Ngoài những ngành, lĩnh vực đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế, nhiều tập đoàn lớn đang rất quan tâm đến Việt Nam khi định hướng mở rộng, tăng vốn đầu tư trong một số lĩnh vực mới. Ảnh: Việt Linh; Đồ họa: Đan Nguyễn

Ngoài những ngành, lĩnh vực đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế, nhiều tập đoàn lớn đang rất quan tâm đến Việt Nam khi định hướng mở rộng, tăng vốn đầu tư trong một số lĩnh vực mới. Ảnh: Việt Linh; Đồ họa: Đan Nguyễn

Cửa “sáng” trong thu hút FDI

0:00 / 0:00
0:00
Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid-19 và tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến.

Tín hiệu lạc quan từ châu Âu

Đã thành thông lệ, trong các chuyến công du nước ngoài của các nhà lãnh đạo đất nước, luôn có buổi làm việc với các tập đoàn kinh tế lớn. Và đó là cách để Việt Nam “xúc tiến đầu tư” vô cùng hiệu quả.

Lần này cũng vậy, nhân chuyến thăm và làm việc với Nghị viện châu Âu và một số nước châu Âu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp một loạt tập đoàn lớn, như Exxon Mobil, Infra Asia Invest, Siemens Energy AG, Ørsted, Deme, Nokia… Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham gia các buổi tiếp này.

Cũng vẫn là những cuộc tiếp xúc như thường khi, nhưng lần này, lại có ý nghĩa lớn hơn thế, mang lại những tín hiệu tích cực hơn. Đó là bởi vì, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, rất hiếm hoi các cuộc làm việc trực tiếp như vậy được tổ chức, kể cả ở trong nước lẫn nước ngoài. Tiếp xúc trực tiếp là cơ hội vô cùng lớn để kết nối giao thương và đầu tư.

Thông tin từ các cuộc làm việc này cho thấy, các tập đoàn lớn vẫn đang rất quan tâm đến điểm đến đầu tư Việt Nam. Chính ông Christian Bruch, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn năng lượng Siemens Energy AG (Đức) đã khẳng định mong muốn được tham gia các dự án năng lượng tại Việt Nam và cho biết, sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư lĩnh vực này trong tương lai.

Hiện Siemens Energy AG được biết đến là nhà đầu tư mong muốn được tham gia Dự án Trung tâm Điện khí Cà Ná (Ninh Thuận), với quy mô hàng tỷ USD.

Trong khi đó, Tập đoàn Ørsted (Đan Mạch), đang có 27 dự án điện gió trên thế giới, cũng không giấu tham vọng liên doanh, liên kết với Tập đoàn T&T để nghiên cứu, đầu tư các dự án điện gió tại Việt Nam.

Còn Exxon Mobil (Mỹ) vẫn đang quyết tâm theo đuổi dự án khai thác mỏ Cá Voi Xanh, với số vốn dự kiến cả chục tỷ USD. Rất quan tâm đến dự án này, tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị Tập đoàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sớm triển khai Dự án, đưa dòng khí đầu tiên vào bờ vào năm 2024, cũng như sớm khởi động lại các dự án lọc hóa dầu mà Tập đoàn dự kiến triển khai tại Việt Nam, song thời gian qua đang bị trì hoãn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Không chỉ đầu tư dự án này, Exxon Mobil đã lên kế hoạch đầu tư dự án điện khí hàng tỷ USD ở Hải Phòng và Việt Nam rất ủng hộ kế hoạch này. Hiện nay, Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã xem xét đề xuất phát triển một số dự án điện khí LNG tại miền Bắc, trong đó có Dự án LNG Hải Phòng.

Hay Infra Asia Investment (IAI) đã đầu tư các khu công nghiệp tại Hải Phòng và Quảng Ninh, với số vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Nhưng theo chia sẻ của ông Fabien De Jonge, thành viên Hội đồng Quản trị IAI, Công ty còn đang có định hướng mở rộng hoạt động đầu tư trong một số lĩnh vực năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời…

Rõ ràng, các động thái từ các tập đoàn lớn là tích cực.

