Kinh doanh ở nơi xa vạn dặm

Sức lao động sáng tạo, bền bỉ của người lính Viettel tại đất nước Mozambique xa xôi là mảnh ghép đẹp trong khát vọng toàn cầu của Tập đoàn Viettel.

Movitel đã làm thay đổi cuộc sống của người dân Mozambique

Movitel đã làm thay đổi cuộc sống của người dân Mozambique

Người Viettel ở “rốn muỗi”

Phạm Tấn Tiến, Giám đốc Chi nhánh tỉnh Zambezia của Movitel (liên doanh giữa Viettel và Công ty SPI của Mozambique) đón chúng tôi ở sân bay Queliman khi trời đã tối hẳn. Dáng thư sinh, chàng thanh niên quê Bắc Giang này đã lăn lộn ở vùng đất được mệnh danh là “rốn muỗi” của Mozambique, nơi cách Thủ đô Maputo 2.000 km, gần 2 năm rồi. Gọi là “rốn muỗi” vì Zambezia cỏ cây um tùm, nước đọng ao tù nhiều.

Chào hỏi ân cần, Tiến đưa chúng tôi về ngôi nhà các cán bộ Movitel Chi nhánh tỉnh Zambezia đang ở, nằm khiêm nhường trong một ngõ nhỏ. Ở đó, đã có sẵn gần chục anh em chờ chúng tôi bên mâm cơm muộn được dọn sẵn.

Ngoài 4 anh em làm việc thường xuyên ở Chi nhánh, hôm nay, nghe có “người nhà mình” từ Việt Nam sang thăm, 5 cán bộ thuộc đội kéo cáp của Công ty Công trình Viettel cũng từ thực địa bắt xe về để ăn bữa cơm gia đình.

Trong ánh đèn vàng, nhìn anh em đội công trình, người nào người nấy nước da tái xám. Thấy vẻ ái ngại của chúng tôi, Vũ Chí Văn, Đội trưởng bảo: Sốt rét là “quốc bệnh” ở đây, anh em người ít thì mắc 1-2 lần, nhiều thì 4 - 5 lần, sốt rét chồng sốt rét.

Chỉ về phía một chàng thanh niên đen nhẻm, hiền khô, Văn bảo: Đấy là Tới, mới sang đây được 4 tháng mà dính 3 lần sốt rét, đợt gần nhất cách đây 1 tuần, đứng dậy được là lên đường hành quân ra công trình ngay.

Khỏi phải nói nỗi vất vả của anh em kéo cáp ngầm ở Mozambique. Ở quốc gia Đông Phi này, diện tích lên tới 800.000 km2 (rộng gấp 2,5 lần Việt Nam), nhưng dân số chỉ có 24 triệu người, sống thưa thớt, trải dài, nên việc kéo cáp quang gặp rất nhiều khó khăn.

Văn kể, anh em đội công trình đi tới đâu dựng trại hoặc thuê nhà dân đến đó. Lương thực tự lo, tự nấu, cắt rừng, đào tuyến, dựng cáp ngầm để kịp tiến độ. Vất vả không quản, nhưng ngại nhất là muỗi. Muỗi bu đầy người, có khi cào được cả vốc, không thuốc nào có thể cản nổi chúng.

Chợt nhớ con số mà ông Nguyễn Đức Quang, Tổng giám đốc Movitel đưa ra hôm gặp chúng tôi ở Thủ đô Maputo, là chỉ chưa đầy 3 năm, Movitel đã kéo được 27.000 km cáp quang, dựng 3.000 trạm BTS. Trước con số đó, giới viễn thông châu Phi gọi đây là “hiện tượng”. Và phải đến Zamberia mới thấy hết những giọt mồ hôi mặn mòi, những vất vả, gian nan của người lính Viettel khi kéo cáp. 

Những người lính mặt tiền

Hôm sau, từ Queliman, Tiến đưa chúng tôi tới huyện Maganjada Costa, cách đó 200 km. Sau khi đi được 60 km đường quốc lộ trải nhựa, xe đưa chúng tôi vào con đường đất đỏ chạy dài như vô tận.

Dân cư hai bên đường thưa thớt, chỉ thi thoảng gặp một chòm dân cư nhỏ. Nhưng điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là dọc bên đường là tuyến cáp quang chạy liên tục, cùng những trạm BTS mang thương hiệu Movitel.

Việc Movitel đầu tư lớn, triển khai mạng lưới diện rộng ở vùng sâu, vùng xa là chiến lược được Viettel “xuất khẩu” từ Việt Nam sang. Viettel đã thành công trước MobiFone và VinaPhone cũng ở nước cờ cao tay này: Lấy nông thôn vây thành thị.

Tiến bảo, Movitel đầu tư mạnh khiến đối thủ Vodacom đến từ Anh, sau một thời ngủ yên ở các thành phố buộc phải chạy đua phát triển mạng lưới. Movitel kéo cáp, dựng trạm đến đâu thì ở phía đối diện, Vodacom xuất hiện tới đó.

