Phía sau những người lính giữ biển, giữ đảo là triệu triệu trái tim Việt Nam cùng chung nhịp đập - Ảnh: Trung Hiếu

Phía sau những người lính giữ biển, giữ đảo là triệu triệu trái tim Việt Nam cùng chung nhịp đập - Ảnh: Trung Hiếu

Biển Đông, những ngày tháng Năm - Kỳ 1: Cảm hứng chủ quyền

(ĐTCK) LTS: Cả nước đang sôi sục hướng về biển Đông, về thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nơi Trung Quốc đang ngang nhiên đặt giàn khoan gây hấn. Những ngày tháng Năm này, phóng viên Báo Đầu tư đã có mặt tại Trường Sa và nhà giàn DK1 để trực tiếp chứng kiến không khí lao động, sẵn sàng chiến đấu của quân và dân trên vùng biển thân yêu của Tổ quốc.

Kỳ 1: Cảm hứng chủ quyền

Để bảo vệ biển đảo thiêng liêng, những người lính biển trái tim luôn nóng, nhưng cái đầu phải bình tĩnh, sáng suốt. Họ luôn bình thản với mọi tình huống vì họ biết rằng, ở phía sau mình là triệu triệu trái tim Việt cùng chung nhịp đập. Họ biết rằng, sóng dẫu có động, nhưng biển muôn đời vẫn bình yên. Và một đêm ca nhạc đặc biệt giữa biển khơi đã mang lại không chỉ cho người lính, mà cả chúng tôi cảm giác bình yên ấy. 

Đêm biển Đông nghe đờn ca tài tử

Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân là một người dễ mến. Tôi từng đếm được giữa cái nắng chang chang 11 giờ trưa trên đảo Đá Lớn B, anh kiên nhẫn lần lượt đứng chụp ảnh cùng 23 lượt người mà nụ cười vẫn thường trực trên môi. Tự nhận mình trưởng thành từ người lính hải quân thiên về kỹ thuật tàu bè, nhưng anh lại là người yêu thơ, thuộc và sáng tác nhiều bài thơ hay về biển, về người lính.

Trò chuyện với tôi, vị tướng hải quân không nói nhiều về câu chuyện nóng đang diễn ra liên quan đến giàn khoan phi pháp, bởi “rất tin tưởng vào các quyết sách, đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, nhiệm vụ của người lính luôn luôn là sẵn sàng chiến đấu”. Đúng ngày 7/5 - kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, anh chỉ nhắc lại câu chuyện rằng, Đờ-cát sau khi thất trận trở về, bị người Pháp chất vấn. Viên tướng này đã nói một câu nổi tiếng: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”. Anh Hải kết luận, dân tộc Việt Nam có một truyền thống rất đáng tự hào là càng trong khó khăn, con người càng bó bện, đoàn kết, không một kẻ thù nào khuất phục được. Và ta luôn chiến thắng trong bối cảnh bị cho là yếu hơn về mọi mặt.  

 Luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền đất nước

Trở lại câu chuyện về chuyến hải trình của chúng tôi, Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải bảo, lính biển có khái niệm “mùa tàu” để nói về những ngày gió lặng, sóng êm. Và chuyến đi của đoàn gặp đúng mùa biển thuận lợi ấy. “Nhưng nói mùa tàu là với những người như các bạn, chứ lính biển chúng tôi, đảo là nhà, biển cả là quê hương, thì quanh năm suốt tháng, mùa nào chả là mùa tàu”, anh Hải hóm hỉnh.

Quả thật, đúng 8 giờ sáng mùng 2/5, khi con tàu Trường Sa HQ 571 lừng lững vươn khơi, thì càng xa bờ, sóng lại càng êm đềm. Nhìn ra mênh mông, biển xanh ngăn ngắt, nắng lại vàng rực rỡ, lăn tăn vài đọn sóng mà nói không ngoa, còn dịu êm hơn mặt Hồ Tây những ngày giông gió.    

