Những sắc màu trái ngược
Năm 2017 có thể xem là một năm thành công với các doanh nghiệp cao su tự nhiên. Từ mức 150 Yên/kg tháng 8/2016, giá mủ cao su trên sàn Tokyo (Tocom) đã liên tục tăng mạnh và đạt đỉnh 331 Yên/kg vào tháng 4/2017. Dù sau đó giảm trở lại, nhưng phần lớn thời gian trong năm vẫn duy trì trên mức 200 Yên/kg, bình quân cả năm tăng khoảng 36% so với 2016.
Tại CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) - một trong những đơn vị có diện tích sản xuất lớn nhất cả nước, báo cáo tài chính 2017 cho biết, PHR đạt doanh thu 1.653 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 411,9 tỷ đồng, tăng lần lượt 40,3% và 58,7% so với 2016, vượt kế hoạch đạt ra. Bên cạnh sản lượng tiêu thụ tăng, giá bán bình quân đạt 40,39 triệu đồng/tấn, tăng 30,97% so với 2016 trở thành nguyên nhân chính thúc đẩy lợi nhuận PHR tăng trưởng.
Tương tự, CTCP Cao su Đồng Phú (DPR), CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) và CTCP Cao su Thống Nhất (TNC) cũng đạt mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận khá tốt trong 2017.
Tại DPR, giá bán tăng giúp biên lợi nhuận gộp 2017 đạt 30,8% so với 25,2% của 2016, lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 287,3 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2016, vượt 50% kế hoạch. Tại TNC, tổng doanh thu 2017 vượt 21,89% kế hoạch, trong đó doanh thu bán từ cao su tăng 30,3%, lợi nhuận trước thuế tăng 24,1%, vượt 25,8% kế hoạch. Tại TRC, doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2017 cũng tăng 15,8% và 110,9% so với 2016.
Trong khi ngành cao su tự nhiên hưởng nhiều thuận lợi, các doanh nghiệp ngành săm lốp lại trải qua một năm chật vật khi một mặt đối diện với sức ép cạnh tranh từ săm lốp nhập khẩu, mặt khác giá cao su nguyên liệu tăng khiến biên lợi nhuận giảm mạnh.
Báo cáo tài chính 2017 của CTCP Cao su Miền Nam (CSM) cho thấy, dù doanh thu tăng 7% so với 2016, nhưng giá vốn tăng nhanh hơn, đạt 18,3% đã khiến lợi nhuận gộp giảm tới 46,4% so với cùng kỳ. Cùng với chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng, lợi nhuận trước thuế cả năm của CSM giảm 78,8% so với 2016, chỉ hoàn thành 20,2% kế hoạch.
Tình cảnh cũng tương tự tại CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) biên lợi nhuận gộp từ 20,6% trong 2016 đã giảm xuống 11,94% trong 2017 khiến lợi nhuận trước thuế giảm 60,4% và chỉ hoàn thành 38,5% kế hoạch cả năm dù doanh thu tăng 8,1%. Tại CTCP Cao su Sao Vàng (SRC), biên lợi nhuận gộp 2017 cũng giảm 20% so với 2016, từ 20% xuống 16% khiến lợi nhuận trước thuế giảm 48,7% và chỉ hoàn thành 46,4% kế hoạch.
Năm 2016, lượng cổ tức tiền mặt mà DRC chi trả cho cổ đông là 28%, CSM là 23%, SRC là 16%. Tình trạng lợi nhuận 2017 giảm mạnh và tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thấp khiến cổ đông các doanh nghiệp săm lốp chưa dám hy vọng vào những con số tích cực trong kế hoạch phân phối lợi nhuận dù hầu hết các doanh nghiệp sẽ đại hội cổ đông vào cuối tháng 4 tới đây.
Nếu giá cao su tự nhiên giảm mạnh thì sao?
Trái ngược với diễn biến tích cực trong năm 2017, từ đầu năm 2018, giá mủ cao su trên thị trường thế giới lại liên tục giảm mạnh. Trong phiên 23/3/2018, giá cao su tự nhiên trên sàn Tokyo đã xuống đến 174,5 Yên/kg, thấp nhất 17 tháng trở lại đây. Đến nay, giá mặt hàng này đã mất 44% so với mức đỉnh cuối tháng 1/2017.
Trước rủi ro giá bán đầu ra sụt giảm, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành cao su tự nhiên đều khá dè dặt với kế hoạch đặt ra cho 2018.
Tại PHR, dù sản lượng tiêu thụ 2018 dự kiến tăng 10,8%, nhưng với giá bán bình quân kế hoạch chỉ 37,01 triệu đồng/tấn, giảm 8,4% so với thực hiện 2017, PHR lên kế hoạch doanh thu chỉ tăng 1,5% trong 2018. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế có phần tích cực hơn nhờ kỳ vọng thu nhập từ thanh lý cây cao su, khu công nghiệp, gỗ…bù đắp cho lợi nhuận bán mủ sụt giảm.
