Căn nhà “Tam đại đồng đường” của gia đình nghệ nhân, doanh nhân Phạm Anh Đạo nằm trên trục đường chính cạnh chợ cổ Bát Tràng chất đầy gốm. Gian mặt tiền làm showroom Gốm vuốt tay Phạm Anh Đạo, trưng bày những tác phẩm đã hoàn thiện mang dáng dấp cổ điển. Men theo con ngõ nhỏ rêu phong cạnh bên để vào cổng sau khu nhà là một thế giới “độc nhất vô nhị” ở làng Bát Tràng. Đó là xưởng sản xuất, không gian Phạm Anh Đạo sáng tạo ra những tác phẩm gốm vuốt tay để đời.
Mới đầu hè, những tia nắng vàng ươm khẽ rớt qua mái xưởng, hong khô cho hàng xương gốm đang phơi mình đợi ngày chồng lò, đùa nghịch trên đôi tay lấm lem, khuôn mặt rắn rỏi, đầm đìa mồ hôi của nghệ nhân, doanh nhân Phạm Anh Đạo.
Mặc cho khách ngắm nghía, len lỏi khắp các ngõ ngách xưởng gốm, chạy đi chạy lại quanh mình để chụp ảnh, hỏi han, ghi hình, nghệ nhân Phạm Anh Đạo vẫn không một tích tắc ngừng tay. Anh miệt mài nặn, mải mê vê vuốt trên chiếc bàn xoay cũ kỹ mà do cơ chế thị trường đã chẳng người làng Bát Tràng nào còn làm như vậy.
Nghệ nhân, doanh nhân Phạm Anh Đạo mộc mạc, chân thành, giản đơn trong cách nghĩ, cách sống. Anh lành như cục đất trong tay, chẳng hề bận tâm thế sự, thời cuộc, hay tranh đấu trên thương trường.
“Tôi là doanh nhân ngờ nghệch, ngốc nghếch nhất làng, có biết gì đâu”, câu trả lời ngắn gọn và âm sắc to bất thường của anh Đạo sau hàng loạt câu hỏi kinh doanh lãi, lỗ thời Covid-19 khiến người đối diện có phần hụt hẫng.
Thấy vậy, chị Nguyễn Mỹ Trinh, vợ anh Đạo mỉm cười nhìn chồng âu yếm và đỡ lời: “Anh ấy mất thính giác từ nhỏ, phải nói thật to mới nghe thấy. Khi trả lời anh Đạo cũng nói rất to. Biết nhược điểm của mình, nên anh thường ngại giao tiếp nếu không thân thiết”.
Chẳng là, khi sinh ra, Phạm Anh Đạo chỉ nặng 1,7 kg, nên thường xuyên ốm yếu, khù khờ, chậm chạp, trong khi cậu em sinh đôi - nghệ nhân Hà Nội Phạm Anh Đức lại nhanh nhẹn, hoạt bát, thông minh. Sau trận viêm phế quản phải dùng kháng sinh liều cao, Đạo gần như mất đi thính giác và giọng nói.
Gia đình nghệ nhân Phạm Anh Đạo năm 1982. |
Không nghe, không nói, không viết được đã ảnh hưởng trầm trọng tới kết quả học tập của Đạo. Suốt những ngày tháng Đức bận rộn với bài vở, thi cử, học hành và dành được tấm bằng cử nhân, thì Đạo chật vật mãi 3 năm không qua nổi lớp 6. Thế nên, nghệ nhân dân gian Phạm Ngọc Huy, cha anh buộc phải quyết định cho con nghỉ học. Ông bảo: “Tiếng là lớp 6, nhưng các thầy thương mà cho lên, chứ kiến thức của nó chỉ ở lớp 2, vì cộng trừ nhân chia nó còn chưa thạo”.
