Cuộc đua mà các bên đều thắng

Cuộc đua mà các bên đều thắng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cứ mỗi lần 2 sở giao dịch công bố thị phần môi giới quý, những tên tuổi công ty chứng khoán (CTCK) vào, ra lại được cập nhật nhanh chóng trên các mặt báo.

Tuy nhiên, có một điểm ít thay đổi, đó là việc Top 10 thường xuyên chiếm lĩnh trên 70% thị phần toàn thị trường. Hơn 50 cái tên còn lại chia nhau 30% “miếng bánh”. Cuộc cạnh tranh ở các CTCK chưa bao giờ ngừng khốc liệt.

Gần đây, cuộc chiến "săn đầu người" trở thành câu chuyện đau đầu của nhiều CTCK nội. Một chuyên viên pháp lý có nghề đang ở CTCK này được mời chào sang đảm nhận chức cao hơn ở CTCK khác với mức lương gấp đôi, gấp ba là chuyện không hiếm.

Phổ biến nhất là mời chào nhân viên môi giới, chuyên viên tư vấn, đầu tư…, nhất là những nhân sự đang quản lý một vùng khách hàng kha khá.

Bên cạnh cuộc chiến "săn đầu người", mặt trận dịch vụ cho vay ký quỹ cũng diễn ra cuộc so găng không kém nóng bỏng.

Lúc đầu, khối công ty nội khá dè dặt, nhưng đến nay cũng đang tung ra các chương trình, chiến dịch “so găng” quyết liệt với các đối thủ có nguồn tiền rẻ từ bên ngoài Việt Nam.

“Kẻ tám lạng, người nửa cân”. Các CTCK đang buộc phải chuyển động nhanh để tìm kiếm cơ hội, giữ vị thế và quan trọng là hiệu quả.

Số liệu phân tích từ TOP 20 cái tên dẫn đầu thị trường cho thấy, trong quý II, dù điểm số và thanh khoản đều phục hồi, đặc biệt là giao dịch phái sinh, nhưng vẫn có 4 công ty lỗ gộp về hoạt động môi giới.

Sau những cuộc rượt đuổi, nhiều công ty chọn cách đứng ngoài các cuộc đua hào nhoáng, tập trung vào hiệu quả hoạt động hơn là chạy theo thị phần, doanh thu.

Xu hướng trên được nhìn nhận là tích cực. Bên cạnh phí, lãi vay, nhà đầu tư giờ đây quan tâm nhiều đến các yếu tố về dịch vụ, tư vấn, công nghệ, cùng những sản phẩm giúp quản lý tài sản một cách đồng bộ.

An toàn và hiệu quả tài sản của khách hàng mới là đích đến dài hạn mà các CTCK buộc phải tập trung đầu tư.

Nhìn sang một số thị trường khu vực, kênh đầu tư chứng khoán hấp dẫn là bởi lợi suất thường cao hơn các kênh khác, nhưng ở Việt Nam, đa số nhà đầu tư chưa cảm nhận được sự an toàn và dễ có lãi khi tham gia TTCK.

Một nghiên cứu được giới phân tích chỉ ra, nếu lãi suất tiết kiệm bình quân 5 năm từ năm 2017 của Việt Nam trở về trước đạt trung bình ở mức 8,64%/năm thì lợi suất chứng khoán chỉ ở mức 8,52%.

Hai chỉ tiêu này ở Philippines là 2,22% so với 10,57%; ở Thái Lan là 2,28% so với 7,9% và ở Indonesia là 7,24% so với 11,94%/năm. Kết quả, giá cổ phiếu trong khu vực thường cao hơn ở Việt Nam thể hiện qua so sánh chỉ tiêu PE, PB.

Tất nhiên, độ hấp dẫn của mỗi thị trường còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, môi trường vĩ mô…

Song với vai trò là những cầu nối các dòng vốn chảy trong nền kinh tế, nếu khối CTCK chia sẻ chung một tầm nhìn, sứ mệnh vì một thị trường vận hành lành mạnh, tích cực, thì sẽ có cơ sở để kỳ vọng một chiếc bánh to hơn sẽ hình thành, khi mà ngày càng nhiều người đến và trụ lại với kênh đầu tư chứng khoán.

Ở đó, các thành viên đều có cơ hội hưởng lợi.

Chọn chủ đề “Cuộc đua vượt vũ môn” làm Tiêu điểm cho số báo này, Đầu tư Chứng khoán mang đến cho bạn đọc một bức tranh về hoạt động của khối CTCK với mong muốn giúp nhà đầu tư có thêm công cụ chọn người đồng hành, trên con đường tìm kiếm lợi ích bền vững.

Tin bài liên quan