Nợ đọng bảo hiểm xã hội đã lên tới gần 11.300 tỷ đồng

Theo BHXH Việt Nam, hiện tình trạng trây ỳ, chậm đóng, nợ BHXH xảy ra ở tất cả các địa phương. Tính đến hết tháng 9/2015, số nợ số nợ BHXH là gần 11.300 tỷ đồng (chiếm 6,03% so với tổng số phải thu) và tăng 1.030 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014.

Chi trả các chế độ BHXH

Chi trả các chế độ BHXH

Theo thống kê, hiện số người tham gia BHXH và mức tiền lương, tiền công tham gia BHXH vẫn ở mức thấp so với thực tế. Trong khi đó đối tượng tham gia BHXH chỉ đạt 11,9 triệu người (chiếm 22,3% lực lượng lao động), bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 66,8 triệu người (khoảng 73,6% dân số).

Trong khi đó, nợ BHXH là hơn 8.001 tỷ đồng; nợ bảo hiểm thất nghiệp là 538,5 tỷ đồng; nợ BHYT là 2.738 tỷ đồng. Riêng đối với BHYT, ngân sách các địa phương chưa chuyển lên tới gần 1.262 tỷ đồng, chiếm 46% tổng số nợ BHYT.

Liên quan đến điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong thời gian tới, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT – Phạm Lương Sơn cho biết, Bộ Y tế đang phối hợp với BHXH VN và Bộ Tài chính, xây dựng dự thảo Thông tư liên bộ quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

Dự kiến sẽ có khoảng 1.800 dịch vụ y tế trong danh mục được BHYT thanh toán sẽ được điều chỉnh tăng giá trong tháng 11 hoặc tháng 12 tới gồm: 1.200 dịch vụ đang được BHYT chi trả và 600 dịch vụ BHYT được Thông tư bổ sung chủ yếu là các phẫu thuật, thủ thuật.

Hiện giá khám bệnh sẽ tùy theo hạng bệnh viện, bệnh viện hạng 3 sẽ tăng từ 7.000 đồng lên 30.000 đồng, một số bệnh viện tăng từ 20.000 đồng lên 40.000 đồng. Giường bệnh viện cũng tăng từ 90.000 đồng/giường/ngày (loại 1) lên trên 200.000 đồng/giường/ngày. Với việc tăng giá dịch vụ y tế lần này, chỉ có khoảng 27% dân số chưa có thẻ BHYT bị ảnh hưởng. Còn 70% dân số đã tham gia BHYT chi phí sẽ không bị ảnh hưởng mà quyền lợi được nâng lên.

Theo BHXH VN, năm 2014, Quỹ BHYT có kết dư khoảng 5.200 tỷ đồng. Quỹ dự phòng đủ để đảm bảo đáp ứng điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Ước tính Quỹ vẫn còn khả năng cân đối đến hết năm 2017. Do vậy, từ nay đến năm 2017, vấn đề điều chỉnh mức đóng phí BHYT chưa đặt ra. Từ năm 2018, mới cân nhắc điều chỉnh. Theo Luật trần thu phí bảo hiểm được cho phép mức đóng tối đa là 6% mức lương cơ sở, hiện nay đang thực hiện đóng 4,5% lương cơ sở.

Tin bài liên quan