Kể từ độ ấy, Đạo thường chỉ ngồi thu lu một góc nhìn cha nhào, vuốt gốm. Người cha biết con nghe, nói khó, nhưng quan sát và cảm nhận được hết. Ông cho con trai đi khắp các nhà làm gốm trong làng tìm hiểu, rồi vào Xí nghiệp Gốm sứ Bát Tràng nơi ông là Giám đốc để học nghề. Chưa đầy một năm, Đạo đã thuần thục những việc mà chỉ người thợ bậc cao mới làm được. Thậm chí, có những lúc gặp phải kỹ thuật khó hay bắt đầu làm một sản phẩm phức tạp, nhiều người còn nhờ anh hướng dẫn và làm mẫu.
Là người con thuộc thế hệ thứ 19 của dòng họ Phạm Ngũ Chi, làng Bát Tràng, con trai trưởng của nghệ nhân, kỹ sư gốm Phạm Ngọc Huy, cháu cụ Phạm Liệu, một lão thợ giỏi của làng, Đạo dường như thừa hưởng tình yêu cháy bỏng với gốm, với đất, với men.
Nhìn thấy khả năng tạo hình gốm thiên phú của con trai, ông Huy vay mượn thêm tiền để mở lò gốm cho Đạo thỏa niềm đam mê và có một cái nghề.
Thế là, năm 1994, khi 17 tuổi, Đạo chính thức nối nghiệp gia đình. Lúc đó, cả làng Bát Tràng chỉ còn một vài người còn gắn bó với gốm vuốt tay, đa phần là các cụ đã cao tuổi, chỉ riêng Phạm Anh Đạo là người trẻ nhất và vẫn miệt mài, cắm cúi nặn, vuốt các sản phẩm gốm của riêng mình.
Ngày ngày vui với gốm, cười với gốm, gửi mọi nỗi niềm, tâm tư, ước nguyện vào gốm, Phạm Anh Đạo dần nói được và nói tốt hơn. Với anh, đất là người bạn tri kỷ, gốm là lẽ sống, là hơi thở, mỗi thế dáng, mỗi đường nét, đều là ngôn ngữ. Bởi thế, gốm Phạm Anh Đạo ít màu mè, nhưng có hồn và đong đầy xúc cảm.
Anh bảo: “Tôi chỉ thích ngả bàn xoay và thỏa sức sáng tạo với đất, chứ không muốn máy móc làm thay”. Cũng bởi thế, trong vòng xoáy cơ chế thị trường, Đạo trở thành của hiếm ở làng Bát Tràng.
Với chiếc bàn xoay, qua “đôi tay ma thuật” của Đạo, chưa tới 5 phút, những nắm đất vô tri đã được “phù phép” trở thành những chiếc bình, lọ hoa, cái bát… độc đáo.
“Tài không đợi tuổi”, chàng thợ gốm trẻ khiếm thính Phạm Anh Đạo đã được đề cử phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” sau khi gặt hái được rất nhiều giải thưởng lúc mới 27 tuổi. Nhưng vì có người cho rằng, Bát Tràng thiếu gì người tài mà phong nghệ nhân cho một người khiếm thính, nên anh tự ái, không làm hồ sơ để xét danh hiệu nghệ nhân nữa.
Tới năm 2011, khi 34 tuổi, nhờ sự động viên của vợ, anh mới chịu làm hồ sơ, gửi tác phẩm tham dự xét duyệt phong tặng danh hiệu. Khi ấy, so với lịch sử của Bát Tràng, Đạo vẫn là người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ở tuổi đời trẻ nhất.
Để minh chứng cho sự xứng danh của mình, Phạm Anh Đạo miệt mài sáng tạo ra những tác phẩm độc và lạ, tinh tế, cầu kỳ khiến bao người trầm trồ.