Là người chịu trách nhiệm về việc phát triển mạng lưới và thuê bao ở Zambezia, với Tiến, sức mạnh cạnh tranh của Movitel được nhóm gọn trong mấy chữ “mạng rộng, kênh sâu, hanset giá rẻ”. “Cứ chắc phương châm là thắng, anh ạ!”, Tiến tự tin.

Tại chi nhánh huyện Maganjada Costa, Nguyễn Hữu Nam đã chờ sẵn chúng tôi với khuôn mặt hốc hác vì sốt rét. “Lần này em bị nặng so với 3 lần trước, may còn kịp dậy để đón các anh sang”. Một mình Nam đảm nhiệm việc hỗ trợ phát triển thị trường không chỉ của Maganjada Costa, mà của cả huyện bên cạnh Pebane.

Nam dẫn chúng tôi tới chợ trung tâm cách đó 20 km. Phiên chợ mở mỗi tuần một lần, chuyên bán sắn, ngô, cá…  Điểm vui nhất ở chợ có lẽ là các điểm bán sim thẻ của Movitel, với những chiếc ô màu vàng sặc sỡ theo đúng màu logo của Movitel.

Anh nhân viên người bản địa vui nhộn cầm loa mời gọi người dân đến mua hàng, còn Giám đốc Chi nhánh huyện, trước đây là cấp phó của Nam, đang hướng dẫn người dân sử dụng. Nam bảo, mỗi phiên bán được cho vài chục khách mới. Đó là con số mà trước đây, mơ cũng không thấy.

Nam quê ở Đắc Lắc, vợ buôn bán nhỏ. Xung phong sang Mozambique khi cậu con trai chưa đầy 5 tuổi. Lúc đầu Nam được điều đến huyện đảo Chunde. Đi tới đó, phải mất 2 ngày, với 8 - 9 tiếng lênh đênh trên mặt hồ. Khi mới tới, tiếng bản địa không biết, không phương tiện liên lạc, nên nản lắm, chỉ muốn quay về. Nhưng rồi “quyết bám trụ, cắm chốt”.

Rồi một thân một mình, Nam tìm người biết đôi chút tiếng Anh, trao đổi để phát triển thị trường. Mỗi ngày qua đi, Nam tìm thêm cho mình một đại lý. Kiên trì bám trụ đồng nghĩa với việc phải kiên trì bán hàng. Nói không hiểu, anh viết, vẽ cho người bản địa, riết rồi họ cũng hiểu và làm theo. “Lúc em đến, huyện đảo là vùng trắng về thông tin di động, nay đã có gần 10.000 thuê bao. Mừng quá anh ạ!”.

Với cách làm ấy, chỉ sau 2 năm, số lượng thuê bao của tỉnh Zamberia đã lên tới 600.000, riêng Maganja Da Costa là 25.000.

Lúc ở Maganjada Costa, chúng tôi gặp Nguyễn Phồn Chiến, Phó giám đốc Kỹ thuật Chi nhánh Zamberia. Chiến quê Hải Dương, sang làm việc tại đây được 37 tháng. Đợt này, Chiến xuống thực hiện chính sách “3 cùng” của Viettel (cùng làm, cùng thâm nhập, cùng phát hiện).

Chiến kể, ngày đầu sang, vất vả vô cùng. Lặn lội khắp nơi để thuê đất mở trạm, kéo cáp. Nhưng với ý chí người Viettel là không lùi bước, nên dù ngủ trong lán trại, ăn sắn, ngô, uống nước lã vẫn kéo cáp quang, mở trạm, phát triển thuê bao.

“Bọn em xác định rõ, phải xây dựng được thương hiệu Viettel vững vàng ở thị trường ngoài nước”, Chiến nói. 

Kinh doanh bằng trái tim

Bà Safura, Chủ tịch HĐQT Movitel là người phụ nữ quý phái, được trọng vọng tại Mozambique. Bà có bằng tiến sĩ ở Anh và đã từng làm việc cho Ngân hàng Thế giới. Trong cuộc trò chuyện tại trụ sở Movitel, bà nhắc đi nhắc lại tới 3 lần: “Movitel đã làm thay đổi cuộc sống của người dân Mozambique”.

Mozambique là một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Phi, dân số khoảng 24 triệu người, với GDP đầu người 823 USD/năm. Mozambique có hạ tầng yếu kém, khoảng 70% dân số sống với thu nhập dưới 1,25 USD/ngày. Tỷ lệ biết đọc, biết viết khá thấp, chỉ 40%.

Nhưng rồi, Movitel tới và đã góp phần làm thay đổi đất nước này.

