Cuộc thay tướng ấn tượng

Cuộc thay tướng ấn tượng

(ĐTCK) Sở GDCK TP. HCM (HOSE) cho biết, kể từ ngày 1/3/2016, ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Sở GDCK Hà Nội (HNX), sẽ chính thức nhận nhiệm vụ mới: Tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM, thay cho bà Phan Thị Tường Tâm, đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ. 

Với 13 năm gắn bó tạo dựng HNX, về cá nhân, có thể không dễ dàng để thay đổi, nhưng với quan niệm "mình chỉ là một người thợ, một người lính", ông Trần Văn Dũng nhận nhiệm vụ mới với tâm thế sẵn sàng.

Ở đầu cầu HOSE, chia sẻ với Người quan sát, Chủ tịch HOSE Trần Đắc Sinh nhận định, việc Tổng giám đốc HNX nhận quyết định vào làm Tổng giám đốc HOSE là diễn biến tốt, có thể vì mục tiêu chuẩn bị cho sự hợp nhất Sở.

Cuộc thay tướng giữa 2 Sở đang tạo nên sự bất ngờ thú vị cho nhiều người, nhưng xét trên tổng thể thị trường, khi thế hệ những người đầu tiên tạo dựng TTCK Việt Nam đã và sắp đến tuổi nghỉ hưu, việc sắp xếp lại nhân sự lãnh đạo cấp cao sẽ giúp TTCK tiếp tục tiến bước.

Điểm được bàn luận nhiều là ở chỗ, việc sắp xếp này có phải là bước đi tiếp theo trên hành trình tái cấu trúc 2 Sở và việc tái cấu trúc sẽ diễn tiến như thế nào?

Tái cấu trúc Sở GDCK là 1 trong 4 nội dung quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo để hình thành nên Sở GDCK Việt Nam, nhằm tăng hiệu quả, tăng sức cạnh tranh so với các TTCK khu vực. Câu chuyện này từng được dư luận biết đến vào giữa năm 2015 khi tiếp nhận thông tin Bộ Tài chính trình lên Chính phủ Đề án thành lập Sở GDCK Việt Nam.

Vào thời điểm đó, thị trường có 2 luồng quan điểm về việc địa điểm đặt trụ sở Sở GDCK Việt Nam, được bàn thảo trong giới chuyên gia và một số hội thảo. Trong khi nhóm cho rằng, trụ sở nên đặt tại Hà Nội đưa ra lý do đây là nơi tập trung các cơ quan đầu não, là nơi ban hành các chính sách và quản lý, thì nhóm cho rằng, trụ sở nên đặt tại TP. HCM lý luận, TP. HCM là nơi mở cửa TTCK Việt Nam và là trung tâm kinh tế sôi động nhất cả nước…

Nhóm này cũng dẫn chiếu trên thế giới, nhiều nước chọn trung tâm tài chính quốc gia để đặt trụ sở của Sở GDCK như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada,  Đức…

Cuộc tranh luận sau một thời gian khởi phát, đã nguội dần theo thời gian, có lẽ vì bản đề án thành lập Sở GDCK Việt Nam được đưa ra trong thời điểm Chính phủ có nhiều việc quan trọng cần giải quyết.

Hơn nữa, TTCK Việt Nam còn non trẻ, số lượng DN biết đến TTCK còn nhỏ (hiện nước ta có 1.700 DN đại chúng đã đăng ký, chiếm 0,3% tổng số trên 500.000 DN đăng ký thành lập), trong khi chất lượng DN (về quy mô, hiệu quả hoạt động, khả năng quản trị, chất lượng minh bạch…) còn thấp, nên rất khó để mỗi bên có quan điểm nhất quán rằng, mô hình 1 Sở đơn nhất sẽ mang lại hiệu quả tổng thể cho nền kinh tế cao hơn …

Quyết định điều động nhân sự của Bộ trưởng Bộ Tài chính đang khiến câu chuyện tái cấu trúc Sở GDCK được nhiều người quan tâm trở lại. Thị trường mong chờ lãnh đạo Sở sẽ sớm đưa ra mục tiêu công việc, đặc biệt là việc xây thị trường mới và sản phẩm mới. Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương tái cấu trúc Sở GDCK nên sớm được cụ thể hóa bằng những diễn đàn, hội thảo khoa học để tận dụng trí tuệ của nhiều người, đánh giá và góp ý về bài toán tái cấu trúc Sở, để bài toán này trọn vẹn và rõ ràng hơn, cho đến ngày thực thi.

Tin bài liên quan