Cựu giám đốc “làm liều”, khách hàng giành nhau lô đất tại 81 Thiên Lôi, Lê Chân, Hải Phòng

(ĐTCK) Mới đây TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xem xét phúc thẩm vụ án Nguyễn Thành Lân (SN 1976, ở Hải Phòng), cựu Giám đốc CTCP Thoát nước và Vệ sinh về hành vi bán một lô đất cho nhiều người.

Theo cáo trạng, vào năm 2008, CTCP Thoát nước và Vệ sinh được UBND TP Hải Phòng cấp Giấy chứng nhận đầu tư xây dựng khu nhà ở thương mại tại địa chỉ 81 Thiên Lôi, quận Lê Chân, Hải Phòng. 

Theo quy định, CTCP Thoát nước và Vệ sinh không được phép bán nền đất chưa xây dựng và phải xây phần móng và xây thô 85 căn hộ nhà ở theo mẫu thiết kế đã được phê duyệt. Tuy nhiên, Công ty ký hợp đồng góp vốn với khách hàng. Khách hàng mua nhà sẽ nộp tiền từ 75%-95% giá trị lô đất. Sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng, Công ty chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Năm 2009-2010, CTCP Thoát nước và Vệ sinh đã ký hợp đồng nhận tiền góp vốn 2 lô đất số 17 với ông Nguyễn Bá Cường (anh trai Lân) và thửa số 09 với ông Đỗ Quang Thụy.  

Mặc dù CTCP Thoát nước và Vệ sinh đã chuyển nhượng 2 thửa đất trên nhưng quá trình làm giám đốc (từ tháng 7/2011 đến cuối năm 2014), Lân tiếp tục ký các hợp đồng bán nhà, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng 2 lô đất nêu trên cho nhiều người để chiếm đoạt số tiền 3,2 tỷ đồng.

Một trong những nạn nhân là bà Nguyễn Thị Ngọc H. (SN 1973) góp vốn mua thửa đất số 09. Năm 2013, Lân thỏa thuận mua lại lô đất trên từ ông Đỗ Quang Thụy với giá 1,9 tỷ đồng. Lân đã đặt cọc 50 triệu. Cùng thời gian này, bà H. đến văn phòng hỏi mua đất. Lân giới thiệu còn lô số 09 chưa bán. Bà H. tin tưởng và giao 1,7 tỷ đồng góp vốn. Thực tế, sau khi nhận tiền Lân không nộp công ty mà dùng để trả cho ông Thụy số tiền 450 triệu đồng, còn lại chi tiêu hết.

Với hành vi trên, tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án 16 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 12 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, buộc công ty phải bồi thường cho bà H. 1,7 tỷ đồng.

Sau phiên tòa trên, bị cáo Lân kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bà H. cũng kháng cáo yêu cầu nhận lại thửa đất trên. Bà H. cho rằng, bà giao dịch với công ty nên hợp đồng là ngay tình, đúng pháp luật. Còn hợp đồng với ông Thụy là trái phép vì công ty chưa được phép bán đất và ông Thụy đã thỏa thuận trả lại đất, nhận số tiền 450 triệu đồng.

Xem xét lại hợp đồng góp vốn, tòa phúc thẩm nhận thấy, sau khi ký hợp đồng năm 2010, ông Thụy đã nộp 1,7 tỷ đồng. Bị cáo Lân chỉ nộp vào quỹ công ty số tiền 630 triệu đồng. Vì tin tưởng nên ông Thụy chưa ký hợp đồng mà đã nhận bàn giao và quản lý thửa đất này. Công ty xác nhận ông Thụy là người góp vốn đầu tiên.

Chủ tịch HĐQT công ty thời điểm năm 2009 cũng khẳng định, Công ty hoàn thành việc thu tiền góp vốn từ năm 2010 với tổng cộng 85 hộ gia đình. Số tiền này được nộp ngân sách và làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Những khách hàng ký sau năm 2010 đều không được nộp vào quỹ Công ty.

Tòa án xác định bà H. ký hợp đồng với bị cáo Lân với tư cách cá nhân nên hợp đồng vô hiệu. Khi nhận tiền, bị cáo tự ý chiếm đoạt nên tòa án không giao đất cho bà H. là có cơ sở. Vì vậy, tòa không chấp nhận kháng cáo của bà H, chỉ chấp nhận giảm án 2 năm tù cho bị cáo Lân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đại diện CTCP Thoát nước và Vệ sinh cho biết, vì lô đất số 09 đang có tranh chấp và vẫn thuộc quyền sử dụng của Công ty. Công ty sẽ tổ chức bán đấu giá, lấy tiền về thanh toán cho những bị hại. Công ty có một phần lỗi nên sẽ có trách nhiệm cùng bị cáo giải quyết vấn đề dân sự.

Tin bài liên quan