Kinh tế eo hẹp, người dân vẫn rộng tay mua smartphone

Bất chấp kinh tế khó khăn, song chi tiêu cho các sản phẩm công nghệ, điển hình là các dòng điện thoại thông minh (smartphone) tại thị trường Việt Nam vẫn gia tăng mạnh.
Kinh tế eo hẹp, người dân vẫn rộng tay mua smartphone

Theo số liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường GfK, năm 2013, tiêu thụ điện thoại tại thị trường Việt Nam đạt gần 17 triệu chiếc, trong đó smartphone chiếm 40% về số lượng và 80% về doanh số của thị trường điện thoại di động Việt Nam. Thị trường smartphone tại Việt Nam đang có sự tham gia của nhiều thương hiệu lớn, như Apple, Sony, Oppo, Lenovo, Nokia… Tuy nhiên, Samsung hiện vẫn duy trì vị trí dẫn đầu với thị phần lên tới 30,2% về giá trị.

Ông Shin Won Hwan, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, Việt Nam là một thị trường năng động với dân số trẻ, luôn sẵn lòng đón nhận những trào lưu công nghệ mới. Samsung kỳ vọng, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục là thị trường đầy tiềm năng cho những sản phẩm công nghệ.

Sở dĩ, Samsung có được vị thế trên thị trường smartphone, là do Công ty đầu tư  thích đáng cho nghiên cứu và phát triển, đổi mới và sáng tạo, từ những yêu cầu thực tế của người tiêu dùng…, tạo nền tảng để mang đến khách hàng lựa chọn sản phẩm phong phú, phù hợp với nhu cầu, sở thích và khả năng tài chính cá nhân của nhiều nhóm khách hàng khác nhau.

Năm 2013, Samsung đã chi 13,6 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển. Hiện Samsung có 34 trung tâm nghiên cứu và phát triển trên toàn thế giới, với khoảng 25% trong tổng số 286.000 nhân viên của Samsung làm việc tại các bộ phận nghiên cứu và phát triển.

Từ nền tảng này, chỉ trong thời gian ngắn, Samsung có nhiều sản phẩm di động thuộc nhiều phân khúc, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng với những sở thích và nhu cầu khác nhau và dòng sản phẩm điện thoại thông minh là sản phẩm chủ lực của Samsung, hướng đến đông đảo người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng các thiết bị di động.

Sự tăng trưởng nhanh của phân khúc điện thoại thông minh không chỉ đem lại cơ hội kinh doanh cho tất cả các nhà cung cấp, mà các nhà bán lẻ cũng nhận được không ít cơ hội.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Shop, đơn vị đang sở hữu hơn 100 điểm bán và dự kiến hết năm 2014 sẽ cán đích 150 điểm bán cho hay, FPT Shop được đầu tư hàng triệu USD bởi các hãng lớn như Samsung, Sony, Nokia, Apple… để xây dựng hệ thống khu trải nghiệm hiện đại nhất cho toàn bộ hệ thống cửa hàng, nhằm phục vụ khách hàng tốt nhất và được cam kết sẽ tiếp tục đầu tư mạnh hơn nữa trong tương lai.

Theo bà Hạnh, trong cuộc đua cạnh tranh giành thị phần smartphone tại Việt Nam, nhà cung cấp nào có  sản phẩm điện thoại thông minh thiết kế đẹp, cấu hình mạnh và giá hợp lý, dịch vụ nội dung phong phú hợp với nhu cầu số đông, sẽ dễ thành công.

Hiện các nhà bán lẻ và sản xuất đều cho rằng, các dòng smartphone có mức giá trung bình 1,8 - 5 triệu đồng/sản phẩm đang được người tiêu dùng quan tâm. Đây là dòng điện thoại có cấu hình trung bình và có chức năng cơ bản, như lướt web, mạng xã hội, quay phim, chụp hình…

Xu hướng hạ giá nhiều loại smartphone từ các nhà sản xuất, với các chính sách đặc biệt tới các nhà bán lẻ… cũng là động lực để người tiêu dùng gia tăng tốc độ sở hữu smartphone.

Đơn cử, với sản phẩm Blackberry Z10. Từ đầu năm 2014 đến nay, đã 2 lần chiếc điện thoại này được điều chỉnh giá. Sau đợt giảm giá sốc xuống còn 6,5 triệu đồng hồi đầu tháng 1, BlackBerry tiếp tục có một đợt xả hàng số lượng lớn tại thị trường Việt Nam. Theo đó, hàng được bán độc quyền tại 2 đại lý là Hoàng Hà Mobile (miền Bắc) và Hnam Mobile (miền Nam) với giá chỉ còn 4,5 triệu đồng/sản phẩm.

GfK nhận định, hiện vẫn còn tới 50% người dùng điện thoại chức năng ở Đông Nam Á vẫn chưa chuyển sang dùng smartphone, vì thế còn rất nhiều tiềm năng cho các nhà sản xuất và thị trường smartphone tại Việt Nam sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân.

Tin bài liên quan