Cựu Phó chủ tịch TP.HCM “làm tắt”, đất vàng rơi vào tay tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quá trình điều tra, ông Nguyễn Hữu Tín thừa nhận sai phạm nhưng xác định không có tư lợi.
Ông Nguyễn Hữu Tín, ảnh Zing.vn

Ông Nguyễn Hữu Tín, ảnh Zing.vn

Theo lịch, ngày 7/1/2021, TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra xét xử vụ án ông Vũ Huy Hoàng do liên quan đến đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng (TPHCM).

Trong vụ án này, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín và 7 đồng phạm cấp dưới bị truy tố về tội Vi phạm quản lý đất đai.

Theo cáo trạng, Sabeco được giao quản lý khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng. Năm 2007, Sabeco liên doanh thành lập Sabeco Land để nhằm triển khai dự án xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê. Số tiền phải nộp để chuyển mục đích sử dụng đất là 1.236 tỷ đồng.

Sabeco không thu xếp được nguồn tiền trên nên đã báo cáo Bộ Công thương đề nghị xin gia hạn thời gian. Năm 2011, Chính phủ có nghị quyết yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước không đầu tư ngoài ngành. Tuy nhiên, ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công thương) vẫn chỉ đạo cấp dưới triển khai dự án trên.

Sabeco đã tìm kiếm nhà đầu tư mới. Năm 2014, Sabeco đã liên doanh với Công ty Attland, Công ty Hà An và Công ty Mê Linh, thành lập Sabeco Pearl để triển khai dự án. Sabeco góp 26% vốn điều lệ, chuyển giao quyền sử dụng khu đất trên cho liên doanh. Bộ Công thương đã chấp thuận chủ trương trên.

Ngày 10/4/2015, ông Nguyễn Hữu Tín (Phó chủ tịch UBND TP.HCM) đã phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất trên là 997 tỷ đồng. Cùng ngày, ông Tín chỉ đạo các Sở nghiên cứu, đề xuất UBND TP xem xét, quyết định đối với đề nghị của Sabeco.

Cáo trạng thể hiện, mặc dù chưa lấy ý kiến liên ngành nhưng bị cáo Lê Quang Minh (Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) đã tham mưu, đề xuất bị cáo Lâm Nguyên Khôi (Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) ký công văn chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án.

Sabeco Pearl đã nộp tiền sử dụng đất là 999 tỷ đồng. Ngày 25/6/2015, Công ty được thuê đất theo hình thức trả tiền một lần, thời hạn 50 năm. Sau đó, Công ty được UBND TP.HCM chấp thuận bổ sung chức năng officetel và căn hộ ở cho dự án.

Sau các động thái trên, đến năm 2016, Sabeco thoái vốn tại Sabeco Pearl với giá 196 tỷ đồng. Nhà nước mất quyền quản lý khu đất vàng. Kết luận giám định thể hiện, khu đất có giá trị 3.816 tỷ đồng. Nhà nước bị thiệt hại 2.713 tỷ đồng.

Theo cơ quan tố tụng, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Hữu Tín và các cấp dưới đã có hành vi vi phạm về quản lý đất đai. Việc giao cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án và thuê đất là không đúng đối tượng, không thông qua đấu giá là trái quy định pháp luật.

Viện KSND cho rằng, ông Tín biết khu đất trên đã được sắp xếp cho Sabeco quản lý, không được liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án theo Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nếu thực hiện đúng quy định, Sabeco phải nộp tiền sử dụng đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi đó Sabeco mới được dùng quyền sử dụng đất để góp vốn. Trường hợp Sabeco không có khả năng thực hiện dự án thì UBND TP phải thu hồi khu đất trên, định giá và tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo định giá, tại thời điểm năm 2015 giá trị quyền sử dụng đất là 1.075 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, ông Nguyễn Hữu Tín thừa nhận sai phạm nhưng xác định không có tư lợi.

Hiện nay, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có công văn đề nghị UBND TP.HCM tạm ngưng mọi giao dịch, chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp đối với khu đất vàng hơn 6.000 m2.

Đồng thời tạm ngừng việc thay đổi đăng ký kinh doanh, chuyển nhượng cổ phần, thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Sabeco Pearl), đơn vị đang quản lý khu đất trên.

Tin bài liên quan