DPR cũng lên kế hoạch 2018 với giá bán giá bán mục tiêu 36,56 triệu đồng/tấn, giảm 8,4% so với bình quân năm 2017, chỉ tiêu doanh thu tiêu thụ cao su, dịch vụ theo đó giảm 12,5%, lợi nhuận gộp giảm 25,4% so với mức thực hiện năm 2017.
TNC cũng lên kế hoạch 2018 với doanh thu, lợi nhuận trước thuế giảm 2,6% và 14,7% so với thực hiện 2017. Trong khi đó, kế hoạch doanh thu, lợi nhuận của TRC lần lượt giảm 1,15% và 31,56%, trên cơ sở kế hoạch giá bán bình quân mủ khai thác và mủ thu mua giảm 9,4% và 5,6% so với thực hiện 2017.
Dù các doanh nghiệp cao su còn có nguồn thu đáng kể từ thanh lý vườn cây, thu nhập tài chính…, nhưng nếu giá cao su không sớm hồi phục, áp lực duy trì doanh thu, lợi nhuận năm nay ngang bằng 2017 sẽ rất lớn, thậm chí khó tránh rủi ro sụt giảm.
Mặt khác, với đặc điểm là ngành thâm dụng lao động, chi phí nhân công bình quân thấp, nhưng lại chiếm tỷ trọng cao trong giá vốn thì chính sách đóng bảo hiểm xã hội theo lương thực nhận, bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác từ 1/1/2018 cũng được dự báo sẽ ảnh hưởng đáng kể, làm tăng cơ cấu chi phí của các doanh nghiệp.
Kỳ vọng cú huých từ Vinachem thoái vốn
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp săm lốp đang triển khai đầu tư mạnh vào các dự án lốp cao su toàn thép (lốp radian), đây sẽ là động lực tăng trưởng chủ yếu trong những năm tiếp theo, không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn hướng về xuất khẩu.
Cùng với đó, thông tin về khả năng thoái vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang được nhà đầu tư chú ý với nhóm doanh nghiệp săm lốp.
Vinachem hiện là cổ đông lớn tại cả 3 doanh nghiệp săm lốp niêm yết, tỷ lệ nắm giữ tại DRC là 50,51%, CSM là 36,43% và SRC là 51,01%, qua đó có khả năng chi phối từ chính sách kinh doanh, đầu tư đến phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp. Sự góp mặt của Vinachem là nhân tố quan trọng giúp các doanh nghiệp phân chia sức ảnh hưởng tại ba miền khá rõ rệt: SRC tại miền Bắc, DRC tại miền Trung và CSM tại miền Nam, tránh đối đầu, giẫm đạp thị trường và cạnh tranh trực tiếp giữa các công ty con.
Theo kế hoạch tái cấu trúc đã được phê duyệt tại Quyết định số 16/QĐ-TTg về Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, Vinachem sẽ thoái vốn tại một loạt doanh nghiệp, trong đó, DRC, CSM và SRC dự kiến thoái vốn về 36%.
Sau câu chuyện bán vốn Nhà nước thành công vượt dự kiến tại SAB, VNM trong năm 2017 và mới nhất là BMP trong tháng 3/2018, thị trường đang kỳ vọng việc Vinachem thoái vốn sẽ là động lực hỗ trợ thị giá cổ phiếu trong ngắn hạn và về dài hạn mở ra cơ hội tham gia cho các cổ đông chiến lược, thoát dần bóng Nhà nước, đem lại làn gió mới trong quản trị, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Mặc dù chưa nhiều đại hội đồng cổ đông của khối doanh nghiệp ngành cao su được tổ chức, nhưng một số doanh nghiệp trong ngành nhận được những dự báo lạc quan. Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo, doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2018 của DRC sẽ tăng lần lượt 11,7% và 19,4% so với năm 2017.
Lạc quan hơn, CTCP Chứng khoán TP.HCM đánh giá năm 2018, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của DRC có thể tăng 18,6% và 40,7%. Với CSM, báo cáo tháng 3/2018 của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) dự kiến, doanh thu 2018 có thể tăng 8%, trong khi lợi nhuận trước thuế tăng 81% so với thực hiện 2017.
Tuy vậy, bức tranh của nhóm doanh nghiệp săm lốp vẫn không hoàn toàn lạc quan khi còn phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, đó là áp lực cạnh tranh với sản phẩm của những doanh nghiệp FDI, cạnh tranh từ săm lốp nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc - sản phẩm có giá bán thấp hơn khoảng 20%, cùng với chi phí lãi vay, khấu hao của các nhà máy mới, cũng như diễn biến thất thường từ giá nguyên liệu.