Cứu DN: Khoanh nợ, giãn nợ để tiếp tục cho vay mới?

Cứu DN: Khoanh nợ, giãn nợ để tiếp tục cho vay mới?

(ĐTCK) Các giải pháp cứu DN hiện nay chủ yếu là miễn, giảm, gia hạn thuế. Thực tế cho thấy, những giải pháp này triển khai thời gian vừa qua đạt hiệu quả không cao.

Sáng 14/5, Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTV) đã thảo luận và cho ý kiến đối với Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.

Cứu DN: Khoanh nợ, giãn nợ để tiếp tục cho vay mới? ảnh 1Quý I/2013, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt 4,93%, thấp nhất so với quý I các năm giai đoạn 2010 – 2013.

Kết quả ban đầu tích cực nhưng chưa đủ

Theo báo cáo được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bầy, tăng trưởng GDP quý I/2013 ước đạt 4,89%. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, mặc dù mức tăng GDP không cao như kỳ vọng nhưng là mức hợp lý trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn.

Đối với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát đã được kiềm chế khi CPI tháng 3/2013 giảm 0,19% so với tháng trước, tháng 4 chỉ tăng 0,02% - mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm qua. Tính bình quân, chỉ số giá 4 tháng đầu năm 2013 tăng 6,83% so với cùng kỳ năm 2012. Lãi suất huy động và cho vay tương đối ổn định và đang có xu hướng giảm.

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/4/2013 của ngành công nghiệp chế biến tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức 16,5% tại thời điểm 1/3/2013. Những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ là ngành sản xuất đồ uống (tăng 41,5%); xe có động cơ (tăng 35,2%); sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (tăng 35%); hóa chất và sản phẩm hóa chất (tăng 26,6%)...

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, các nỗ lực chính sách và những kết quả tích cực ban đầu vẫn chưa bảo đảm xu thế tăng trưởng tốt hơn; tăng trưởng kinh tế còn rất khó khăn với những dấu hiệu chỉ báo tình trạng suy giảm thể hiện rõ nét hơn. GDP quý I/2013 tăng 4,89% cao hơn mức tăng 4,75% của quý I/2012, nhưng mức tăng này vẫn thấp hơn rất nhiều so với quý I/2011 (tăng 5,53%) và quý I/2010 (tăng 5,84%); tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp quý I/2013 chỉ đạt 4,93%, là mức thấp nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2010 - 2013 .

Nhận định về bối cảnh năm 2013, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng, nền kinh tế đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Thậm chí, có nhiều ý kiến cho rằng, có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước.

Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng: “Có thể nói, nền kinh tế đang hết sức khó khăn, khó khăn hơn rất nhiều so với nhận định của Chính phủ và Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Đáng lưu ý là xu hướng khó khăn đang ngày càng nghiêm trọng hơn, cả về lĩnh vực kinh tế lẫn xã hội”.

Bên cạnh đó, đa số ý kiến các thành viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, tăng trưởng dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm chỉ đạt 0,03% và đạt 1,4% trong 4 tháng đầu năm; chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2013 chỉ tăng 4,9%, phản ánh khả năng hấp thụ vốn và năng lực sản xuất của nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tồn kho tiếp tục là điểm nghẽn với tỷ lệ tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đang ở mức cao, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ an toàn giữa các khâu sản xuất - tiêu thụ và tồn kho của sản xuất công nghiệp.

“Dư nợ tín dụng chỉ tăng 1,44% trong khi huy động vốn tăng trên 5%, lãi suất huy động và cho vay đã liên tục giảm xuống. Điều này cho thấy, tiền đang nằm ở hệ thống ngân hàng, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu. Tình trạng này có thể nói là vô cùng nguy hiểm vì hoạt động của DN chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng”, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận xét.

 

Khoanh nợ, giãn nợ để cho vay mới?

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ nay đến cuối năm, ưu tiên lớn nhất vẫn là triển khai thực hiện tốt các giải pháp, chính sách đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ nhằm phục hồi nền kinh tế, tạo việc làm đồng thời với việc ổn định kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để tăng tổng cầu, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay. Đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA.

Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Trình Quốc hội xem xét giảm thuế thu nhập DN về mức 20 - 22%; giảm thuế có thời hạn đối với thuế GTGT để hỗ trợ tăng cầu về hàng hóa; có các giải pháp để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; hỗ trợ khuyến khích xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, các giải pháp cứu DN hiện nay chủ yếu là miễn, giảm, gia hạn thuế. Thực tế cho thấy, những giải pháp này triển khai thời gian vừa qua đạt hiệu quả không cao. Căn nguyên của khó khăn là do hàng tồn kho cao, tín dụng bị ứ đọng. Nếu không giải quyết ngay được vấn đề này thì DN tiếp tục phá sản, ngừng hoạt động.

Đánh giá về vấn đề này, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, cần có quyết sách kịp thời, táo bạo để xử lý ngay những khó khăn của nền kinh tế. Bởi, ngân hàng dù rất muốn cho vay nhưng không thể cho vay được, vì DN còn đang nợ quá hạn với ngân hàng. Vậy chúng ta liệu có mạnh dạn đưa ra cơ chế cho phép ngân hàng kéo dài thời gian khoanh nợ, giãn nợ cũ và tiếp tục cho vay nợ mới không? Đó mới là điểm mấu chốt để DN và nền kinh tế “sống được”.