Thực hiện theo quy trình, quy chế của thành phố
Trước tòa, bị cáo Văn Hữu Chiến (nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng) nói, sau khi nghe Viện kiểm sát nhân dân luận tội “rất bàng hoàng, không nghĩ đến mức án quá nặng như vậy”. Cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng mong muốn HĐXX xem xét đến bối cảnh của Thành phố. Bị cáo nhiều lần khẳng định “làm vì động cơ của thành phố, không vì lợi ích cá nhân”.
Bị cáo Văn Hữu Chiến cho rằng, Nghị quyết 23 của Chính phủ giao nhiệm vụ cho Đà Nẵng phải trở thành một thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa trước năm 2020. Thành phố rất loay hoay, Thường vụ, UBND luôn đau đáu tìm mọi cách để thành phố phát triển.
"Theo bị cáo, áp lực công việc rất lớn. Vì sao từ một thành phố quay lưng ra biển, sau 10 năm, Đà Nẵng vươn ra biển lớn, với đô thị khang trang, tiền ở đâu ra?", bị cáo Chiến nói và cho biết, các bị cáo đã làm việc rất say sưa, hết mình.
Vị cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng cho rằng, bị cáo làm theo quy chế, quy định của UBND. Các sai phạm diễn ra khi bị cáo là phó Chủ tịch. Việc bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất và giao dự án đều do Chủ tịch UBND Thành phố quyết định.
“Cơ quan điều tra thừa nhận tôi không hưởng bất kỳ lợi ích vật chất nào từ ông Vũ, không bàn bạc với ông Vũ. Tôi chỉ thực hiện theo quy trình, quy chế của thành phố”, bị cáo Chiến nói.
Bị cáo Chiến cho rằng, việc Viện kiểm sát truy tố tội danh là không khách quan, không đúng bản chất.
“Thậm chí, tôi chưa ký văn bản thì các cơ quan cấp dưới đã thực hiện rồi. 3 - 4 tháng sau cơ quan chức năng mới dự thảo văn bản trình tôi ký. Việc ký chỉ mang tính hình thức thôi”, bị cáo nói.
Trước tòa, bị cáo Chiến khẳng định, không chỉ đạo ai hay cơ quan nào.
“Viện kiểm sát nói tôi đồng phạm với Trần Văn Minh cũng không đúng, vì hồ sơ, đơn thư của tổ chức, cá nhân đều không đến tay tôi. Tôi không ký tắt, không bút phê. Tôi và anh Minh không bàn bạc, thảo luận. Anh Minh không chỉ đạo tôi làm việc này, việc kia. Anh Minh quyết định rồi tôi không thay thế được”, bị cáo Chiến nói.
Bị cáo cũng nhắc đến dự án 29 ha Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước. Từ năm 2006, 2008, 2011, chủ trương này đã nhất quán theo thỏa thuận nguyên tắc là giao cho Công ty cổ phần Xây dựng 79 liên doanh với công ty nước ngoài. Khi đó, bị cáo ký để hoàn thành dự án.
Điều 2, Quyết định 5870 cũng ghi rõ: “Giao cho Công ty cổ phần Xây dựng 79 thực hiện phối hợp với cơ quan chức năng kiểm định, đền bù, giải tỏa để triển khai dự án”. Bị cáo cho rằng, ngay từ quyết định này thấy khu 29 ha không phải là đất sạch, là đất mặt nước. Công ty Daewon xây kè phải có đất giữ kè.
Xin trả lại bằng tiền sĩ nếu nói sai
Cầm giấy tự bào chữa, bị cáo Trần Văn Minh (nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng) thấy bản luận tội có những điểm cần phải giải trình thêm.
Bị cáo nói: "Qua mấy ngày xét hỏi, tranh luận, xem lại Luật Đất đai, Luật Đầu tư, không có nói khái niệm đất sạch. Cơ quan điều tra quy kết chúng tôi không đấu giá đất, áp giá không đúng thời điểm. Hệ quả là chúng tôi phải nằm trong bản luận tội của Viện kiểm sát nhân dân".
Nhắc đến dự án 29 ha Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước, bị cáo Minh cho rằng, khi giao cho Công ty cổ phần Xây dựng 79, đất đó vẫn là đất mặt nước. Bị cáo trích xuất bản đồ vệ tinh để làm chứng cứ gửi đến tòa.
“Ngoài phải chịu mức án 20 năm, tôi xin chịu trả lại bằng tiền sĩ nếu nói sai. Nếu đúng thì sao, mong HĐXX trình ra bản đồ khổ A0 kỹ thuật để thấy năm 2011 đó là đất mặt nước”, bị cáo nói.
Bị cáo Minh cho rằng, đã trao đổi với bộ phận giám định Phòng Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2015, Công ty Daewon (là đơn vị được giao liên doanh với Công ty cổ phần Xây dựng 79) mới gửi văn bản xác định điểm dừng kỹ thuật để tính toán chi phí.
“29 ha đất từ một chỗ úng nước, bị ô nhiễm vùng biển thì không cần có quyết định hay luật này, luật kia, chỉ cần nhìn nhận để có cơ ngơi như thế, thành phố không làm gì, nhưng vẫn có tiền thu vào thì tại sao chúng tôi không đổi, tại sao phải mang tội, vô lý quá”, bị cáo nói.
Bị cáo nhấn mạnh: “Thời kỳ 4.0 lẽ ra phải chiếu hình ảnh bản đồ vệ tinh. Ngôn ngữ của nhà kỹ thuật là hình ảnh minh họa rõ ràng nhất”.
Cựu chủ tịch Đà Nẵng cũng cho rằng, cách tính giá của năm 2018 trừ đi số tiền năm 2011 để tính là tiền thất thoát là không đúng.
“Nếu vụ việc này chưa được xét xử, 10 năm nữa, số tiền thất thoát phải lên 230.000 tỷ đồng. Tiền đâu ra?”, bị cáo đặt câu hỏi. Bị cáo cho rằng, tiền bị cáo Vũ là “tiền tươi” để thành phố trả nợ ngân hàng, dự án “hiệu quả lắm chứ”.
Cuối cùng bị cáo nói, Viện kiểm sát nói bị cáo thoái hóa, biến chất nhưng bị cáo từng được nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng 3.