Gạt bỏ biến động ngắn hạn, tiếp tục chọn Việt Nam

Thông tin trong thời gian gần đây, dịch bệnh Covid-19 và các biện pháp giãn cách xã hội có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ Việt Nam. Trong báo cáo mới nhất về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các khu công nghiệp đã làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng, qua đó ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do đóng cửa nhà máy, thiếu hụt lao động để sản xuất, nên nhiều đơn hàng đã phải chuyển sang địa bàn khác trong chuỗi cung ứng. “Tuy đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng nếu kéo dài tính trạng này, thì có khả năng nhà đầu tư sẽ chuyển sản xuất sang nước khác”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo.

Đây là một thực tế. Kết quả khảo sát gần đây của EuroCham cho biết, 18% các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đã chuyển dịch một phần đơn hàng hoặc nhu cầu sản xuất sang các nước khác, trong khi 16% doanh nghiệp đang cân nhắc điều này. Tuy nhiên, theo ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, đây chủ yếu là “chuyển các đơn đặt hàng và là quyết định tạm thời của các doanh nghiệp” và “chưa có doanh nghiệp châu Âu nào rời khỏi Việt Nam”.

Thực tế, không chỉ doanh nghiệp châu Âu, mà cả doanh nghiệp các nước khác cũng như vậy, tuy một số đơn hàng đã chuyển khỏi Việt Nam, song nhà đầu tư vẫn ở lại. Sự ngập ngừng, nếu có, chỉ là với một số nhà đầu tư mới, đang trong thời gian ra các quyết định đầu tư mới.

Liên quan đến vấn đề này, HSBC, trong một báo cáo vừa được công bố, đã đưa ra nhận định rằng: “Bất chấp những thách thức có thể xảy ra, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới”.

Theo HSBC, các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid-19. Nhóm nghiên cứu của ngân hàng này đã lấy dẫn chứng việc LG Display vừa nâng vốn đầu tư thêm 1,4 tỷ USD để tăng sản lượng màn hình OLED để chứng minh cho nhận định của mình. Trước đó, hồi tháng 2/2021, LG Display đã một lần tăng vốn thêm 750 triệu USD.

HSBC còn dẫn thêm thông tin về việc Samsung sẽ mở rộng nhà máy ở Bắc Ninh để tăng sản lượng điện thoại màn hình gập thêm 47%, lên 25 triệu chiếc/năm. Thông tin này cách đây ít ngày được Korea Economic Daily đăng tải, nhưng chưa được Samsung xác nhận.

Dẫu vậy, đó là những động thái tích cực. Cộng hưởng thêm các thông tin lạc quan từ châu Âu, có thể kỳ vọng rằng, trong thu hút FDI, cửa vẫn “sáng” đối với Việt Nam.

Tuy vậy, chính ông Alain Cany đã nói rằng, nếu việc giãn cách xã hội tiếp tục kéo dài tại các địa phương thêm 2-3 tháng nữa hoặc lâu hơn, cùng với việc thiếu vắc-xin tiêm cho người lao động, chuỗi cung ứng đứt gãy và dịch bệnh không được kiểm soát..., thì việc có doanh nghiệp nước ngoài rời đi “hoàn toàn có thể xảy ra”.

Bởi thế, bài toán của Việt Nam trong hiện thời là phải làm sao vừa giữ chân được nhà đầu tư hiện hữu, vừa thu hút thêm đầu tư mới, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu phục hồi chậm.

Cuộc khảo sát gần đây đối với các quan chức điều hành và cấp cao từ 100 cơ quan xúc tiến đầu tư (IPA) của hơn 70 quốc gia cho thấy, 53% người được hỏi kỳ vọng dòng vốn FDI vào lãnh thổ của họ sẽ tăng vào năm 2021; chỉ có 18% dự đoán FDI trong nước sẽ giảm và 4% dự báo sẽ giảm đáng kể - cải thiện hơn so với cuộc khảo sát tương tự vào tháng 4/2020.

Tuy nhiên, sự phục hồi là chưa thực sự chắc chắn. Theo báo cáo, chỉ 49% các IPA tham gia dự đoán dòng vốn FDI toàn cầu sẽ tăng vào năm 2021. Điều đó chứng tỏ rằng, mặc dù niềm tin trong nước ngày càng tăng, song vẫn tồn tại những thách thức trong thu hút FDI trong bối cảnh hiện nay.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin bài liên quan