Đó là thông tin được Diễn đàn Kinh tế tư nhân vừa công bố chính thức.
Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký VPSF cho biết, năm 2017, từ kết quả các phiên làm việc của doanh nghiệp, căn cứ các ngành kinh tế mũi nhọn mà Chính phủ xác định và đặt mục tiêu thúc đẩy, Phiên toàn thể Diễn đàn VPSF lựa chọn chủ đề "Từ Nghị quyết Trung ương 5 đến Chương trình hành động của Khu vực tư nhân Việt Nam".
Diễn đàn sẽ tập trung bàn thảo và đối thoại giữa Chính phủ - và Khu vực tư nhân với 3 ngành mũi nhọn quốc gia, đó là: Nông nghiệp - Du lịch - Kinh tế số (công nghệ thông tin).
Ngoài ra, chủ đề Thuận lợi hóa Thương mại cũng sẽ được đưa ra thảo luận, đây được xem là lĩnh vực nền tảng, có tác động mạnh mẽ đến sự vận động, tăng trưởng và phát triển của các ngành, các lĩnh vực kinh tế.
Diễn đàn dự kiến sẽ có sự tham dự của 1.000 đại biểu gồm Lãnh đạo Chỉnh phủ, các bộ/ban ngành trung ương và địa phương; đại diện lãnh dạo các tỉnh/Thành phố; các tổ chức quốc tế, Hiệp hội Doanh nghiệp, ngành nghề; các chuyên gia kinh tế, phát triển và đông đảo CEOs các Doanh nghiệp Việt Nam và Doanh nghiệp FDIs.
Cũng trong khuôn khổ của Diễn đàn VPSF 2017, lần đầu tiên VPSF - Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam triển khai và công bố Khảo sát Bộ chỉ số Niềm tin Doanh nhân – CEO.CI, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Kết quả chỉ số CEO.CI sẽ là một trong các căn cứ quan trọng của đối thoại công - tư tại VPSF 2017 cũng như là căn cứ cho các tuyên bố, kiến nghị, quan điểm của khu vực tư nhân Việt Nam tại Sách Trắng VPSF 2017 ra mắt cuối tháng 8 này.
Đánh giá về tầm quan trọng của VPSF năm nay, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải, đại diện Ban Cố vấn VPSF 2017 cho rằng Diễn đàn VPSF 2017 đặt trong bối cảnh vai trò kinh tế tư nhân được Nghị quyết Trung ương 5 xác định trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước.
“Từ Nghị quyết này cho thấy, chúng ta đã có những nhìn nhận, đánh giá, xác định rõ ràng về vị thế, sứ mệnh, triết lý của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế, nhưng khu vực tư nhân cần thảo luận, đối thoại để xây dựng chương trình hành động, đi từ chiến lược hành động tập trung vào cấu trúc nền kinh tế tới các định hướng về tái cấu trúc, phát triển kinh tế ngành; liên doanh, liên kết để phát triển kinh tế tư nhân, hay vấn đề khởi nghiệp sáng tạo nhằm hỗ trợ Chính phủ thực hiện mục tiêu kiến tạo phát triển kinh tế…”, ông Dương nhấn mạnh.
Ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban cố vấn Diễn đàn VPSF, Chủ tịch Tập đoàn FPT cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm, giới doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay vẫn kêu than với những khó khăn và thách thức từ môi trường kinh doanh, với trọng trách của mình, VPSF tiếp tục từng bước thực hiện các kế hoạch đã đặt ra và đẩy mạnh việc tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp tư nhân.
Nghị quyết Trung ương 5, khóa 12 của Đảng ban hành mới đây đã xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước. Việc này đã khẳng định tầm quan trọng của thành phần kinh tế từ nhân và mở ra cách nhìn mới, cụ thể về kinh tế tư nhân với mục đích phát huy nội lực của doanh nghiệp trong nước.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) là sáng kiến của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Sáng kiến phát triển khu vực tư nhân tiểu vùng Mekong MBI (do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và chính phủ Úc thiết lập).
VPSF với sứ mệnh và tầm nhìn là cầu nối giữa Chính phủ và các cơ quan công quyền với khu vực tư nhân để tham vấn, đối thoại chính sách công - tư liên tục và chặt chẽ, trên cơ sở tập hợp và phản ánh những tiếng nói từ cấp cơ sở, vì mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước.
Với những thay đổi lớn và góp phần vào việc cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 5, VPSF được kỳ vọng là nơi hội tụ tinh hoa của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, là nơi thể hiện và phát huy tinh thần đồng hành kiến tạo phát triển kinh tế của Chính phủ, thông qua việc lắng nghe, tiếp nhận ý kiến từ thực tiễn, đối thoại công khai, minh bạch để cải thiện thể chế, tạo thuận lợi về môi trường đầu tư kinh doanh và chính sách phát triển liên quan trực tiếp đến khu vực kinh tế tư nhân.
Đồng hành kiến tạo phát triển kinh tế của Chính phủ, thông qua việc lắng nghe, tiếp nhận ý kiến từ thực tiễn, đối thoại công khai, minh bạch để cải thiện thể chế, tạo thuận lợi về môi trường đầu tư kinh doanh và chính sách phát triển liên quan trực tiếp đến khu vực kinh tế tư nhân.