Đó là năm 2010, Viettel và Công ty SPI, do bà Safura quản lý, đã đàm phán để tiến tới thành lập liên doanh Movitel. Sau khi Movitel giành được giấy phép viễn thông thứ 3 tại Mozambique, đã ngay lập tức thực hiện chiến lược đầu tư “thần tốc”. Chỉ sau 2 năm rưỡi hoạt động, kịp phủ sóng 100% trung tâm huyện và 95% số trung tâm xã, nhanh chóng qua mặt hai ông lớn có thâm niên 15 năm tại thị trường này là Vodacom và Mcel để vươn lên dẫn đầu, chiếm 38% thị phần với khoảng 4 triệu thuê bao thực. Đặc biệt, Movitel là nhân tố rất quan trọng trong việc làm giảm giá cước điện thoại di động của Mozambique, từ 8 metical xuống còn 4,2 metical như hiện nay, mang lại lợi ích trực diện cho người dân.

Nhưng theo bà Safura, Viettel còn làm được nhiều điều hơn thế. Với triết lý kinh doanh gắn với an sinh xã hội, Viettel đã cung cấp miễn phí Internet tới các trường học vùng khó khăn, tạo điều kiện cho trẻ em nông thôn tiếp cận với thế giới bên ngoài.

Không chỉ bà Safura, nhiều người trong số 2.000 nhân viên Movitel người Mozambique cũng có cùng cảm nhận đó. Fosia Banu Ibraimo, Giám đốc Trung tâm Cố định Băng rộng khi gặp chúng tôi ở Thủ đô Maputo chia sẻ: “Tôi rất ngưỡng mộ Viettel. Họ đã làm được rất nhiều điều cho Mozambique: mang đến nhiều cơ hội việc làm, đầu tư hạ tầng viễn thông. Tôi tự hào được là một mắt xích trong đó”.

Cô gái có đôi mắt biết nói này hiện là nữ giám đốc người Mozambique duy nhất và trẻ nhất (26 tuổi) của Movitel. Mới đây, có dịp gặp lại Fosia khi cô sang Việt Nam tham dự Hội nghị toàn cầu Viettel tại Hà Nội, cô bảo: “Để tóm gọn về cảm nhận của tôi khi làm việc tại Movitel, thì đó sẽ là ‘hạnh phúc, trưởng thành và được trao cơ hội’. Tôi thật sự ngưỡng mộ cách người Viettel đào tạo người Viettel, người Việt Nam đào tạo người Mozambique. Các bạn thực sự muốn đồng hành, truyền kiến thức, kinh nghiệm cho người Mozambique”.

Nói rồi, cô kể, chỉ một tuần trước khi sang Việt Nam, bố cô bị bệnh và phải đưa tới Nam Phi, vì ở Mozambique không có nhiều bác sỹ giỏi. Nhưng cô còn rất nhiều việc phải làm. Biết vậy, sếp người Việt của cô đã nhìn thẳng vào mắt cô và nói: “Fosia, cô có thể tạm dừng mọi công việc hiện tại, hãy về nhà xem tình hình bố ra sao, ông là người rất quan trọng với cô”.

“Tôi thực sự cảm động vì điều đó. Họ giống như gia đình của tôi vậy. Vì thế, tôi càng thêm yêu Movitel”, Fosia rưng rưng.

Nghe chuyện của những nhân viên Movitel, tôi hiểu vì sao Viettel giành được sự ngưỡng mộ của người dân và các đối tác nơi đây. Bởi Viettel đã thực sự kinh doanh bằng trái tim. Và nhờ nhế, họ đã viết nên câu chuyện thành công ở nơi xa vạn dặm này một cách đầy cảm xúc.

*****

Bữa cơm chia tay đoàn nhà báo đến từ Việt Nam được tổ chức tại ngôi nhà của các cán bộ Viettel ở Thủ đô Maputo. Một vị khách đặc biệt được mời đến. Đó là Đại sứ Việt Nam tại Mozambique - Nguyễn Văn Trung. Trò chuyện với chúng tôi, Đại sứ luôn tự hào nhắc đến sự tôn trọng mà người dân nơi đây dành cho Viettel.

Và trong bữa cơm Việt đầm ấm ấy, Lê Xuân Đức, chàng trai gốc Hà Nội, người vừa từ Việt Nam sang tăng cường Movitel ôm đàn gỗ hát bài “Đêm bình yên” do chính anh sáng tác tặng mẹ trong một lần bà nằm viện. Lời ca da diết đã khiến chúng tôi cảm thấy Việt Nam dường như rất gần.

Những người lính Viettel cũng thế, dù đang cách xa nhà hàng vạn dặm, với các anh, những thành công của Movitel hôm nay, những thời khắc ấm áp gặp người Việt nơi xa xứ chính là sự động viên chân tình nhất để các anh tiếp tục ở lại và dệt thành công ở mảnh đất này. Còn tôi thì biết, lại thêm một cái Tết nữa, các anh xa gia đình.

Tin bài liên quan