Ross LaJeunesse khẳng định, ông đã bị sa thải khỏi công ty vì ủng hộ quyền con người, đồng thời cáo buộc Google trong một bài blog công khai rằng, công ty này ngày càng đặt lợi nhuận lên trên mọi người.
"Trên thực tế, tôi không nghĩ chúng ta có thể tin tưởng Google", ông nói. "Có một điều đã được chứng minh từ lần này qua lần khác, trong cách họ xử lý dữ liệu cá nhân đến những vụ việc mà họ được yêu cầu phải giải quyết các nội dung bạo lực trực tuyến, là chúng ta không thể tin lời Google nữa".
Vị cựu lãnh đạo Google còn miêu tả những vụ gây hấn tại trụ sở, bao gồm nhiều hành vi khác nhau (mà ông gọi là "đa dạng hóa") nhằm phân chia các nhân viên theo chủng tộc và giới tính, và khuyến khích họ bêu xấu lẫn nhau.
Các nhân viên lâu năm hơn trong công ty "bắt nạt và la hét vào mặt những nữ nhân viên trẻ, khiến họ khóc ngay tại bàn làm việc của mình", LaJeunesse viết trên blog cá nhân.
LaJeunesse cho biết, những nỗ lực của ông nhằm giải quyết những vấn đề trong bộ phận quản trị nhân sự đã bị ngó lơ cho đến tháng 2/2019, khi dù được đánh giá cao, nhưng ông không còn chỗ đứng trong công ty vì lý do "tái tổ chức".
"Tôi đã phải hy sinh cả sự nghiệp của mình để đấu tranh cho bình đẳng nữ quyền, cộng đồng LGBTQ (các loại giới tính), vì các đồng nghiệp với mọi màu da, và vì quyền con người", ông nói.
"Khi tôi bắt đầu làm việc tại Google, chúng tôi thực sự tin vào sức mạnh của công nghệ có thể biến thế giới thành nơi tốt đẹp hơn. Thế nhưng giờ đây, điều đó đã không còn như thế nữa", LaJeunesse nói.
Google không đưa ra bất kỳ bình luận nào về những cáo buộc trên của Ross LaJeunesse.
Được biết, LaJeunesse là thành viên cao cấp gần đây nhất phải ra đi khỏi Google sau nhiều năm xung đột nội bộ trong công ty. Vào tháng 10/2018, hàng chục ngàn nhân viên Google tại nhiều văn phòng trên toàn thế giới đã bỏ văn phòng để tuần hành biểu tình phản đối các chính sách xoay quanh vấn đề quấy rối tình dục của công ty. Vào tháng 12/2019, 4 cựu nhân viên Google đã đâm đơn kiện công ty, cáo buộc công ty sa thải họ vì tổ chức các hoạt động kêu gọi quyền người lao động.