Còn nhớ, năm 2010, dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sau gần 1 năm miệt mài nặn, vuốt, vẽ, Phạm Anh Đạo thức suốt 6 ngày đêm canh lò nung và “hô biến” thành công đôi chóe Tứ Linh cao 2,5 m, rộng 1,3 m, nặng 500 kg lớn nhất từ trước tới nay. Cặp chóe Tứ Linh nổi bật bởi kích thước gần 2 người ôm và kỹ thuật chế tác đặc biệt khi được gia công hoàn toàn bằng tay theo kỹ thuật vuốt gốm cổ truyền.
Đôi chóe khổng lồ ra đời năm 2010 nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội như là sự tri ân Đạo dành tặng dải đất sét trắng quý giá bên dòng Hồng Giang, mảnh đất quê hương nơi anh sinh ra, lớn lên, trưởng thành. Các họa tiết vẽ tứ linh (long, lân, quy, phượng) trên chóe được nghệ nhân vẽ lại, dựa trên các họa tiết gốm truyền thống với nước men rạn theo kiểu giả cổ để những lớp thế hệ sau này mường tượng tinh hoa gốm Bát Tràng.
Năm 2016, bộ tác phẩm được trao Bằng kỷ lục Việt Nam và công nhận là: “Cặp chóe Tứ linh đắp nổi được chế tác bằng phương pháp thủ công truyền thống lớn nhất”. Năm 2016, bộ tác phẩm được bán đấu giá hơn 6 tỷ đồng, hiện đang được chào bán hơn 9 tỷ đồng và trưng bày tại Trung tâm Đấu giá Lạc Việt.
“Chi phí làm cặp chóe tới hơn 250 triệu đồng, chỉ riêng tiền nhiên liệu để đốt lò đã lên tới gần 40 triệu đồng, mà rủi ro rất lớn vì chỉ sai lệch nhiệt độ đôi chút sẽ không ra đúng màu men”, chị Trinh bật mí.
Với những người nghệ nhân giỏi, làm sản phẩm lớn đã khó, bằng tay lại càng khó hơn, vì phải tạo hình trên bàn xoay, phải tính cốt đất, lượng nhiệt sao cho khi nung mà không bị nổ men. Đặc biệt, đôi chóe ấy lại được làm với nước men rạn, giả cổ. Vậy mà, cả hai kỹ thuật khó vào bậc nhất ấy Phạm Anh Đạo đều chinh phục được.
Tự nhận mình là doanh nhân ngờ nghệch, thương hiệu Gốm vuốt tay Phạm Anh Đạo có tiếng vang như bây giờ phải kể tới công lao của chị Mỹ Trinh. Người phụ nữ xinh đẹp, đảm đang, chăm con khéo, kinh doanh giỏi ấy sinh ra ở làng gốm Kim Lan, giáp làng Bát Tràng và cũng có tình yêu cháy bỏng với gốm.
Chị kể, khi đó Đạo 25 tuổi, còn mình mới 22. Từ lần đầu sang chơi hội bên Bát Tràng, đã thấy Đạo thật khác biệt, khéo léo khi làm gốm theo phương pháp thủ công truyền thống. Vì chị và người làng Kim Lan bấy giờ làm gốm theo công nghệ đổ rót. Anh Đạo chơi thân với anh họ Mỹ Trinh và nhờ mai mối.
“Ban đầu, cả hai đều ngại, nên anh Đạo chủ yếu tới chơi và nói chuyện với bố mẹ tôi. Gia đình tôi ai cũng quý và thương anh lắm! Những câu nói đầu tiên giữa hai chúng tôi chỉ xoay quanh chuyện gốm. Rồi chẳng biết bén duyên tự lúc nào. Biết chúng tôi yêu nhau, mẹ tôi ngăn cản bởi sợ con gái khổ vì sẽ vừa phải làm vợ, vừa phải gánh một phần trách nhiệm của chồng. Nhưng tôi đã thuyết phục bố mẹ và đám cưới diễn ra trong sự ưng thuận của hai bên”, chị Trinh tâm sự.
Chị tủm tỉm: “Là tôi ngỏ lời trước, chứ bấy giờ anh ấy có biết gì khác ngoài gốm đâu. Có lẽ tình yêu gốm mãnh liệt của cả hai chính là “tơ hồng” se duyên vừa vặn cho chúng tôi”.
