Cộng đồng kinh doanh APEC đặc biệt đón chờ 2 bài phát biểu của lãnh đạo 2 nền kinh tế lớn nhất APEC.
“Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có những phát biểu mang tình tầm nhìn của hai nền kinh tế. Điều này sẽ tác động đến tầm nhìn của quá trình hợp tác khu vực cũng như sự phát triển của kinh tế giới. Giới đầu tư kinh doanh thế giới và cả Việt nam đang rất chờ đợi các thông điệp này”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch APEC CEO Summit 2017 trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.
Ông Vũ Tiến Lộc đã gọi đây là cuộc đối thoại giữa chính sách vành đai – con đường của Trung Quốc và chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ.
“Đây là sáng kiến của các cường quốc, nhưng là tài sản chung của nền kinh tế thế giới, mang lại lợi ích cho tất cả. 2.000 CEO toàn cầu muốn trực tiếp nghe các nhà lãnh đạo trực tiếp trao đổi về các vấn đề này.
Thời điểm này, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập khu vực cần được định hình lại để đáp ứng các yêu cầu của thời đại mới. APEC đang đối diện với tình trạng đà tăng trưởng chậm lại, tốc độ tăng năng suất thấp và tình trạng bất bình đẳng gia tăng, khiến chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trỗi dậy và gây ra nhiều trở lực cho quá trình toàn cầu hóa.
Các phiên thảo luận trong 2 ngày trước của APEC CEO Summit cũng tiếp tục đặt thêm các câu hỏi về tương lai của toàn cầu hóa, của liên kết kinh tế khu vực.
Mặc dù các CEO đều nhìn thấy cơ hội từ yêu cầu phát triển và hội nhập bao trùm, để cùng thịnh vượng đang trở thành yêu cầu quan trọng sống còn cho các nền kinh tế APEC, nhưng các giải pháp thực thi, các tiến trình cụ thể cần sự định hình trong tầm nhìn, chiến lược, chính sách phát triển của các nền kinh tế thành viên.
Với các doanh nghiệp Việt Nam, cơ hội để thực sự “sống cùng với hơi thở của các vấn đề toàn cầu hóa” được cho là một trong những lý do họ có mặt tại sự kiện tầm cỡ quốc tế, thậm chí vượt qua khỏi tầm nhìn của không ít doanh nghiệp Việt.
“Chúng tôi muốn học hỏi, tham khảo các chia sẻ thành công của các CEO hàng đầu thế giới. Muốn cảm nhận được không khí của các cuộc làm việc đỉnh cao, để hiểu rằng, doanh nghiệp Việt Nam không phải quá xa với các doanh nghiệp lớn”, bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó giám đốc Công ty cổ phần Thái Dương chia sẻ kỳ vọng.
APEC CEO Summit 2017 đón nhiều lãnh đạo các nền kinh tế APEC phát biểu hoặc tham gia làm diễn giả thảo luận, đối thoại.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu trong phiên khai mạc APEC CEO Summit 2017 tại Đà Nẵng.
Trong phiên khai mạc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài phát biểu trước 2.000 CEO toàn cầu tham dự APEC CEO Summit 2017 tại Đà Nẵng. Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nói: "APEC là cơ chế hợp tác hiệu quả nhất trong việc phát huy vai trò của doanh nghiệp, đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu và là vườn ươm của các ý tưởng mới cho tương lai. Các thành tựu đó của APEC có sự đóng góp rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà Quý vị là đại diện".
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biể tại APEC CEO Summit 2017.
Ngày 9/11, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có bài phát biểu với chủ đề Hội nhập kinh tế khu vực – bài học từ ASEAN. "Chúng tôi muốn hợp tác với các bạn thúc đẩy tăng trưởng, hợp tác hội nhập khu vực", Tổng thống Duterte nói.
Cùng ngày, ông Pedro Pablo Kuczynski, Tổng thống Peru và Enrique Pena Nieto, Tổng thống Mexico cũng dự kiến tham gia các phiên thảo luận.
Các lãnh đạo khác gồm Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Tổng thống Mexico dự kiến tham gia thảo luận.