Chốt lãi chứng khoán, chuyển sang bất động sản?
Bắt đầu câu chuyện cùng phóng viên, nhà đầu tư Nguyễn Thị Định đến từ Hà Nội cho biết, từ kinh nghiệm cá nhân thì những ngày trước Tết Nguyên đán luôn là thời điểm tuyệt vời để mua đất, bởi cả hai lý do: Một là, vào cuối năm, có nhiều nhà đầu tư muốn thu tiền về sau cả năm đầu tư nên hàng bán ra nhiều, dễ lựa chọn. Hai là, sau khi nghỉ Tết Dương lịch, việc tiền nhàn rỗi nằm im lâu dẫn đến tâm lý sốt ruột, nhận thấy có cơ hội là lập tức đầu tư và nhiều người cùng mua dẫn đến cầu tăng, giá đất cũng tăng theo.
“Cuối năm là thời điểm nhiều nhà đầu tư chốt lời từ chứng khoán và chuyển sang kênh đầu tư khác. Giao dịch bất động sản từ nhà ở cho đến đất nền đều khá sôi động thời gian qua khi có sự điều chỉnh dòng vốn từ chứng khoán sang địa ốc. Trong đầu tư, quan điểm của tôi là hãy mua khi ai cũng muốn bán và bán khi ai cũng muốn mua”, chị Định chia sẻ.
Tham khảo ý kiến của nhiều thành viên thị trường, không ít quan điểm cho rằng cuối năm là thời điểm nhiều nhà đầu tư chốt lời từ chứng khoán và cùng với tái cơ cấu lại danh mục đầu tư, việc chuyển một phần dòng vốn sang bất động sản là điều phổ biến.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Bamboo Việt Nam (Bamboo Land) cho rằng, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp khiến nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng năm 2021 tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, nhưng sẽ ổn đỉnh hơn từ cuối quý II. Theo đó, sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ hơn cho cả nhà đầu tư chứng khoán và bất động sản, bên cạnh nguồn vốn rẻ như hiện nay.
“Sự hưng phấn từ việc năm qua chi trả, giải ngân đầu tư công lớn nên dòng tiền đổ sang bất động sản và chứng khoán nhiều. Có những giai đoạn cả hai thị trường cùng thăng hoa. Với năm 2021, nếu tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh thì thị trường sẽ còn đi lên”, ông Thắng nhấn mạnh.
“F0” địa ốc không phải là những “tay mơ” |
Quan sát diễn biến thị trường chứng khoán, bất động sản thời gian qua, chuyên gia Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank cho rằng, đang diễn ra một cuộc đua giữa 2 lĩnh vực này.
Ông Hưởng phân tích, năm 2020, Việt Nam làm được 2 điều tạo cảm hứng cho tất cả các thành viên thị trường, đó là kiềm chế tốt Covid-19 và duy trì được đà tăng trưởng kinh tế, giúp cả 2 thị trường cùng khởi sắc hơn, đặc biệt là thị trường chứng khoán với động lực tăng chính đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhưng sang năm 2021, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ khó giữ “phong độ” do chịu tác động của độ trễ từ hoạt động giãn nợ vay trong năm 2020, dẫn tới ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán nói chung.
“Trong cuộc đua này, chứng khoán đã vượt lên ở thời điểm cuối năm 2020, nhưng sau tháng 1/2021, bất động sản sẽ bứt tốc, đặc biệt khi nhiều luật mới chính thức có hiệu lực từ đầu năm giúp giải quyết những vướng mắc tồn tại bấy lâu nay”, ông Hưởng nêu quan điểm.
Cụ thể hơn, ông Hưởng chỉ ra rằng, trước mắt, bất động sản vùng ven Hà Nội và TP.HCM sẽ lên ngôi do đã “ngủ” quá lâu, sau khoảng 5 năm sẽ tới đất Long Thành (Đồng Nai), quận 9, Thủ Đức (TP.HCM)... Ông cũng đánh giá cao phân khúc nhà ở vừa túi tiền, đất phân lô và bất động sản nghỉ dưỡng khi dịch bệnh tiếp tục được khống chế.
Cùng chung quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, hiện có nhiều yếu tố thuận lợi cho thị trường bất động sản như khả năng điều chỉnh nhanh nhạy theo diễn biến dịch bệnh, pháp lý được kiện toàn, dịch chuyển chuỗi cung ứng, giải ngân đầu tư công nhanh, chuyển đổi số mạnh mẽ, lãi suất thấp…
“Hiện là thời điểm thích hợp để mua nhà, kể cả là dùng vốn vay ngân hàng để mua, bởi lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất trong 15 năm qua”, ông Lực nói.
Mối quan hệ tương hỗ
Nhìn nhận về mối liên kết giữa các lĩnh vực kinh tế, nhà đầu tư Lê Kế Thọ đến từ TP.HCM cho rằng, sự ảnh hưởng của thị trường chứng khoán lên các nhóm cổ phiếu là khác nhau, nhưng cổ phiếu bất động sản vẫn được đánh giá tiềm năng trong cả ngắn, trung và dài hạn nhờ khả năng tăng giá cao của bất động sản cũng như được hưởng lợi từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng trong tương lai.
Ỏ một góc nhìn khác, nhà đầu tư Việt Hùng chia sẻ, lãi suất tiết kiệm giảm mạnh khiến kênh gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn và có lẽ dòng tiền này được chuyển sang đầu tư chứng khoán. Mức thanh khoản tăng vọt với một lượng lớn nhà đầu tư F0 tham gia thị trường chứng khoán thời gian qua là một minh chứng, trong đó cổ phiếu bất động sản nằm trong nhóm cổ phiếu hút tiền mạnh nhất. Điều này cho thấy, nhà đầu tư đang “bí” kênh đầu tư và dòng tiền có xu hướng tìm đến những lĩnh vực “ấm nóng”.
“Bản thân tôi đầu tư cả chứng khoán và bất động sản. Giai đoạn cuối năm 2020, đầu năm 2021, tôi đã cơ cấu lại danh mục đầu tư, chuyển một phần lợi nhuận từ chứng khoán sang đầu tư đất nền”, anh Hùng thông tin thêm.
Cũng với nhận định tương tự, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group cho rằng, thị trường địa ốc cũng đang chứng kiến một lượng lớn nhà đầu tư F0, nhưng đây không phải là những “tay mơ”, mà ngược lại, đều là những nhà đầu tư lão luyện từ nhiều lĩnh vực khác.
Ông Tuyển cho biết, ông từng chứng kiến nhiều nhà đầu tư từ các lĩnh vực chứng khoán, kinh doanh hàng tiêu dùng… có dòng tiền nhàn rỗi tìm đến bất động sản như là kênh đầu tư sinh lời tốt và đa phần là người có kiến thức, kinh nghiệm nên tự tin khi tham gia đầu tư vào địa ốc.
Lịch sử thị trường chứng khoán và bất động sản Việt Nam đã chỉ ra rằng, năm nào, giai đoạn nào thị trường chứng khoán hưng phấn, thì nhịp điệu ấy cũng tác động tích cực đến thị trường địa ốc và ngược lại. Với xu hướng các doanh nghiệp bất động sản ngày càng giảm dần sự phụ thuộc vào vốn tín dụng, tăng cường huy động vốn trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu, mối tương tác giữa chứng khoán và bất động sản hẳn sẽ mạnh hơn trong thời gian tới.