Về chung một nhà năm 2002, tình yêu của đôi trai tài, gái sắc nhanh chóng “đơm hoa kết trái”. Hai cậu con trai nối tiếp nhau chào đời và lớn lên khỏe mạnh, thông minh, ngoan ngoãn.
Nhưng vợ chồng anh Đạo lại vướng phải khó khăn về kinh tế. Bởi, đó cũng là thời gian làng gốm Bát Tràng lao đao vì không cạnh tranh được với hàng gốm sứ công nghiệp của Trung Quốc. Kinh tế gia đình khó khăn, thợ gốm Bát Tràng buộc phải bỏ nghề gốm vuốt tay để đầu tư máy móc sản xuất gốm công nghiệp. Cả làng làm khuôn, áp dụng kỹ thuật “đúc, rót”, mỗi mẻ gốm cho ra đời cả ngàn sản phẩm nuột nà, đều tăm tắp.
Trong khi đó, Đạo thành công với những sản phẩm gốm vuốt, nặn, vẽ theo phương pháp cổ truyền độc và lạ để trưng bày, nhưng đồ gốm gia dụng lại khó cạnh tranh với gốm công nghiệp bóng bẩy, đa dạng kích cỡ, màu sắc và kiểu dáng. Đến cả nghệ nhân Phạm Ngọc Huy cũng nóng lòng, sốt ruột khi thấy con trai lấy men, dội một cái loang loang lổ lổ, rồi đang vuốt tròn trĩnh lại vặn, ngoéo, đấm nhẹ cho lõm vào chẳng ra thể loại gì.
Sản lượng thấp, giá cao khó bán lại thấy chồng tốn nhiều sức lực, chị Mỹ Trinh bàn với anh Đạo làm gốm bằng máy, nhưng anh gạt đi, nhất quyết không đồng ý. Thế là, chị bỏ hẳn ý định, âm thầm hỗ trợ chồng và càng ngày càng mê đồ gốm vuốt tay Phạm Anh Đạo.
Dù không nói ra, nhưng hai người đồng tâm và ngầm hiểu với nhau rằng, phải đi một con đường khác biệt. Không làm những thứ màu mè lòe loẹt, bóng bẩy như ngoài chợ, Gốm vuốt tay Phạm Anh Đạo mang đậm phong thái gốm cổ Bát tràng với hoa văn, họa tiết, men lam, men rạn mang gam màu xưa cũ. Bên cạnh những mẫu truyền thống, Đạo không ngừng cho ra đời những tác phẩm có kiểu dáng hiện đại, phá cách theo phương pháp thủ công truyền thống.
Sinh ra ở làng gốm Kim Lan, nên chị Trinh, phụ chồng xoay bàn, vẽ, tráng men và bán hàng, anh Đạo chuyên về tạo hình, vuốt. Chị cũng thuê thêm thợ, thực hiện các công đoạn đắp, tiện, chỉnh sửa để hoàn thiện sản phẩm.
Có điều, làm gốm thủ công sản lượng ít, giá thành lại cao, thị trường hẹp, để sống được bằng nghề như bây giờ, chị Mỹ Trinh đã rất vất vả. Chị kể: “Với gốm công nghiệp, mỗi tháng có thể sản xuất 10 lò, mỗi chiếc cốc chỉ có giá 50.000 đồng. Nhưng gốm thủ công sản lượng mỗi tháng chỉ được 1-2 lò, giá một chiếc cốc cùng cỡ từ 150.000-200.000 đồng. Vì thế, tôi phải mày mò học marketing để bán hàng, chứ những ngày đầu chưa biết bày biện, người làng đi qua còn bĩu môi”.