Có một niềm vui bất ngờ với các thành viên trong đoàn, khi Đại tá Vũ Văn Tiến, Phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân thông báo rằng, tham gia chuyến hải trình lần này có các nghệ sĩ của Đoàn văn công Đồng Tháp. Và trước khi lời ca tiếng hát của các nghệ sĩ đến với lính đảo Trường Sa, một đêm diễn bất ngờ đã được tổ chức, lấy boong tàu làm sân khấu, lấy lan can tàu làm cánh gà, lấy ụ tàu làm bệ đèn chiếu sáng... Quả thật, vừa nghe đờn ca tài tử được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể thế giới, lại đã vài lần được thưởng thức ở vùng sông nước miền Tây, nhưng khi điệu dạ cổ hoài lang cất lên giữa sóng nước biển Đông, thì cảm giác thật đặc biệt. Như ta không phải đang nghe hát, nghe thơ, mà cảm được từ trong lòng, ở bên cạnh ta và trên sân khấu đơn sơ kia, tiếng của Tổ quốc đang gọi tên mình.

Phóng viên Báo Đầu tư tác nghiệp tại Trường Sa

Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải, trong câu chuyện của mình, đã hơn một lần nói về sự “thông linh”, một dạng thần giao cách cảm khi đã rất gắn bó với nhau giữa những người lính biển. Nhưng dường như, giữa khán giả và các nghệ sĩ, cả chuyên và không chuyên cũng có na ná một cảm giác về sự thông linh ấy. Sự thông linh của những trái tim cùng nhịp đập.

Và khi những giai điệu khi hào hùng, lúc sâu lắng ngân lên giữa sóng nước đại dương cũng là lúc mỗi chúng tôi như cảm được tình yêu quê hương, đất nước không hề trừu tượng hay xa xôi, mà gần gũi, mà rất thật, như cầm nắm, như nhìn thấy được. Tình yêu ấy có thể đến từ những nụ cười, từ những cái bắt tay rất chặt giữa những người vừa mới đây thôi hầu như còn chưa biết nhau. Đó có thể là ánh mắt rực sáng niềm lạc quan hay giọng hát sôi nổi của những người chưa một lần đứng trước ánh đèn màu sân khấu.

Chỉ có cảm hứng về Trường Sa, cảm hứng về hồn cốt dân tộc qua từng ngọn sóng bạc đầu mới có thể làm nên những điều kỳ diệu ấy!

Không chuyên nghiệp và kỹ càng như các nghệ sĩ, không chuẩn bị chu đáo như tiết mục về mẹ của các chiến sĩ hải quân, hầu hết các đoàn đều tham gia đêm diễn trong tình trạng... nước đến chân mới nhảy. Như đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đến sát giờ diễn còn tranh luận về việc ai đứng ở đâu và hát như thế nào. Thế nhưng, khi lời ca “đời mình là một khúc quân hành” - tiết mục của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - được người lĩnh xướng cất lên, thì cả boong tàu đều biến thành ca sĩ. Và tôi đã nhìn thấy trong tốp ca, có chị, có em vừa hát, vừa len lén lau đi những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt thật đẹp của khát vọng dấn thân.  

Đêm diễn có những lúc lắng lại một chút, đằm xuống một chút với những lời thơ rất xúc động của nhà thơ Nghiêm Nhan đến từ Đài Truyền hình Việt Nam, của người lính yêu thơ Đặng Minh Hải. Xin cám ơn các anh với góc nhìn rất đẹp và rất sâu về người lính Trường Sa, mà nhà thơ gọi là những con rồng của biển. Nhưng chắc hẳn, không chỉ có lính Trường Sa, mà mỗi người lính hải quân, hay tất cả các anh bộ đội cụ Hồ đang canh giữ từng tấc đất, vùng trời hay vùng biển. Họ đều là những con rồng, những bức tượng đồng trấn giữ Tổ quốc Việt Nam, để mỗi người chúng tôi thêm tự tin khi hát lên câu hát chủ quyền “trời của ta, đất của ta”...  Và xin được gọi những giọt nước mắt ấy, những lời ca, những bài thơ cất lên từ đáy lòng ấy là “Cảm hứng biển Đông”, cảm hứng chủ quyền.

