Trì hoãn có thể do nỗi sợ thất bại hoặc thành công. Ảnh: Shutterstock.

Trì hoãn có thể do nỗi sợ thất bại hoặc thành công. Ảnh: Shutterstock.

Lý do bạn hay trì hoãn

Thói quen trì hoãn có thể xuất phát từ khả năng quản lý thời gian kém, thiếu tập trung hoặc nỗi sợ thất bại. 

Nic Voge, phó giám đốc Trung tâm Giảng dạy và Học tập McGraw thuộc Đại học Princeton (Mỹ) cho biết một số người sử dụng trì hoãn như cách tự bảo vệ. Cụ thể, họ có thể biện minh mình không hoàn thành tốt công việc do sự trì hoãn chứ không phải vì năng lực yếu kém.

Tương tự, nỗi sợ thành công cũng có thể dẫn đến trì hoãn. "Bạn sợ rằng thành công đem tới phiền phức, ví dụ bị đặt nhiều kỳ vọng hơn hoặc trở thành mục tiêu của sự đố kỵ, cạnh tranh", tiến sĩ tâm lý học Jane Burka, đồng tác giả cuốn Procrastination: Why You Do It, What to Do About It Now, lý giải.

Dù khó, bạn vẫn có thể kiểm soát sự trì hoãn. Dưới đây là ba câu hỏi giúp bạn tìm hiểu gốc rễ vấn đề và tìm ra cách vượt qua.

Bạn đang cố né tránh điều gì?

Có thể bạn đang né tránh phản hồi từ quản lý hoặc băn khoăn về dự án mới. Bằng cách trả lời câu hỏi này, bạn mới hiểu được điều đang níu kéo mình để đưa ra kế hoạch đối phó phù hợp. 

Bên cạnh đó, Burka gợi ý bạn hãy tự hỏi bản thân: "Tôi sẽ gặp khó khăn gì nếu cố gắng và hoàn thành công việc? Nếu như tôi tiếp tục trì hoãn, điều gì sẽ xảy ra?". Bạn có thể sẽ nhận ra những thách thức mình gặp phải không đáng sợ như vậy và trong hầu hết tình huống, hoàn thành công việc sẽ tốt hơn là trì hoãn. 

Tôi phí hoài thời gian như thế nào?

Tất cả chúng ta đều có một số thói quen nhất định khi trì hoãn công việc, ví dụ như xem phim, lướt web mua sắm hay dọn dẹp. Bạn cần nhận dạng những thói quen này để biết lúc nào bản thân đang cố trì hoãn. Mỗi lần như thế, hãy dành một phút tĩnh tâm và hít thở sâu, sau đó cố gắng quay lại công việc chính. 

Công việc này có ý nghĩa gì?

Theo tiến sĩ tâm lý Tim Pychyl từ Đại học Carleton (Canada), nhận ra ý nghĩa đằng sau công việc là một cách đẩy lùi sự trì hoãn bởi nó đem đến động lực. Sau khi hoàn thành một nhiệm vụ nào đó, bạn hãy suy ngẫm xem công việc của mình đặc biệt ở chỗ nào.

Ví dụ, báo cáo của bạn giúp công ty nhìn ra mục tiêu kinh doanh, email của bạn hỗ trợ khách hàng giải quyết vấn đề. Về lâu dài, những thành quả nho nhỏ như thế sẽ thúc đẩy tinh thần của bạn và đánh bại sự trì hoãn.

Tin bài liên quan