Đổi tên, nâng tầm Cuộc bình chọn báo cáo thường niên
Trải qua hành trình 10 năm, Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất tại Việt Nam đã lan tỏa, nâng cao ý thức trách nhiệm, thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp trong việc làm tốt báo cáo thường niên, cải thiện ý thức và chuẩn mực công bố thông tin, giúp các nhà đầu tư tiếp cận thông tin tốt hơn đối với các doanh nghiệp niêm yết.
Theo thời gian, nhiều doanh nghiệp đã thực thi tốt công tác quản trị rủi ro, quan hệ với nhà đầu tư, thiết lập báo cáo phát triển bền vững và quản trị doanh nghiệp theo các thông lệ tốt, trong đó đã có những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đạt giải cao trong cuộc thi Báo cáo thường niên quốc tế.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, đồng Trưởng Ban tổ chức Cuộc bình chọn cho biết, Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất đã hoàn tất chặng đường 10 năm đầu tiên và từ nay sẽ mở ra một hành trình mới với sứ mệnh góp sức nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên sân chơi tài chính quốc tế.
Trong bối cảnh quy mô thị trường gia tăng, những yêu cầu về chuẩn mực minh bạch, công khai và quản trị tiên tiến khắt khe hơn, Cuộc bình chọn sẽ đổi mới theo hướng mở rộng cả về chiều rộng và chiều sâu. Từ năm 2018, Ban Tổ chức quyết định đổi tên Cuộc bình chọn thành “Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết” và thực hiện một số điểm đổi mới nhằm nâng cao mức độ giám sát sự minh bạch.
Trong buổi họp báo Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2018, ông Lê Hải Trà, Phụ trách điều hành HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) - Trưởng ban Tổ chức kiêm Chủ tịch Hội đồng bình chọn cho biết, với tên gọi cũ, phạm vi của Cuộc bình chọn bị bó hẹp hơn so với nội dung thực tế đánh giá các doanh nghiệp niêm yết. Sau nhiều tham khảo và cân nhắc, Ban Tổ chức quyết định tên mới của Cuộc bình chọn theo hướng trực diện đến đối tượng nhắm đến là “các doanh nghiệp niêm yết” trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo ông Trà, Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết năm nay là nền tảng cho các năm tiếp theo để có thêm các giải thưởng khác, như giải thưởng dành cho các CEO (Tổng giám đốc), nhưng vẫn tập trung vào đối tượng rất rõ ràng là doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Xây dựng bộ tiêu chí quản trị công ty riêng
Năm 2012, Thông tư 121/2012/TT-BTC được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xây dựng và Bộ Tài chính ban hành. Đây là văn bản luật hóa quy chuẩn về quản trị đầu tiên, đã đặt nền móng, thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng hướng đến và tuân thủ những nguyên tắc quản trị công ty hiện đại.
Những tiêu chí về quản trị công ty cũng nhanh chóng được đưa vào Cuộc bình chọn và xây dựng một “bộ” giải về quản trị công ty trong hệ thống giải thưởng Báo cáo thường niên. Trải qua các năm, nội dung về quản trị công ty trong báo cáo thường niên ngày càng được thể hiện tốt hơn khi các công ty đã tiến đến thực hiện các thông lệ tốt về quản trị doanh nghiệp.
Năm 2018, nội dung quản trị công ty trong Cuộc bình chọn sẽ được đổi mới hơn nữa. Theo đó, Ban Tổ chức xây dựng một bộ tiêu chí riêng về quản trị công ty nhằm đánh giá sâu hơn tình hình thực thi của doanh nghiệp niêm yết.
Bộ tiêu chí được hình thành trên nguyên tắc quản trị công ty của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cùng nhiều câu hỏi phù hợp với các quy định hiện hành về quản trị công ty và tình hình thực tế của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Trà, trong xu thế hội nhập, quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức bởi phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức, còn nhiều thiếu sót trong việc tuân thủ lẫn năng lực thực hiện.
So với các thị trường trong khu vực, điểm quản trị công ty của Việt Nam vẫn rất thấp. Do vậy, Cuộc bình chọn đặt mục tiêu nâng chuẩn mực quản trị công ty của Việt Nam lên cao hơn nữa. Các khuôn khổ về quản trị công ty tại ASEAN cũng sẽ được đưa vào tiêu chí chấm điểm quản trị công ty Việt Nam.
“Chúng tôi không thỏa hiệp về chuẩn mực”, ông Trà nhấn mạnh.
Về cách chấm điểm, Hội đồng bình chọn không chỉ đánh giá các nội dung liên quan quản trị công ty dựa trên các thông tin từ báo cáo thường niên, mà còn dựa trên các thông tin tin cậy mà doanh nghiệp cung cấp rộng rãi ra thị trường (trong khoảng thời gian từ 1/1/2017 đến 30/4/2018) qua các nguồn khác như website của doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Bên thứ ba độc lập sẽ được mời thực hiện đánh giá sơ khảo nội dung quản trị công ty. Kết quả sơ khảo đánh giá nội dung quản trị doanh nghiệp và cả báo cáo thường niên sẽ được soát xét bởi 4 công ty kiểm toán hàng đầu là Deloitte, Ernst & Young, KPMG và PwC nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan và chuyên sâu trong việc xét chọn trước khi vào vòng chung khảo.
Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2018 là nền tảng cho các năm tiếp theo có thêm các giải thưởng khác, như giải thưởng dành cho các CEO nhưng vẫn tập trung vào chủ thể là doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam
Các công ty kiểm toán hàng đầu sẽ thực hiện chấm chéo và doanh nghiệp là khách hàng của công ty kiểm toán nào thì công ty kiểm toán đó sẽ không được chấm báo cáo. Trong trường hợp phát hiện sai sót có tính trọng yếu, các công ty kiểm toán sẽ có ý kiến và ngồi cùng với Hội đồng bình chọn để có sự trao đổi, thống nhất.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital – đơn vị tài trợ duy nhất cho Cuộc bình chọn chia sẻ: “Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá rất cao quyết tâm của Ban Tổ chức trong việc đổi mới Cuộc bình chọn, nhất là đặt trọng tâm nhiều hơn vào nội dung quản trị công ty - vấn đề đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và kỳ vọng từ các nhà đầu tư, các đối tác hữu quan”.
Cơ hội cho các khối doanh nghiệp tỏa sáng
Thay đổi đáng kể tiếp theo trong VCA 2018 là đối tượng tham gia cuộc bình chọn là các doanh nghiệp niêm yết trên hai Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM và Hà Nội thuộc rổ chỉ số VNX Allshare và được chia thành 3 nhóm theo quy mô vốn hóa thị trường (lớn, vừa và nhỏ), thay vì chấm toàn bộ tất cả các doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn như mọi năm.
Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM, thành viên Ban Tổ chức Cuộc bình chọn cho biết, theo thống kê đến cuối tháng 3/2018, nhóm vốn hóa lớn (Large Cap) chỉ có 50 doanh nghiệp, trong khi các nhóm còn lại rất đông, như nhóm vốn hóa vừa (Mid Cap) 150 doanh nghiệp, nhóm vốn hóa nhỏ (Small Cap) có tới 279 doanh nghiệp. Vì vậy, việc lựa chọn Top 5 cho nhóm Large Cap và Top 10 cho nhóm Mid Cap và Small Cap nhằm đảm bảo tỷ lệ của nhóm Large Cap không quá lớn so với các nhóm còn lại.
Vì thay đổi đối tượng tham gia nên cơ cấu giải thưởng Cuộc bình chọn VCA 2018 cũng có sự điều chỉnh tương ứng, tức hệ thống giải thưởng vẫn gồm 3 nhóm chính là giải báo cáo thường niên, giải quản trị công ty và giải báo cáo phát triển bền vững, nhưng trong mỗi nhóm giải sẽ chia tiếp thành từng nhóm vốn hóa, thay vì chọn ra Top 50 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất; hay giải nhất, nhì, ba về quản trị công ty, báo cáo phát triển bền vững để vinh danh như các năm trước.
Chủ tịch Hội đồng bình chọn Lê Hải Trà cho rằng, việc chọn các báo cáo tốt nhất của mỗi nhóm vốn hóa (lớn, vừa và nhỏ) để trao giải nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có quy mô vốn vừa và nhỏ tham gia cạnh tranh giải và có cơ hội được tôn vinh. Tương tự, đối với giải quản trị công ty, Ban Tổ chức cũng sẽ lựa chọn 5 doanh nghiệp tốt nhất của mỗi nhóm vốn hóa để trao giải thay vì chỉ trao giải nhất, nhì, ba như năm ngoái.
Bên cạnh đó, Cuộc bình chọn năm 2018 tiếp tục duy trì phần bình chọn báo cáo phát triển bền vững. Hạng mục này do phía ACCA đảm trách khâu chấm điểm chi tiết.
Kết quả vòng chấm sơ khảo dự kiến sẽ công bố ngày 31/8/2018, thời gian hoàn tất chấm chung khảo là 15/9/2018. Lễ công bố và vinh danh các doanh nghiệp đoạt giải dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 10/2018.
Kỳ 2: Những thông tin cần biết về Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2018