Thị trường mới nổi rung lắc mạnh hơn thị trường phát triển
Diễn biến chứng khoán quốc tế tuần qua.
Trên thị trường quốc tế, trái phiếu và vàng tiếp tục là những tài sản được ưa chuộng của giới đầu tư trong tuần giao dịch vừa qua. Trong khi đó, thị trường chứng khoán chứng kiến sự tích cực của các thị trường phát triển như Mỹ hay châu Âu, còn các thị trường mới nổi và châu Á nhìn chung vẫn trong trạng thái giảm. Do đó, thị trường Việt Nam nói riêng và thị trường châu Á nói chung được dự báo sẽ gặp rung lắc lớn hơn so với thị trường phát triển trong tuần này.
Tiếp tục cảnh giác với động thái của Mỹ
Ngày 3/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc châu Âu và Trung Quốc thao túng tỷ giá. Phát ngôn này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ đạt thỏa thuận hòa hoãn thương mại với Trung Quốc.
Ở một diễn biến khác liên quan đến Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ ngày 2/7 tuyên bố sẽ áp thuế quan lên tới 456% đối với một số sản phẩm thép sản xuất ở Hàn Quốc hoặc Ðài Loan được vận chuyển tới Việt Nam rồi xuất khẩu sang Mỹ.
Theo đó, việc quan sát các động thái mới từ phía Mỹ được xem là một góc nhìn phân tích mới trong giai đoạn tới.
VN30 vẫn trong kênh giá giảm
Diễn biến giá hợp đồng VN30F1907 và chỉ số VN30.
Tại thị trường Việt Nam, các chỉ số đang trong quá trình tiếp cận vùng kháng cự là cận trên của kênh xu hướng giảm. Chỉ số VN30 có kháng cự quanh vùng 880-885 điểm và hợp đồng VN30F1907 có kháng cự quanh vùng 890-895 điểm.
Trong bối cảnh đó, tâm thế chung của dòng tiền cũng tỏ ra tương đối thận trọng, đặc biệt là dòng tiền tham gia thị trường phái sinh. Ðiều này được phản ánh qua độ lệch giữa thị trường phái sinh và thị trường cơ sở được thu hẹp lại còn khoảng 2 điểm khi kết thúc tuần qua.
Các vùng đệm quan trọng của VN30F1M
Bên cầu lấy lại sự áp đặt
Ðường cầu bắt đầu tạo ra khoảng cách so với đường cung thể hiện sự chủ động của bên mua, cho dù chỉ số VN30 tiếp cận các vùng kháng cự quan trọng, lực cung bán ra cũng không quá mạnh khi đường cung không có dấu hiệu tăng thêm trong suốt nhịp tăng vừa rồi. Vấn đề khiến thị trường chưa tạo ra những nhịp tăng bùng nổ chủ yếu xuất phát từ việc bên mua cũng tỏ ra “chùn tay” khi chưa có nhiều thông tin hỗ trợ kích thích họ tham gia mạnh mẽ hơn.
Ðà lan tỏa tăng dần
Đà lan tỏa theo vốn hóa và MA10.
Ðà lan tỏa đi theo trạng thái tăng dần trong vài tuần gần đây, đáy sau cao hơn đáy trước và đà lan tỏa trung bình 10 phiên gần nhất (MA10) cũng đang theo xu hướng tăng. Ðây được xem là diễn biến tích cực khi nền giá được cải thiện dần, nhưng không quá “nóng” và quan trọng hơn, dư địa tăng của đà lan tỏa (hiện tại là mức 74%) vẫn còn (mức đỉnh từng được ghi nhận là 90%).
Dòng tiền chưa tạo hiệu ứng đồng thuận ở các nhóm trụ
Sự vận động ở các nhóm ngành dẫn dắt.
VN30 đang thể hiện trạng thái tích cực khi có tới 83% cổ phiếu trong xu hướng tăng. Ðặc biệt, trong số này có nhiều cổ phiếu dẫn dắt như VNM, TCB, VIC, MSN hay VJC. Trong một xu hướng tăng, sự dẫn dắt của các cổ phiếu trụ là chất xúc tác quan trọng để quyết định đà tăng này có bền vững hay không.
Trong 3 nhóm ngành có tỷ trọng đóng góp nhiều nhất trên thị trường, bất động sản (VIC, VHM, VRE) là nhóm được kỳ vọng tích cực nhất khi có sự đồng thuận cả về yếu tố giá và dòng tiền. Trong khi đó, nhóm ngân hàng và thực phẩm - đồ uống đang có dấu hiệu suy yếu dần về mặt dòng tiền, cho dù diễn biến giá có sự cải thiện.
Ưu tiên canh Long ở các nhịp điều chỉnh
Xác suất đầu tư ngắn hạn.
Thị trường đang có nhiều diễn biến thuận lợi hơn, dòng tiền bên mua đang chứng tỏ sức mạnh so với bên bán, đà lan tỏa cải thiện dần qua từng phiên, song vấn đề là các nhóm ngành trụ đang có sự phân hóa và chưa thực sự đồng thuận về mặt dòng tiền. Thêm vào đó, thị trường chưa ghi nhận thông tin tích cực để tạo chất xúc tác cho bên mua tham gia quyết liệt hơn, nên khả năng thị trường sẽ còn xuất hiện những nhịp rung lắc trong biên độ từ 870-890 điểm trên VN30F1907 là kịch bản dễ xảy ra trong tuần này.
Sau một nhịp tăng mạnh trước đó, chỉ số phái sinh VN30F1907 đang hình thành các vùng đệm quan trọng bên dưới, trong đó vùng 872-878 điểm được xem là vùng hỗ trợ đáng chú ý nhất. Cửa tăng của thị trường vẫn sáng hơn cửa giảm, nên những nhịp canh mua (Long) trong các pha điều chỉnh kỹ thuật quanh vùng hỗ trợ sẽ là chiến lược được ưu tiên hơn trong tuần này. Trong khi đó, chiến lược bán (Short) sẽ được cân nhắc nếu xu hướng hồi phục bị đánh mất, hay cụ thể là vùng đệm 870-872 điểm bị phá vỡ.