Doanh số môi giới giảm, nhiều công ty chứng khoán gặp khó

Doanh số môi giới giảm, nhiều công ty chứng khoán gặp khó

Cuối năm, sếp chứng khoán vẫn ra đi hàng loạt

Chưa đầy hai tháng, lãnh đạo cấp cao gần 20 công ty chứng khoán lần lượt rời khỏi chiếc "ghế nóng", có nơi đổi hẳn chủ tịch do sự khắc nghiệt của thị trường vượt xa mọi dự đoán trước đó.

 

Phó tổng giám đốc, giám đốc chi nhánh là 2 vị trí biến động nhiều nhất. Thông tin trên website 2 Sở giao dịch chứng khoán, đầu tháng 10 tới nay, 8 phó tổng giám đốc ra đi, 6 công ty đổi người đứng đầu chi nhánh các thành phố lớn. Thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, thậm chí cả chủ tịch cũng bị đổi để thích ứng với tình hình kinh doanh mới.

 

Làn sóng thay sếp chứng khoán không phải mới đây, thậm chí có tháng ghi nhận gần 20 công ty bãi miễn, bổ nhiệm, đổi nhân sự cấp cao. Tuy nhiên, gần cuối năm - thời điểm cần ổn định các vị trí chủ chốt để tăng tốc hoàn thành các chỉ tiêu đề ra như đã hứa với cổ đông, nhiều công ty không ngần ngại đổi "tướng".

 

Có công ty trong vòng 6 tháng qua xáo trộn cả 4 vị trí: Giám đốc chi nhánh, phó tổng, tổng giám đốc, thành viên hội đồng quản trị. Có vị trí được bổ nhiệm ngay nhân sự mới, song có "ghế" đến nay vẫn còn trống và giao cho người khác kiêm nhiệm.

 

Lãnh đạo một công ty chứng khoán tại TP. HCM cho biết, hầu hết các vị này nộp đơn từ chức, chứ không phải do công ty tạo áp lực hay chịu sức ép phải đạt doanh số này, kết quả nọ. Thu nhập sa sút, khó kiếm khách hàng, cơ hội trong nghề ít đi nên nhiều người đã rời "cuộc chơi". Điều này không chỉ ở các vị trí cấp cao, mà cả các bộ phận khác như môi giới, tư vấn, phân tích cũng bỏ việc hàng loạt.

 

Mới được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Quốc tế, ông Tạ Quốc Dũng cho biết, áp lực với CEO hiện không phải là doanh thu như những năm trước mà là tái cấu trúc, vạch ra hướng đi phù hợp nhất để doanh nghiệp vẫn còn sống sót sau khi cơn bão khủng hoảng kết thúc.

 

"Việc cắt giảm chi phí, tinh gọn bộ máy nhân sự thực hiện triệt để hơn trong thời gian qua, nhằm giảm xuống mức thấp nhất chi phí phát sinh hàng tháng. Song, việc tuyển thêm và thậm chí tăng lương ở những vị trí chủ chốt vẫn được chú trọng", ông Dũng cho biết.

 

Đảm nhiệm vị trí phó tổng giám đốc được 2 năm, một lãnh đạo công ty chứng khoán sống ở quận 7, TP. HCM mới đây quyết định từ chức tại nơi anh gắn bó gần 5 năm. Tuy phụ trách mảng phân tích, tư vấn, không bị áp lực doanh số nhưng bộ phận của anh vẫn ít nhiều bị ảnh hưởng. Nguồn thu ít ỏi không trang trải nổi chi phí nên ngân sách phân bổ cho từng bộ phận giảm sút. Khối lượng công việc trong ngày giảm đáng kể và sự suy thoái của thị trường không biết bao giờ kết thúc, là lý do anh chuyển hẳn sang ngành nghề khác.

 

Một lãnh đạo công ty chứng khoán tại TP. HCM chia sẻ thêm, hiện tại, việc hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm nay là chắc chắn không thể. "Bản thân tôi cũng chịu áp lực lớn, nhất là lời hứa với cổ đông hồi đầu năm. Tuy nhiên, tình hình hiện tại để mức lỗ không quá sâu đã là may mắn và nếu năm nay hòa vốn là một thành công lớn với công ty chứng khoán, chứ không dám mong có lời. Bởi thị trường xấu hơn cả dự đoán đưa ra từ đầu năm", ông nói.

 

Vị này cho biết, kịch bản xấu nhất đưa ra là giao dịch một phiên tầm 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, diễn biến thị trường mấy tháng nay còn tệ hơn cả ước đoán ban đầu, cho nên hầu hết các công ty gần như cầm chắc lỗ. Trong bối cảnh đó, nhân sự lĩnh vực chứng khoán biến động là điều không có gì lạ. Theo ông, các công ty sẽ còn khó khăn hơn hiện tại, nếu thị trường kéo dài trạng thái giao dịch ảm đạm. Khi đó, kinh doanh thua lỗ, thậm chí lạm vào vốn chủ sở hữu là điều không thể tránh.

 

Ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia đầu tư tài chính chia sẻ, việc xốc lại bộ máy nhân sự, nhất là các vị trí cấp cao ở nhiều công ty chứng khoán thời gian qua không chỉ đơn thuần do hoạt động kinh doanh kém lạc quan. Bởi kinh doanh năm nay sụt giảm là điều khó tránh, nhưng không cần phải đổi cả CEO. Thực chất những vị này hiểu hơn ai hết tình hình công ty, nắm rõ đường đi nước bước và có thể đưa giải pháp căn cơ nhất.

 

"Đằng sau việc cơ cấu này có thể là một cuộc chuyển giao quyền lực, sự đổi chủ đang ngấm ngầm diễn ra", ông đoán.