Cùng DN bước vào thị trường Nga

Cùng DN bước vào thị trường Nga

(ĐTCK) Nhiều DN trong ngành xuất nhập khẩu đã đến tham dự Hội thảo “Cung cấp thông tin về thị trường Liên bang Nga” do Sở Công thương Hà Nội, Đại sứ quán và Cơ quan Thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam tổ chức, với sự tham gia phối hợp của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vào sáng 7/9/2012.

Cùng DN bước vào thị trường Nga  ảnh 1

MB đang dành gói tín dụng ưu đãi tới 10.000 tỷ đồng cho các DN xuất nhập khẩu

 

Cuộc hội thảo không chỉ cung cấp thông tin tổng quan về mối quan hệ kinh tế hai nước, nhu cầu hàng hóa xuất nhập khẩu, về chính sách thuế, các thủ tục hành chính, hải quan…, mà tại đây, các DN còn được tiếp cận trực tiếp với gói thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại trị giá tới 10.000 tỷ đồng, cùng nhiều sản phẩm dịch vụ dành riêng cho đối tượng DN xuất nhập khẩu của MB. Phó tổng giám đốc MB, ông Đỗ Văn Hưng khẳng định, MB sẽ nỗ lực cao nhất để đồng hành cùng các DN bước vào thị trường Nga, góp phần phát triển quan hệ thương mại Việt - Nga xứng đáng với truyền thống và tiềm năng vốn có của hai nước…

 

Quan hệ thương mại Việt - Nga: mục tiêu 5 tỷ USD kim ngạch XNK năm 2015

Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công thương cho biết, quan hệ kinh tế thương mại Việt - Nga được phát triển trên mối quan hệ truyền thống lâu đời, từ thời Liên Xô cũ. Bắt đầu từ năm 2001, mối quan hệ kinh tế hai nước được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ; đặc biệt, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga  những năm gần đây tăng trưởng đều đặn. Năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu Việt - Nga đạt 1,86 tỷ USD, con số này của năm 2010 là 1,82 tỷ USD và đến năm 2011, Việt Nam xuất siêu sang Nga 593 triệu USD, tổng kim ngạch XNK với Nga đạt gần 2 tỷ USD. Mục tiêu đặt ra là kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Nga sẽ đạt 3 tỷ USD vào năm 2012; 5 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020.

Theo bà Ngọc, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu hai nước có tính bổ sung cho nhau. Theo đó, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc thiết bị; các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là điện thoại các loại và linh kiện, thủy hải sản, hàng dệt may, giày dép, rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, chè…

Tuy vậy, nếu nhìn trên bình diện tổng thể thì kim ngạch thương mại Việt Nam - Nga chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch thương mại của từng nước. Làm thế nào để tăng cường mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước là mục tiêu chung của cả hai quốc gia có quan hệ truyền thống đặc biệt này? Điều thuận lợi là trong sắc lệnh về chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Nga V. Putin mới đây đã xếp Việt Nam vào nhóm các đối tác quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương, ngay sau Trung Quốc và ngang với Ấn Độ. Bên cạnh đó, kể từ ngày 22/8 vừa qua, Nga đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mở ra cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ thương mại giữa Nga với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong bản đồ kinh tế thế giới, Liên bang Nga là nền kinh tế lớn thứ 9, với tổng kim ngạch XNK năm 2011 khoảng 800 tỷ USD. Với lợi thế thị trường rộng lớn và nguồn tài nguyên dồi dào, thị trường Nga là một địa chỉ hấp dẫn với các DN, đặc biệt là với các DN trong những nước như Việt Nam, vốn có mối quan hệ kinh tế truyền thống và bền chặt với Nga.

Phó tổng giám đốc MB, ông Đỗ Văn Hưng nhận định, trong những năm gần đây, thị trường Nga là đích đến của nhiều DN Việt Nam. Thị trường Nga cũng không phải là thị trường khắt khe đối với hàng hoá Việt Nam . Cũng theo ông Hưng, ít có thị trường nào mà DN Việt có nhiều thuận lợi như thị trường Nga, vì ở đây có nhiều DN do người Việt quản lý và kinh doanh trong các lĩnh vực từ xây dựng, bất động sản, sản xuất hàng tiêu dùng, bán buôn bán lẻ..., nên vào thị trường Nga, các DN Việt Nam sẽ được sự hậu thuẫn và hỗ trợ rất lớn của các DN Việt Nam đã có lịch sử làm việc lâu dài tại Nga, có các mối quan hệ, sự hiểu biết văn hoá kinh doanh cũng như văn hoá của nước bản địa, ngôn ngữ, kinh nghiệm làm việc trong môi trường mới. Hơn nữa, những mặt hàng hoá của Việt Nam cũng đã quen với người Nga và hàng hoá của Việt Nam cũng được người Nga rất ưa chuộng.

