9 tháng, tổng mức bán bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt hơn 2.900 nghìn tỷ đồng

(ĐTCK) Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 336,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. 
9 tháng, tổng mức bán bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt hơn 2.900 nghìn tỷ đồng

Cơ cấu gồm doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 251,1 nghìn tỷ đồng; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 42,7 nghìn tỷ đồng; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,7 nghìn tỷ đồng; doanh thu dịch vụ khác đạt 39,1 nghìn tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.917,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2016 tăng 9%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng ước tính đạt 2.185,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 74,9% tổng mức và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, một số ngành có mức tăng cao như ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 9,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,3%; may mặc tăng 14,9%; phương tiện đi lại tăng 24,9%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 3,5%.

Một số địa phương có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng tăng khá như Quảng Ninh (15,6%); Vĩnh Phúc (20,3%); Bắc Ninh (18,5%); Hải Phòng (13,9%); Thái Bình (14,7%); Nam Định (16,8%); Khánh Hòa (19,6%); Bình Dương (17,3%); Long An (16,4%); riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và tTP. HCM cùng tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng ước tính đạt 362,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,4% tổng mức và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng trưởng khá là do lượng khách quốc tế và du lịch trong nước tăng mạnh, ngoài ra hoạt động ăn uống ngoài gia đình không còn bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung năm 2016.

Cũng với nguyên nhân trên, doanh thu du lịch lữ hành cũng tăng trưởng tốt 14,4% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 26,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức.

Còn dịch vụ khác đóng góp doanh thu 342,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng mức và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, một số địa phương có doanh thu tăng khá như Hải Phòng; Bắc Giang; Lâm Đồng; TP. HCM; Hà Nội.

Tổng cục Thống kê đánh giá hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, các trung tâm thương mại, siêu thị và cơ sở bán lẻ triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, sức mua trên thị trường tăng hơn so với tháng trước.

Đây là tiền đề thuận lợi để thúc đẩy tăng sức cầu tiêu thụ tại thị trường trong nước, đóng góp tích cực vào việc nâng tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế trong quý IV và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% đã đặt ra.  

Tin bài liên quan