Đưa ánh mắt trìu mến nhìn chồng đang mải mê bên bàn xoay, mặc cho những giọt mồ hôi thỉnh thoảng nhỏ xuống, thấm vào khối đất sét trong tay, chị bảo: “Anh Đạo tuyệt nhiên không quan tâm tới việc định giá, khách đến còn biếu, tặng chứ không bán. Anh ấy là một nghệ sỹ đích thực. Trước đây, gốm thủ công gần như chỉ có các nghệ sỹ hoặc giới sưu tầm đồ cổ quan tâm, việc mở rộng thị trường không hề dễ dàng. Nhưng tôi luôn vững tin rằng, mọi người cũng sẽ như mình, sẽ trân quý những sản phẩm chứa đựng tâm huyết và cảm xúc của anh Đạo”.
Thị trường vốn hay theo trào lưu và bao giờ cũng đổ xô vào cái mới, nhưng thị trường cũng là nơi khắc nghiệt với sự đào thải không ngừng. Bởi thế, các sản phẩm gốm công nghiệp cũng tới lúc bão hòa. Nhưng, bằng đôi tay ma thuật, bằng cặp mắt đẫm chất nghệ và một lòng kiên định với phương thức làm gốm truyền thống, quyết “bơi ngược dòng” đã khiến Gốm vuốt tay Phạm Anh Đạo trở nên khác biệt, độc đáo, cuốn hút và thuyết phục.
Rất nhiều khách hàng ban đầu tìm tới sản phẩm gốm của Đạo vì hiếu kỳ, nhưng càng tiếp xúc càng thấy đẹp và trân quý. Bởi, mỗi sản phẩm gốm vuốt tay là một tác phẩm độc bản, chất chứa những đam mê và hồn cốt của nghệ nhân Phạm Anh Đạo.
Thế nên, gốm vuốt tay giờ được xem như “cơm tám giò chả” của làng gốm Bát Tràng. Chị Trinh kể, rất nhiều khách hàng đến showroom, vào xưởng xem anh Đạo làm gốm, khi mua sản phẩm họ bảo sao bán rẻ thế và đưa vượt tiền so với giá niêm yết và bảo để cảm ơn nghệ nhân Phạm Anh Đạo. Có lẽ, chính tình yêu lao động, những giá trị truyền thống và sự khác biệt đã “định giá” cho gốm Đạo, mà không phải người bán hàng nào cũng may mắn có được.
Dù có ai đó coi Phạm Anh Đạo là "gàn", là "dở", thì anh vẫn có rất nhiều "fan" hâm mộ mua tác phẩm của anh với tất cả niềm đam mê. Chị Trinh cho biết: “Có chị khách chia sẻ: Chị đã có cả một gia tài gốm của Đạo và dành nguyên căn nhà 5 tầng để trưng bày. Hay một vị khách quen cho biết, đến nghèo vì sưu tầm gốm của anh Đạo mất thôi!”.
Chị Mỹ Trinh kể, làm gốm vuốt tay rất lao lực và tốn thời gian, nên anh Đạo thường bị đau đầu, đau lưng khi tập trung cao độ. Nhiều hôm đang vuốt, anh bỏ đó, rít điếu thuốc lào hoặc đi chơi cho đầu óc thư giãn rồi mới về làm tiếp.
Để có được những sản phẩm gốm vuốt tay tinh xảo, chắc chắn không chỉ có niềm đam mê, sự xả thân làm việc với mồ hôi và nước mắt mà còn cả sự thao thức và lao lực trong sáng tạo. "Có hôm 2 giờ sáng, anh ấy bật dậy rồi lọ mọ ra xưởng gốm ngồi nhào, nặn những thứ mới nghĩ ra. Tôi hỏi thì anh bảo phải làm ngay nếu không ý tưởng sẽ biến mất. Anh ấy yêu gốm còn hơn yêu vợ”, chị Trinh mắng yêu chồng.
