Cuộc đua của các công ty chứng khoán: Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào

Cuộc đua của các công ty chứng khoán: Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với sự tham gia ngày càng đông đảo của nhà đầu tư cá nhân, không ít công ty chứng khoán đã mở rộng hầu bao để cải thiện thị phần môi giới. Liệu đây có phải là chiến lược đúng đắn?

Thời của công ty chứng khoán

Kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào chuỗi ngày thăng hoa khi liên tiếp đạt được những đỉnh cao mới, thu hút được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư thông qua con số hơn 100.000 tài khoản chứng khoán mở mới mỗi tháng.

Nếu như nhiều năm trước, giá trị giao dịch của thị trường chỉ 5.000 - 6.000 tỷ đồng/phiên, thì nay đã gấp 4 - 5 lần. Đặc biệt, phiên 19/11/2021 lập kỷ lục lịch sử với giá trị giao dịch toàn thị trường lên tới 56.000 tỷ đồng, tương đương 2,46 tỷ USD.

Bối cảnh đó giúp kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán khởi sắc. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2021 có 6 công ty đạt lợi nhuận trước thuế trên 1.000 tỷ đồng.

Trong đó, dẫn đầu là Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) với lợi nhuận 2.847 tỷ đồng, tăng 33%; tiếp đến là Công ty Chứng khoán SSI (mã chứng khoán SSI) lãi 2.063 tỷ đồng, tăng 92%; Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT, mã chứng khoán VND) lãi 1.822 tỷ đồng, tăng 132%; Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC, mã chứng khoán VCI) lãi 1.267 tỷ đồng, tăng gần 150%; Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC, mã chứng khoán HCM) lãi 1.151 tỷ đồng, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2020.

Không được coi là “ông lớn” như những cái tên kể trên, nhưng Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã chứng khoán SHS) cũng đứng trong câu lạc bộ lợi nhuận ngàn tỷ trong 9 tháng đầu năm 2021 với 1.028 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm 2020.

Điều này cũng được phản ánh rõ ở giá cổ phiếu nhóm chứng khoán. Cụ thể, giá cổ phiếu VND tăng 6 lần kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Mức tăng tương tự diễn ra ở các mã lớn khác như VCI, HCM hay SSI. Thậm chí, cổ phiếu VIX của Công ty Chứng khoán VIX tăng xấp xỉ 9 lần so với đầu năm 2020.

Ngôi vị trên bảng xếp hạng thị phần…

Trong ngành chứng khoán, thị phần môi giới cổ phiếu là một trong những thước đo vị thế của một công ty chứng khoán trên thị trường.

Trong những năm gần đây, các tên tuổi lớn đã khẳng định được vị thế của mình như SSI, VCSC, HSC hay VNDIRECT duy trì được vị trí trong Top đầu. Tuy nhiên, vị thế này không còn được như xưa do sự trỗi dậy mạnh mẽ của Công ty Chứng khoán VPS (VPS).

Số liệu thống kê của HOSE trong 4 năm gần đây cho thấy, nếu như trong năm 2018, VPS chưa nằm trong Top 10 công ty có thị phần lớn nhất trên sàn này, thì kể từ năm 2019, vị trí của VPS liên tục được cải thiện.

Năm 2019 - năm đầu tiên lọt vào danh sách Top 10 của sàn HOSE, VPS đứng ở vị trí thứ 7 với thị phần đạt 3,94%. Thế nhưng, chỉ một năm sau, thị phần của VPS đã nâng lên thành 8,22% (đứng vị trí thứ 3). Kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, VPS vươn lên vị trí dẫn đầu với thị phần đạt 16,5%.

Trên HNX, năm 2018, VPS đứng ở vị trí thứ 10 với thị phần 3,48%. Năm 2019, VPS nhảy 5 bậc trên bảng xếp hạng Top 10 của HNX, với 5,64% thị phần. Năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021, VPS vươn lên chiếm giữ vị trí số 1 tại HNX với thị phần tương ứng là 8,94% và 17,02%. Như vậy, chỉ sau chưa đầy 4 năm, thị phần môi giới cổ phiếu trên HNX của VPS đã tăng hơn 4 lần và hiện lớn gần gấp đôi so với công ty ở vị trí thứ 2.

