Quý I/2021, ước doanh thu và lợi nhuận của Traphaco tăng 20% và 33% so với cùng kỳ 2020. Ảnh: Dũng Minh.

Quý I/2021, ước doanh thu và lợi nhuận của Traphaco tăng 20% và 33% so với cùng kỳ 2020. Ảnh: Dũng Minh.

Cuộc chạy vượt rào của các doanh nghiệp niêm yết, nhìn từ trường hợp của Traphaco và FPT

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhân sự, chiến lược 5 năm, những mảng kinh doanh, thị trường để duy trì đà tăng trưởng..., những thông tin này được nhiều nhà đầu tư săn đón để ra quyết định mua bán cổ phiếu trong mùa đại hội năm nay.

Áp lực mới của Traphaco

Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Traphaco (mã TRA) họp tuần qua có hai đề nghị của nhóm cổ đông lớn đến từ Hàn Quốc, đại diện là Tập đoàn Deawoong.

Thứ nhất là tái cấu trúc hoạt động kinh doanh theo hướng tách mảng kinh doanh Đông dược và ngoài Đông dược.

Công ty sẽ thuê một công ty tư vấn để thực hiện dự án tư vấn về việc tái cấu trúc này. Đại hội đồng cổ đông giao Hội đồng quản trị trực tiếp chỉ đạo, dự án dự kiến được hoàn thành trong vòng 4 tuần.

Thứ hai về nhân sự Tổng giám đốc, để đảm bảo thực hiện được các chỉ tiêu Đại hội giao, Hội đồng quản trị quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc Công ty nhiệm kỳ 2021 - 2025. Sau 1 năm kể từ thời điểm quyết định có hiệu lực, Hội đồng quản trị sẽ xem xét đánh giá dựa trên kết quả hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2021 và việc triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch Hội đồng quản trị giao cho Tổng giám đốc để quyết định việc tiếp tục bổ nhiệm.

Trường hợp Tổng giám đốc không hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2021 và các nhiệm vụ, kế hoạch do Hội đồng quản trị giao cho thì sẽ bị miễn nhiệm.

Hai nội dung này đã được Đại hội đồng cổ đông Traphaco thông qua.

Sở dĩ nói đáng chú ý vì kế hoạch 2021 của Traphaco không hề dễ chịu. Năm 2021, Công ty đặt mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 2.100 tỷ đồng và 240 tỷ đồng, tăng 10% và 11% so với kết quả thực hiện của năm 2020.

Kết quả năm 2020 cũng không xoàng. Cụ thể, Traphaco đã đạt 1.909 tỷ đồng doanh thu và 216,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 12% và 27% so với năm 2019.

Rõ ràng, kế hoạch năm 2021 là vô cùng thách thức và áp lực hơn cả là ghế Tổng giám đốc của Traphaco. Chia sẻ với các cổ đông về điều này, ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Công ty nói: “Đây là kế hoạch rất thách thức nhưng chúng tôi không muốn đưa kế hoạch thấp rồi dễ dàng hoàn thành. Đặt ra kế hoạch cao, sẽ là áp lực với bản thân tôi, nhưng đó cũng là động lực để tạo sức mạnh cho cả tổ chức tiến lên. Mục tiêu cao nhưng đều được chúng tôi phân tích, có cơ sở để thực hiện được, chứ không phải đặt mục tiêu cao rồi để đấy”.

Tổng giám đốc Traphaco chia sẻ thêm: “Với cách làm này, không ai có thể ngồi mãi ở một vị trí. Ngay trong bóng đá, khi ngôi sao giảm phong độ, họ phải lui lại phía sau. Tôi chấp nhận điều đó và tôi tin điều này sẽ tạo động lực cho toàn doanh nghiệp. Chúng tôi xác định năm 2021 là năm "chuẩn hóa quy trình", theo đó, Công ty tập trung vào nâng cấp và cải thiện các quy trình làm việc chưa hiệu quả, phát huy các thế mạnh cốt lõi”.

Diễn biến đại hội của Traphaco đã cho thấy yêu cầu rất cao của các cổ đông lớn, trong đó có cổ đông Daewoong. Đại diện của Tập đoàn này cho rằng, thế mạnh của Traphaco là hệ thống phân phối và kinh nghiệm trong phân phối hàng OTC sẽ được phát huy khi doanh nghiệp đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Khi cả hai mảng kinh doanh đều tăng trưởng tốt, tốc độ tăng trưởng của Công ty sẽ tiếp tục khả quan hơn trong thời gian tới.

Năm 2021, Daewoong sẽ đẩy nhanh việc chuyển giao công nghệ hàng chục sản phẩm tân dược cho Traphaco, dự kiến chuyển giao 70 sản phẩm trong 5 năm 2021 - 2025. Các nhóm tân dược tập đoàn này có thế mạnh thuộc các ngành hàng thuốc tim mạch, tiểu đường và tiêu hóa.

