Cung vốn bó tay khi cầu nhỏ giọt

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho rằng, để khơi được dòng chảy tín dụng, không chỉ cần giảm lãi suất hay ngân hàng chủ động cung ứng vốn, mà yếu tố quan trọng nhất vẫn sức cầu vốn phải tăng.
Cung vốn bó tay khi cầu nhỏ giọt

Xin ông cho biết kết quả thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN trên địa bàn nửa đầu năm nay?

Trong 5 tháng đầu năm, NHNN TP. HCM đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN bên cạnh việc giảm lãi suất. Cụ thể, với chương trình kết nối ngân hàng – DN mà NHNN TP. HCM tổ chức tại 12/24 quận, huyện, gần 9.000 tỷ đồng được cho vay 389 khách hàng.

Đối với chương trình bình ổn thị trường, đến nay, trên địa bàn, đã có 8 NHTM xem xét cấp tín dụng cho 17 DN và 1 liên hiệp tác xã, với hạn mức gần 1.750 tỷ đồng và dư nợ đạt hơn 317 tỷ đồng. Các NHTM cam kết hỗ trợ nguồn vốn 8.300 tỷ đồng, trong đó 2.150 tỷ đồng cho trung, dài hạn và 6.150 tỷ đồng cho ngắn hạn, lãi suất 5,5%/năm.

Ngoài ra, NHNN Chi nhánh TP. cũng đề nghị các NHTM tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn ngân hàng, đẩy mạnh tín dụng. Qua đó, có thể khơi thông dòng chảy tín dụng, nhằm đạt mục tiêu doanh số cho vay tăng ít nhất 50% so năm 2013, với khoảng 20.000 tỷ đồng.

Mặt bằng lãi suất cho vay thực tế đã giảm như thế nào, thưa ông?

Lãi suất cho vay tiền đồng tương đối ổn định. Đối với lĩnh vực ưu tiên ở mức 7 - 8%/năm. Thậm chí, một số DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hiệu quả được vay dưới mức lãi suất chỉ từ 6 - 7%/năm. Lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9 - 10,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 11 - 12,5%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.

Trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành các mức lãi suất để kiểm soát và điều tiết lãi suất thị trường theo hướng giảm dần phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến lạm phát để góp phần ổn định thị trường tiền tệ.

NHNN sẽ tiến hành rà soát tình hình áp dụng lãi suất của các TCTD cho vay đối với các khoản nợ hiện hành của khách hàng phù hợp với mặt bằng lãi suất và thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.

Vì sao dư nợ của nhóm 5 lĩnh vực ưu tiên vẫn tăng chậm, dù lãi suất thấp?

Tại khu vực TP. HCM, dư nợ tín dụng của 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên tính đến ngày 22/5 đạt 134.646 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ giải ngân cho DNVVN chiếm cao nhất (chiếm 62%). Lãi suất tối đa đối với khu vực này là 8%/năm, thậm chí, nhiều ngân hàng còn điều chỉnh giảm thêm đối với DN có sức khỏe tốt. Có thể, do sức mua của thị trường thời gian qua chưa được cải thiện nhiều, nên nhu cầu vốn của DN chưa tăng cao.

Thực tế, các NHTM đã rầm rộ đưa ra các gói vốn để cho vay, với lãi suất được cho là ưu đãi, không chỉ với lĩnh vực bất động sản có gói kích cầu mà với các lĩnh vực khác, khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang khá dôi dư. Nhưng đó chỉ mới là dấu hiệu tích cực từ phía đơn vị cung vốn ra thị trường. Cầu về vốn mới mang tính chất quyết định đồng vốn có ra được thị trường hay không.

Tin bài liên quan