Trên UPCoM, từ vị trí thứ 10 với thị phần gần 4% vào năm 2018, VPS đã leo lên vị trí số 1 trong năm 2020 và giữ vững vị trí này trong 9 tháng đầu năm 2021 với thị phần đạt 24%, gấp 2,5 lần so với công ty đứng ở vị trí thứ 2.

VPS còn ấn tượng hơn ở mảng môi giới chứng khoán phái sinh. Nếu như năm 2018, Công ty đứng ở vị trí thứ 5 với tỷ lệ thị phần 13,61%, thì kể từ năm 2019 cho tới nay, VPS luôn chiếm thị phần áp đảo, bỏ xa các công ty phía sau. Trong 9 tháng đầu năm 2021, thị phần của VPS ở mảng này lên tới gần 57%, gấp 4 lần công ty đứng ở vị trí thứ 2.

… Và cái giá phải trả

Trong 6 công ty đạt mức lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng 9 tháng năm 2021 có 4 công ty thuộc Top 10 thị phần môi giới là SSI, VNDIRECT, VCSC và HSC. Trong khi đó, báo cáo tài chính quý III/2021 của VPS lại cho thấy một điểm đáng lưu ý.

Tính đến 30/9/2021, VPS đạt lợi nhuận trước thuế 751 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2020. Mức lợi nhuận này chỉ bằng gần 1/3 so với SSI và non nửa so với VNDIRECT.

Trong 3 quý đầu năm 2021, VPS có doanh thu hoạt động 6.648 tỷ đồng, gấp gần 9 lần lợi nhuận trước thuế. Với tỷ suất lợi nhuận/doanh thu chỉ ở mức 11%, rõ ràng Công ty đã phải trả một cái giá không nhỏ cho việc mở rộng thị phần.

Giới chứng khoán cho rằng, lý do tỷ suất lợi nhuận/doanh thu của VPS đạt thấp là do Công ty phải nuôi một đội ngũ môi giới khổng lồ, lên tới hàng ngàn nhân viên cả chính thức và cộng tác viên. VPS còn mạnh tay chi tới 80% hoa hồng môi giới cho nhân viên, mức cao nhất trên thị trường hiện nay. Việc hy sinh lợi ích này đã làm cho phần phí giao dịch còn lại để đóng góp vào lợi nhuận của VPS không còn là bao.

Một lý do khác là VPS thường xuyên đưa ra các chương trình ưu đãi dành cho khách hàng, chẳng hạn miễn, giảm phí giao dịch trong thời gian dài cho những người mở mới tài khoản chứng khoán, hay hạ lãi vay giao dịch ký quỹ (margin). Đã vậy, VPS còn đưa ra những chương trình marketing đình đám trên thị trường.

Còn nhớ, năm 2018, khi đội tuyển bóng đá Việt Nam đá trận bán kết và chung kết lượt về VFF Cup 2018 trên sân Mỹ Đình để sau đó giành ngôi vương sau 10 năm chờ đợi, VPS đã có một quảng cáo ngắn, đơn giản, nhưng được cho là khá tốn kém trước và vào giờ giải lao giữa 2 hiệp đấu trên sóng truyền hình trực tiếp của VTV. Cho tới tận hôm nay vẫn chưa có công ty chứng khoán nào ‘chịu chơi’ như VPS thời điểm cách đây 3 năm.

Hay trong năm 2021, VPS tổ chức giải đấu theo thể thức của thể thao điện tử là “Huyền thoại phái sinh - chứng trường rực lửa” với tổng giá trị giải thưởng hơn 3 tỷ đồng.

Tất cả những yếu tố trên khiến hiệu quả kinh doanh của VPS thấp hơn đáng kể so với những “ông lớn” khác trong Top 10 thị phần môi giới.

“Theo tôi, dường như những tên tuổi lớn như SSI, HSC hay VCSC đang làm điều đúng đắn khi họ tập trung vào việc thu hút và giữ chân những khách hàng lớn để mang lại hiệu quả kinh doanh cao, không hy sinh lợi ích của cổ đông bằng việc chi hoa hồng ở mức cao cho nhân viên môi giới. Rõ ràng, cổ đông của VPS đang phải hy sinh lợi ích kinh tế của mình vì chiến lược mở rộng thị phần của lãnh đạo Công ty”, một chuyên gia trong ngành chứng khoán nói.

Tin bài liên quan