Áp lực lớn như vậy nên quý I/2021, ước doanh thu và lợi nhuận của Traphaco đã tăng 20% và 33% so với cùng kỳ năm trước.

Cổ đông FPT sẽ bớt hiền?

Được dự báo cũng đặt Ban lãnh đạo doanh nghiệp vào cảnh chạy vượt rào như Traphaco là Đại hội đồng cổ đông của FPT tổ chức hôm 8/4. Trong đó, mảng được “soi” kỹ nhất là chuyển đổi số.

Doanh thu từ chuyển đổi số của FPT năm 2020 đạt 3.219 tỷ đồng, cao hơn 31,2% so với năm trước đó. Tỷ trọng mảng này trong doanh thu công nghệ thông tin nước ngoài liên tục tăng 3 năm gần đây, đạt 26,8% trong năm 2020. Hai tháng đầu năm nay, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế từ chuyển đổi số là 15,1% và 16,8% so với cùng kỳ.

Market Data Forecast dự báo, thị trường chuyển đổi số toàn cầu dự kiến tăng trưởng 16%/năm so với mức tăng trưởng chung 4%/năm của ngành IT, với quy mô kỳ vọng đạt 695 tỷ USD vào năm 2025. Bởi thế, đây được coi là mũi nhọn kiếm tiền của FPT.

Lãnh đạo tập đoàn này cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu dài hạn là đứng trong Top 50 công ty hàng đầu thế giới về cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn diện vào năm 2030”.

Một trong những giải pháp FPT tập trung là thúc đẩy hệ sinh thái Made by FPT. Cho đến nay, Tập đoàn này có 77 nền tảng, giải pháp, sản phẩm và dịch vụ được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ lõi gồm AI, Blockchain, Cloud, IoT và Lowcode và có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực trọng yếu như chính phủ điện tử, giao thông, y tế, tài chính ngân hàng, viễn thông, giáo dục, sản xuất…

Năm 2020, FPT đã thương mại hóa được 29 sản phẩm, giải pháp mới giúp thúc đẩy doanh thu của nhóm sản phẩm, giải pháp Made by FPT tăng trưởng 51% so với cùng kỳ, đạt 500 tỷ đồng. Năm 2021, Tập đoàn đặt mục tiêu dự kiến hệ sinh thái công nghệ Made by FPT tăng trưởng doanh thu 50% và có thêm ít nhất 10 sản phẩm, giải pháp mới.

Có tham vọng và tạo động lực để hiện thực hóa các tham vọng được đánh giá là giải pháp sẽ được nhiều doanh nghiệp niêm yết đặt ra trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay. Đây cũng là xu hướng cổ đông của các doanh nghiệp nên quan tâm và thúc đẩy.

Giáo sư Phan Văn Trường, Cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp từng chia sẻ: "Ở những nền kinh tế tư bản thuần túy, bất cứ lãnh đạo nào mới được bổ nhiệm đều nhận được một văn bản nêu rõ những chỉ tiêu mình phải đạt theo mốc thời gian. Loại văn bản này luôn ghi rõ luật chơi, cũng như đề xuất rõ những mức thưởng tùy theo mức đạt chỉ tiêu.

Luật chơi rất đơn giản. Bất chấp có lỗi hay không có lỗi, bất chấp lỗi từ đâu dẫn tới, lãnh đạo nào không đạt chỉ tiêu sẽ phải rút lui. Không những thế, chỉ cần vài triệu chứng sơ khởi cho thấy sẽ không đạt chỉ tiêu là lãnh đạo cũng có khả năng bị phế truất sớm.

Ở Pháp và Tây Âu nói chung, ngay từ những năm 1990 trở đi, người đứng ở vị trí lãnh đạo có cảm nhận là mình đang bị dẫn vào một cuộc thi nhảy sào thường trực.

Khi bạn vượt chỉ tiêu, ví dụ 8% lợi nhuận và đạt thêm 15% cho niên khóa thì ngay lập tức, hội đồng quản trị sẽ nâng sào lên mốc cao hơn. Ở chỗ này, bạn phải mạnh dạn thương thuyết với chính ông chủ của mình là hội đồng quản trị.

Ở Hoa Kỳ, người lãnh đạo không những phải chịu áp lực trên chỉ tiêu lợi nhuận, doanh số, mà còn trên cả mức giá cổ phiếu. Điều này “ác ôn” hơn nhiều, vì ai cũng biết thị trường chứng khoán biến đổi rất nhanh chóng, khó lòng dự báo trước.

Cổ đông lúc nào cũng như kẻ đói khát, không bao giờ vừa lòng. Steve Jobs từng bị đẩy ra khỏi Apple (năm 1985), trong khi chính ông là người sáng lập Công ty. Không làm đúng chỉ tiêu thì xin mời bạn ra cửa, có thế thôi, cho dù bạn có là “bồ tèo của Thượng đế”.

Tin bài liên quan