Không chỉ khách hàng, Phạm Anh Đạo cũng ngày càng được nhiều bạn bè trong giới đánh giá cao và họ giới thiệu nhau tới chơi, thưởng thức tài nghệ. Nhiều nơi mời Phạm Anh Đạo tham dự các triển lãm, anh cũng gặp gỡ nhiều nghệ nhân, văn nghệ sĩ và báo giới.
Còn nhớ năm 2017, họa sĩ Lê Thiết Cương trăn trở và bỏ nhiều thời gian để tạo cuộc giao hòa nhuần nhị giữa thơ, họa và gốm. Ông muốn chuyển ngữ câu thơ, bài thơ hay bằng hội họa trên mặt gốm truyền thống, để thơ trở thành hình, thành màu, thành đậm nhạt, thành mảng, thành nét, thành bố cục… hòa quyện với gốm. Ông cho rằng, tác phẩm thơ khi ấy sẽ được sống "một cuộc đời khác", người đọc có cách thưởng thức mới trong một không gian rộng mở hơn.
Ông đã chọn lọc những câu thơ ý nghĩa của các thi sĩ Việt Nam có sức gợi hình để chuyển tải qua từng nét vẽ, hợp với độ cong của kiểu dáng bình gốm. Ông cầu kỳ tìm kiếm cho được cơ sở vẫn làm gốm vuốt tay và nung bằng lò củi truyền thống ở làng nghề Bát Tràng để tác phẩm của mình giữ được hồn cốt của cha ông, của kinh đô hơn ngàn năm văn hiến. Và, may thay, ông gặp được Phạm Anh Đạo. Hai người nghệ sĩ tài hoa đã tạo nên cuộc “giao duyên” đặc biệt giữa gốm, thơ và hội họa.
Họ cùng nhau cho ra đời 40 tác phẩm thơ gốm độc bản, sinh động và giao hòa. Những nét vẽ tinh tế theo phong cách tối giản xưa nay của Lê Thiết Cương ăn khớp lạ kỳ với thơ, tỏa sáng trên nền gốm giản dị. Thơ của những tác giả, thi sĩ nổi tiếng bỗng như được sống một cuộc đời khác, dưới một hình dạng khác sau khi đã được in trong tập sách nào đó, đã được đọc qua nhưng không dễ nhớ.
Như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng thú thật: “Có những câu thơ lạc khỏi tâm trí chính tác giả, mà Lê Thiết Cương và Phạm Anh Đạo đã trồng lại chúng trên miền đất gốm. Theo thời gian, chúng sẽ lớn lên, thành cổ thụ, thành vĩnh hằng”.
Cuộc “giao duyên” giữa Lê Thiết Cương và Phạm Anh Đạo không chỉ được thắp lên từ ngọn lửa tình yêu thi ca vô hình mà còn được đốt nóng từ ngọn lửa thực sự của lò gốm. Dấu tích giao hoan của thi họa in trên bình gốm mãnh liệt đến không thể dứt ra được. Ngay cả khi bị đập vỡ vẫn còn rơm rớm trên những mảnh gốm vụn bởi sự cô đọng đến cùng cực tối giản.
Và cũng kể từ đó, họa sĩ Lê Thiết Cương thường xuyên đến xưởng gốm Phạm Anh Đạo đặt hàng những mẫu gốm thiết kế riêng.
Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: “Gốm vuốt tay Phạm Anh Đạo là sự kết giao giữa phương pháp thủ công tinh xảo với sự sáng tạo nghệ thuật mang tính chất cá biệt, có sắc thái riêng, đặc trưng riêng và phản ánh thẩm mỹ, bản sắc văn hóa của người dân Bát Tràng”.
Những tác phẩm thơ gốm độc bản, sinh động và giao hòa của hai người nghệ sĩ tài hoa. |
Không chỉ giới văn nghệ sĩ ngày càng yêu thích cái lõm, cái lồi, nước men loang lổ, vốn bị nhiều người cười chê là… chỉ có bán cho “ma Tây”, sản phẩm của Phạm Anh Đạo thế mà bán cho nhiều khách quốc tế và được họ si mê.
