Quốc hội Mỹ (ảnh internet)

Quốc hội Mỹ (ảnh internet)

"Cuộc chiến" trần nợ công của Mỹ đang đến gần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quốc hội Mỹ đang quan tâm đến việc khi nào chính phủ liên bang có thể sẽ hết tiền để thanh toán các hóa đơn của mình, tạo tiền đề cho cuộc chiến mới nhất trong một loạt cuộc chiến dài về "trần nợ công".

Nếu đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa thất bại trong việc tìm ra lời giải cho câu hỏi liệu việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ có nên đi kèm với việc tăng giới hạn nợ công theo luật định (hiện được đặt ở mức 28.5 nghìn tỷ đô la) thì có thể dẫn đến việc chính phủ phải đóng cửa một lần nữa.

Động thái trái ngược

"Mỗi lần xảy ra thì nó đều là một mớ lộn xộn" - Người đứng đầu đảng Cộng hòa trong Ủy ban Tài chính tại Thượng viện - Mike Crapo trả lời khi được hỏi về quá trình điều chỉnh giới hạn nợ. Ông lưu ý trong gần ba thập kỷ làm việc tại Quốc hội của mình, ông đã thúc đẩy cắt giảm chi tiêu trong các cuộc đàm phán đó và hiện tại ông sẽ tìm cách cắt giảm một lần nữa.

Cả Crapo và các thành viên đảng Cộng hòa cấp cao đều không đưa ra bất kỳ lời cảnh cáo nào về chuyện chính phủ có thể lại bị đóng cửa trong các tuyên bố gần đây và Đảng Dân chủ nhấn mạnh vào việc tăng giới hạn nợ "sạch" mà không bị cản trở bởi cuộc chiến cắt giảm chi tiêu.

Nhưng người đứng đầu đảng Cộng hòa ở Thượng viện - Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, đã cảnh báo rằng, các thành viên trong đảng của ông có khả năng sẽ không ủng hộ việc tăng giới hạn nợ, bởi vì đảng Dân chủ đang thúc đẩy dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ USD.

"Tôi không thể tưởng tượng rằng sẽ chỉ có một cuộc bỏ phiếu duy nhất của đảng Cộng hòa để tăng mức trần nợ công sau những gì chúng ta đã trải qua", ông McConnell nói. Nhưng thay vì kêu gọi ngay một cuộc thảo luận, ông đề nghị đảng Dân chủ giải quyết vấn đề giới hạn nợ bằng biện pháp chi tiêu thứ hai mà họ dự kiến sẽ thông qua mà không có phiếu bầu của đảng Cộng hòa trong một thao tác được gọi là hòa giải.

Trần nợ công luôn là chủ đề nóng của 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Mỹ

Trần nợ công luôn là chủ đề nóng của 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Mỹ

Giống như giới hạn thẻ tín dụng cá nhân, trần nợ là số tiền mà chính phủ liên bang được phép vay để hoàn thành các nghĩa vụ của mình. Chúng bao gồm từ việc trả lương cho quân nhân hay hoàn thuế IRS, cho đến trả tiền trợ cấp an sinh xã hội và các khoản thanh toán lãi suất của các khoản nợ. Vì chính phủ chi tiêu nhiều hơn số tiền ngân sách thu được, nên chính phủ phải tiếp tục duy trì hoạt động bằng cách đi vay.

Nếu Quốc hội không tăng mức trần nợ công hiện đang ở mốc 28.500 tỷ USD, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen dự kiến sẽ phải thực hiện một số bước đặc biệt để tránh việc chính phủ vỡ nợ. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ là biện pháp tạm thời.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự kiến sẽ công bố ước tính mới nhất về thời điểm chính phủ thực sự sẽ không thể thanh toán các hóa đơn của mình - được gọi là "X Date".

Đảng Dân chủ đang để mắt đến một số giải pháp để xử lý vấn đề thanh toán nợ, chẳng hạn như gắn mức tăng trần nợ vào dự luật cơ sở hạ tầng của cả hai đảng đang được đàm phán tại Thượng viện hoặc như một phần của dự thảo được thảo luận vào cuối tháng 9 để tránh chính phủ phải đóng cửa vào ngày 1/10, khi bắt đầu năm tài chính mới.

Thất bại trong việc đi đến một thống nhất chung giữa hai đảng có thể dẫn đến việc chính phủ phải ngừng hoạt động. Nước Mỹ đã chứng kiến 3 lần chính phủ phải đóng cửa. Một lần vào năm 2013, một lần vào tháng 1 năm 2018 và một lần kéo dài từ 35 ngày từ tháng 12/2018 đến tháng 1/2019.

Phố Wall đã thể hiện sự lo ngại của mình về việc nợ công đang tiến gần đến mức giới hạn khi lợi suất nợ Kho bạc Mỹ ngắn hạn đã tăng lên khoảng 0,05%, sau khi dao động gần như bằng không kể từ đầu đại dịch.

Sự hợp tác với đảng Cộng hòa trong việc thông qua tăng giới hạn nợ là điều cần thiết với đảng Dân chủ, bởi tỷ lệ tại Thượng viện của hai đảng này là khoảng 50-50. Tuy nhiên, để thông qua một đạo luật thì thường yêu cầu phải có tối thiểu 60% phiếu ủng hộ.

Thượng nghị sĩ Ron Wyden, Chủ tịch Ủy ban Tài chính của đảng Dân chủ chuyên về giám sát giới hạn nợ cho biết: "Không ai được phép bắt nền kinh tế của chúng ta làm con tin, đặc biệt là khi chúng ta đang ở trong một giai đoạn nhạy cảm như thế này, khi nước Mỹ đang tìm cách thoát khỏi những tác động tàn khốc của đại dịch COVID-19'.

Cuộc chiến về giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ được đưa ra sau khi tại Thượng viện đầu năm nay, đảng Cộng hòa thông qua một quy tắc rằng bất kỳ sự gia tăng giới hạn nợ nào cũng nên được kết hợp với cắt giảm chi tiêu.

Quốc hội Mỹ đã phê duyệt khoảng 5.700 tỷ USD dành cho các biện pháp cứu trợ liên quan đến COVID-19 kể từ đầu năm 2020 và đảng Dân chủ đang thúc đẩy hơn 4.000 tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng, trong bối cảnh thâm hụt ngân sách ước tính 3.000 tỷ USD chỉ trong năm nay thì việc mức nợ công đang dần tiến tới mức kịch trần là điều có thể lý giải được.

Giới hạn nợ công trở thành vũ khí

Mối lo về mức trần nợ công đối với đảng Dân chủ đang rất lớn, vì đảng Cộng hòa cũng đã gặp vấn đề giới hạn nợ công vào năm 2018 và 2019 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, nhất là sau khi họ cắt giảm thuế đối với những người giàu có, dự kiến ​​sẽ tăng thêm 1.800 tỷ USD vào khoản nợ của quốc gia.

Maya MacGuineas, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách liên bang Mỹ cho biết: "Tôi nghĩ rằng giới hạn nợ công đã trở thành vũ khí để các đảng gây áp lực lên đối phương và điều đó đã tạo ra một vấn đề lớn".

Một sự kiện kinh điển minh chứng cho điều này đã xảy ra vào năm 2011, khi đảng Cộng hòa phát động một cuộc chiến về giới hạn nợ công và chi tiêu liên bang, dẫn đến việc Standard & Poor's lần đầu tiên hạ cấp xếp hạng tín dụng của Mỹ. Đây là một động thái gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu.

Tin bài liên quan