36 bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi tiếp tục với phần tranh luận.
Đề nghị hủy kê biên, phong tỏa tài khoản
Trước tòa, các bị cáo Lê Quang Hào (cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC), Đỗ Ngọc Ân (Phó giám đốc Ban quản lý dự án)... đề nghị được hủy kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản chứng khoán.
Bào chữa cho bị cáo Hào, luật sư Nguyễn Văn Thái cho rằng, đây là các tài sản hợp pháp được hình thành trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng bị cáo và tồn tại trước khi vụ án xảy ra, không phải tài sản do phạm tội mà có hoặc hình thành từ nguồn bất hợp pháp.
Phong tỏa hàng trăm tỷ đồng tiền bảo hành của Ciecon5, Cienco6…
Ngoài ra, tại tòa, VEC khẳng định chỉ yêu cầu các nhà thầu có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, không yêu cầu các bị cáo bồi thường. Do đó, bị cáo không phát sinh trách nhiệm dân sự trong vụ án này. Luật sư đề nghị HĐXX áp dụng quy định tại Điểm d, Khoản 1 Điều 130 BLTTHS năm 2015 để tuyên hủy bỏ biện pháp phong tỏa các tài sản này của bị cáo.
Tương tự, luật sư Nguyễn Văn Ngôn, bào chữa cho bị cáo Quản Trọng Tuấn, nguyên Giám đốc Ban điều hành Liên danh gói thầu số 3B cho rằng, Cienco6 cũng xác nhận chịu trách nhiệm bồi thường, không yêu cầu bị cáo bồi hoàn. Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX giải tỏa việc phong tỏa tài sản, tài khoản của bị cáo.
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát đề nghị không buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền 811 tỷ đồng cho VEC. Thay vào đó, các nhà thầu phải có trách nhiệm về số tiền này. Đồng thời, giành quyền cho các nhà thầu được khởi kiện bằng các vụ án dân sự khác. Đề nghị tiếp tục kê biên, phong tỏa tài sản để giải quyết vụ án.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra tiến hành kê biên tài sản là nhà đất, tạm dừng các tài khoản chứng khoán và ngân hàng của một số bị cáo; phong tỏa số tiền 251,7 tỷ đồng là tiền bảo hành công trình hiện do VEC nắm giữ.
Các luật sư bào chữa tại tòa. |
Tranh luận về thiệt hại 811 tỷ đồng
Tại tòa, luật sư Lý Vinh Hoàng, bào chữa cho bị cáo Cao Hừng Đông, cựu Phó giám đốc Ban điều hành Liên danh gói thầu số 1 cho rằng việc xác định giá trị thiệt hại vì nghiệm thu đưa vào khai thác công trình chưa đạt chất lượng, tuy có gây thiệt hại nhưng đã tạo được khoản thu phí hơn 1.400 tỷ đồng… thì có thể xem xét để khấu trừ thiệt hại.
Cùng quan điểm trên, luật sư Đào Hữu Đăng, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Mạnh Cường, cựu Phó giám đốc Ban điều hành Liên danh gói thầu số 1 lập luận, chủ đầu tư không mất toàn bộ lợi ích từ công trình, ngược lại đã thu phí được 1.400 tỷ đồng.
Do đó, VEC không thể buộc nhà thầu bồi thường số tiền 811 tỷ đồng. Toàn bộ các chi phí, sửa chữa các bộ phận hư hỏng của công trình theo đúng chỉ dẫn kỹ thuật và hồ sơ thiết kết… đều thuộc giai đoạn bảo hành của dự án.
Đối đáp các quan điểm trên, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, cơ quan tố tụng đã xác định giá trị lớp vật liệu không đảm bảo thi công theo tiêu chuẩn kỹ thuật đề ra trong dự án này.
Các bị cáo và luật sư cho rằng, không có cơ quan chuyên môn nào đánh giá thiệt hại. Viện kiểm sát thấy, việc truy tố các bị cáo theo Điều 224 tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, nổi lên nhất là việc thi công, nghiệm thu đã xảy ra vi phạm.
Quyết định 581 về thi công dự án cũng đã nêu rõ, quá trình thi công xây dựng, VEC phải kiểm tra, nghiệm thu chất lượng tại hiện trường trước khi sử dụng công trình. Phải kiểm tra ngay khi đang thi công, đến khi hoàn thành. Khi chưa được kiểm tra ,chấp nhận nghiệm thu của đơn vị giám sát thi công xây dựng, của chủ đầu tư, nhà thầu không được thi công công trình tiếp theo…
Như vậy các quy định pháp luật đều quy định nghiệm thu phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án.
Viện Kiểm sát khẳng định, số tiền quy kết cho các bị cáo chỉ là giá trị các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng xảy ra trong quá trình các bị cáo thực hiện thi công, quản lý thực hiện dự án này.