Sóng có động, nhưng biển vẫn bình yên

Chắc hẳn, nhiều người sẽ tiếc nuối khi đêm nhạc đặc biệt này sao chóng trôi qua. Nói như Nguyễn Bình, ca sĩ của đoàn văn công rằng, “chuẩn bị thì lâu, mà sao đêm diễn thì vèo một cái”. Nhưng không phải kết thúc đâu bạn ạ. Hay nói đúng hơn là cái kết này lại là điểm mở đầu của những câu chuyện khác.

Khi những dàn đèn được tháo bỏ, boong tàu lại trở thành nơi hội ngộ, giao lưu của Vinachem, đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính..., của các ông chủ nhà mến khách, như Đại tá Phạm Văn Phèn, Chính ủy Lữ đoàn 681 Hải quân, Thượng tá Phạm Đức Minh, sĩ quan Cục Hậu cần Hải quân...

Ngồi nói chuyện với các anh, thật xúc động khi được nghe những lời chia sẻ giản dị mà chân thành của người lính biển, của những doanh nhân như anh Ngô Đại Quang, Phó tổng giám đốc Vinachem; anh Nguyễn Hữu Thọ, Tổng giám đốc Công ty Hóa chất cơ bản miền Nam, hay của những nhà quản lý có nhiều “duyên nợ” với con nhà lính như anh Nguyễn Trọng Căn, Phó vụ trưởng Vụ An ninh quốc phòng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)... Giữa chúng tôi đây, chỉ vừa biết tên nhau, chỉ mới vài câu chuyện tâm tình mà như đã thân thiết tự bao giờ. Mới thấy cái câu “cùng hội cùng thuyền” các cụ xưa nói về nghề đi biển chính là vận vào những lúc này đây, giữa biển khơi bạc đầu sóng vỗ.

Anh Ngô Đại Quang kể, con số 45 thành viên trong đoàn của Vinachem là ứng vào chặng đường 45 năm thành lập Tập đoàn trong năm nay. Đó đều là những cán bộ nhân viên với thành tích đặc biệt xuất sắc. Nhưng tôi cũng hiểu rằng, để chọn trong hai vạn rưỡi cán bộ công nhân toàn Tập đoàn ra 45 người ưu tú hoàn toàn không phải là một việc dễ dàng. Hay Nguyễn Trọng Căn, như anh bảo, cả đời có mấy khi làm thơ. Nhưng tình người, tình biển khiến anh cũng như hóa thân thành thi sĩ. Những câu thơ có thể chưa đúng vần, đúng điệu, nhưng tôi tin, đó là những cảm xúc thật, những tình cảm thiêng liêng đến tự đáy lòng.       

Những người lính như Đại tá Phèn, Thượng tá Minh đều đã ba mươi mấy tuổi quân, hầu hết đời binh nghiệp coi biển đảo là nhà. Nhiều năm tháng phải xa gia đình, nhưng khi tâm sự về chuyện đời, chuyện nhà của mình thì đều rất giản dị, đơn thuần, như những hy sinh, vất vả của các anh và của tổ ấm gia đình mình là điều vốn dĩ nhiên phải vậy...

điểm chung giữa chúng tôi, đó không chỉ là những bức xúc, những cơn giận dữ trước hành động bá quyền của những kẻ được cho là mạnh. Mà đó là sự tự hào và niềm xúc động khi được đứng đây để hát “biển này là của ta, đảo này là của ta”.

Những đêm đầu tiên với biển, hẳn đã có nhiều người thao thức. Thao thức vì được hát và nghe những người bạn mới quen và cả chưa quen, mà như đã thành “cùng hội cùng thuyền” hát giữa biển Đông. Và thức để hiểu rằng, với người Việt nào cũng vậy thôi, khi huyết quản vẫn rần rật chảy dòng máu Lạc Hồng, thì mỗi tấc đất, mỗi ngọn sóng quê hương đều mang dáng hình của nước.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan