Cần có hệ thống DN đủ mạnh để nhận vốn đầu tư vào vùng khó khăn

Cần có hệ thống DN đủ mạnh để nhận vốn đầu tư vào vùng khó khăn

Cung vốn vào vùng khó khăn, vấn đề là sức hấp thụ

(ĐTCK) Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên lần thứ 3 hàng loạt doanh nghiệp “ước mong” được cung vốn giá rẻ vào những khu vực còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những khu vực này liệu đã sẵn sàng để đón nhận luồng vốn “khủng”?

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên lần thứ 3, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành kiến nghị, các cơ quan quản lý cần xem xét để sớm có một gói tín dụng dài hạn và ưu đãi cho ngành trồng rừng lấy gỗ tại Tây Nguyên, gắn với chế biến tinh chế sản phẩm gỗ xuất khẩu và trang trí nội thất cho thị trường nội địa với quy mô 5.000 tỷ đồng, hình thức tái cấp vốn qua NHTM, thời hạn vay 10 năm, thời gian giải ngân gói vay 5 năm hoặc khi hết 5.000 tỷ đồng tùy thuộc vào điều kiện nào đến trước.

“Để nâng cao giá trị của sản phẩm thu hoạch từ rừng trồng, đòi hỏi đầu tư nhà máy hiện đại và công nghệ chế biến sâu thành sản phẩm sử dụng ngay để xuất khẩu cho các quốc gia phát triển… và việc này đang cần nguồn vốn dài hạn”, ông Võ Trường Thành nói.

Ông Nguyễn Tiến Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BV Pharma, Ủy viên Ban chỉ đạo phát triển dược liệu, Bộ Y tế đề nghị: “Cây dược liệu được hỗ trợ vay vốn trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi để xây dựng vùng trồng, sản xuất giống và nhà máy chế biến”…

Trên đây chỉ là những kiến nghị điển hình trong hàng loạt “ước mong” được cung vốn giá rẻ vào những khu vực còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những khu vực này liệu đã sẵn sàng để đón nhận luồng vốn “khủng”?

Trao đổi với ĐTCK, các lãnh đạo NHNN khu vực Tây Nguyên cho biết, thực tế, cho vay của hệ thống NHTM tại khu vực này không phải là nhỏ.

Cụ thể, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tại khu vực Tây Nguyên trong 3 năm gần đây chiếm tỷ lệ trên 70% dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn.

Riêng Agribank, tính đến 30/4/2015, dư nợ trên địa bàn đạt 46.038 tỷ đồng (chiếm 8,2% tổng dư nợ của Agribank), tăng 1.082 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm thị phần khoảng 32% so với dư nợ các TCTD trên địa bàn.

Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 43.737 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 93,5% trong tổng dư nợ của các chi nhánh Agribank trên địa bàn và chiếm thị phần trên 60% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng BIDV Chi nhánh Đắk Lắk cho biết: “Tổng quy mô dư nợ tín dụng của BIDV trên địa bàn Đắk Lắk tính đến 31/12/2014 đạt 8.000 tỷ đồng”.

“LienVietPostBank, Him Lam đã ký với Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung bản ghi nhớ, trong đó riêng Lâm Đồng sẽ được đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng cho việc trồng cây mắc-ca và các đối tượng khác. Ngân hàng cũng duy trì cho vay 20.000 tỷ đồng trong 10 năm nữa cho Tây Nguyên để phục vụ các dự án phát triển cây mắc-ca kết hợp tái canh cây cà phê, trồng xen giữa cà phê và mắc-ca”, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực LienVietPostBank chia sẻ.

Tuy nhiên, để nguồn vốn ngân hàng thực sự “đến được” và góp phần cải thiện đời sống kinh tế những vùng khó khăn, câu chuyện không chỉ riêng ngành ngân hàng.

Nói như bà Phạm Thị Vạn Thanh, Giám đốc VietinBank Lâm Đồng là, rất cần “sự phối hợp, gắn kết 4 nhà trong chuỗi sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp theo các mô hình liên kết, mô hình áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, mô hình liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu còn một số hạn chế…”.

Bên cạnh đó, để các khu vực khó khăn hấp thụ vốn, cần một chính sách thuế phù hợp. Đó là điều ông Nguyễn Danh Lương, Phó tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ.

Cụ thể là cần tạo cơ sở pháp lý cho phép các địa phương tại khu vực Tây Nguyên có thể áp dụng chính sách thuế ưu đãi hơn so với các địa bàn kinh tế khác. Mục tiêu nhằm thu hút dòng vốn đàu tư vào địa bàn, trong đó lưu ý khuyến khích đối với các DN chế biến nhằm gia tăng giá trị của hàng hóa trên địa bàn…

Ông Hanaoka Takaya, Tổng giám đốc Công ty TNHH An Phú Lacue nhận xét, tình trạng sản xuất ở Lâm Đồng nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung vẫn còn đang trong các mô hình nhỏ và lẻ, sản xuất rải rác chưa tập trung và cơ sở hạ tầng vẫn còn nhiều hạn chế (đường xá, nguồn điện 3 pha, mạng thông tin…). Do đó, sự hỗ trợ về vốn ưu đãi của Nhà nước là không thể thiếu.

“Có lẽ các DN nên rạch ròi hơn, đặc thù của hệ thống NHTM chủ yếu huy động nguồn vốn tạm thời, nhàn rỗi trong nền kinh tế, vì vậy, nguồn vốn trung và dài hạn chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng nguồn vốn và buộc phải tính toán đến lợi nhuận cũng như bảo toàn vốn. Để có một tỷ trọng vốn đủ lớn để đầu tư phát triển kinh tế cho một vùng địa lý rộng lớn như Tây Nguyên, vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ các NHTM để họ đủ tự tin cung vốn cho những vũng khó khăn là đặc biệt cần thiết”, một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.  

Tin bài liên quan