 

Vào thị trường Nga, cách nào?

Vào thị trường Nga, cách nào? Đó là một trong những câu hỏi được nhiều DN quan tâm hiện nay. Theo bà Khánh Ngọc, khi gia nhập WTO, Nga đã cam kết cắt giảm thuế quan đối từng nhóm mặt hàng chính. Theo đó, trong danh mục ưu đãi thuế quan có các chương về thủy sản, gạo, cà phê, chè, rau quả... Các DN Việt Nam muốn thâm nhập hoặc mở rộng thị trường tại Nga cần nghiên cứu kỹ các cam kết gia nhập WTO của Nga để sớm tận dụng được những cơ hội mở cửa thị trường của Nga. Ngoài mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, DN có thể tìm kiếm các cơ hội đầu tư và cung cấp dịch vụ vào Nga. Cũng theo bà Khánh Ngọc, trong điều kiện chính trị - kinh tế thuận lợi như hiện nay, các DN cần tích cực và chủ động tìm kiếm cơ hội mở rộng kinh doanh hợp tác với thị trường Nga. DN có thể tìm sự hỗ trợ thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội cũng như liên hệ trực tiếp với các Bộ, ngành, cơ quan nhà nước...

Bên cạnh đó, thông qua những tổ chức này, DN còn có thể tham vấn với Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề liên quan đến chính sách để chuẩn bị cho quá trình đàm phán thành lập Khu thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan), dự kiến sẽ khởi động phiên họp đầu tiên vào quý I/2013. Theo Bộ Công thương, Việt Nam là nước được Liên minh Hải quan đàm phán FTA đầu tiên trong danh sách các nước muốn tham gia liên minh này.

Tại MB, để phục vụ các giao dịch thanh toán và ngân hàng, tài chính của DN thương mại giữa hai nước, ông Hưng cho biết, ngay từ ngày đầu thành lập, MB đã chú trọng mở rộng quan hệ hợp tác với các ngân hàng của Liên bang Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ. Hiện nay, MB đã thiết lập quan hệ đại lý với 20 ngân hàng tại Nga, bao gồm các ngân hàng của Nga và chi nhánh các ngân hàng nước ngoài tại Nga. Đặc biệt, một số ngân hàng đại lý truyền thống của MB như Ngân hàng tiết kiệm Liên bang Nga (Sberbank), Ngân hàng TMCP Nga (Rosbank), Ngân hàng Ngoại thương Nga (Vnestorgbank),  Ngân hàng Promsvyazbank, Ngân hàng MOSCOW, ngân hàng Phát triển khu vực toàn Nga…

Ngoài nỗ lực tư vấn, hỗ trợ trực tiếp các DN tìm hiểu để tham gia các thị trường xuất khẩu, trong đó có thị trường Nga, Ngân hàng MB đang dành gói tín dụng ưu đãi tới 10.000 tỷ đồng cho các DN thuộc đối tượng này. Hàng trăm DN thuộc các ngành hàng như dệt may, da dày, nông thủy sản, chế biến gỗ, dầu khí, hóa dầu... đã được nhận khoản tín dụng ưu đãi của MB trong chương trình hỗ trợ các DN xuất nhập khẩu. Gói tín dụng 10.000 tỷ đồng của MB được áp dụng cho các khoản vay giải ngân trước ngày 31/12/2012 và tính đến nay, lượng vốn giải ngân đã lên tới 5.000 tỷ đồng. Cùng với hỗ trợ trực tiếp về tài chính, MB còn liên tục đưa ra các gói giải pháp và gói sản phẩm hữu ích để tiếp tục giải ngân và hỗ trợ khối DN xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, MB còn cung cấp một sản phẩm đặc biệt: cho vay VND lãi suất USD dành cho các DN nhập khẩu hoặc DN kinh doanh trong nước. Mức lãi suất được quyết định trên xếp hạng tín dụng của DN tại MB.

Với những lợi thế riêng có, Liên bang Nga là một thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng đối với Việt Nam . Tuy nhiên, kim ngạch XNK giữa hai nước còn ở mức khiêm tốn là do các DN Việt Nam chưa được cập nhật thông tin thường xuyên về thị trường, hiểu sâu và nắm rõ nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, nhiều DN xuất khẩu vẫn gặp không ít khó khăn trong việc giải quyết những thủ tục hành chính, thuế quan, thanh toán… do chưa tìm được nhà tư vấn, người đồng hành tốt nhất để thâm nhập vào thị trường Nga.

Với con người Nga thân thiện, với truyền thống quan hệ đặc biệt giữa hai nước, với một thị trường Nga rộng lớn và cởi mở, chắc chắn các DN Việt Nam sẽ có cơ hội tốt trên thị trường Nga nếu tìm được những người bạn đồng hành tin cậy, vững bước như MB.