Khi những kiến trúc sư người Nhật xây cầu Thanh Trì và tham quan làng gốm Bát Tràng, họ đã không thể cưỡng lại sức hút độc đáo của Gốm vuốt tay Phạm Anh Đạo, nên đặt mua và giới thiệu cho bạn bè. Nhiều cửa hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ… ở Việt Nam, rồi khách từ trong Nam tìm đến, đơn đặt hàng ngày càng nhiều lên.
Gốm của “anh Đạo điếc” ngày càng đắt hàng, dù giá cao gấp mấy lần “gốm máy”. Bấy giờ nghệ nhân Phạm Ngọc Huy mới hiểu, việc Đạo vẩy men loang lổ, bóp méo sản phẩm tưởng như đơn giản, bình thường nhưng chính là sự sáng tạo nghệ thuật.
Đơn hàng xuất khẩu đi Nhật đầu tiên của vợ chồng anh Đạo, chị Trinh là 600 bình gốm, sau 3 tháng phải giao hàng. Lúc đầu, chị Trinh không dám nhận vì chồng chưa bao giờ làm lượng sản phẩm lớn trong thời gian ngắn như vậy. Nhưng anh Đạo quyết nhận và làm đến quên ăn, quên ngủ.
Thành công ngoài mong đợi, tiếng tăm của nghệ nhân gốm vuốt tay càng vang xa. Nhờ đó, xưởng gốm của gia đình anh Đạo ngày càng khởi sắc, kinh tế ổn định. Chị Trinh bày tỏ: "Không chỉ vui vì bán được hàng đâu, tôi thực sự tự hào và hạnh phúc vì sản phẩm gốm thủ công của chồng được bạn bè thế giới yêu thích, đặc biệt là những vị khách Nhật Bản vốn nổi tiếng khó tính".
Chị Trinh cho biết, cách đây vài năm, có vị khách người Nhật đi tham quan làng gốm Bát Tràng. Thấy anh Đạo tự tay vuốt gốm, vị khách mời anh sang Nhật để dạy nghề cho công nhân xưởng gốm của ông, nhưng anh từ chối vì khả năng nghe, nói kém.
Theo lý giải của nghệ nhân Phạm Anh Đạo: "Người Nhật cũng là những bậc thầy về đồ gốm sứ, nhưng họ vẫn thích gốm Bát Tràng bởi cách tạo hình và nước men đẹp".
Chị Mỹ Trinh cho biết, khoảng 5 năm gần đây, sản phẩm gốm thủ công ngày càng được yêu thích nhờ sự phát triển của mạng xã hội. Mỗi cuối tuần, showroom đón rất nhiều du khách đến tham quan, mua sắm. Gốm vuốt tay Phạm Anh Đạo cũng đã có mặt khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Covid-19 xảy đến, sức mua giảm, xuất khẩu đóng băng, nếu như hầu hết các xưởng công nghiệp trong làng tồn kho rất nhiều, thì gốm Đạo vẫn làm ra đến đâu hết tới đó.
Gần 2 thập kỷ gắn bó với nghệ nhân khiếm thính của làng gốm Bát Tràng, giọng chị Trinh khản đặc, không còn trong veo như hồi con gái bởi hàng ngày phải nói to khi giao tiếp với chồng. Nhưng giờ đây, chị đã có thể yên tâm quán xuyến gia đình, chăm lo con cái và vận hành xưởng gốm.
“Nhiều khi tôi thấy mình thật nghị lực. Bao nhiêu bức xúc, tủi hờn giờ đều tan biến vì niềm tin yêu, cảm phục của bạn bè, của khách hàng dành cho anh Đạo. Điều đó trở thành nguồn động viên lớn lao, giúp chúng tôi tiếp tục thực hiện những dự định trong tương lai”, chị trải lòng.
“Giàu vì bạn, sang vì vợ”, với nghệ nhân, doanh nhân Phạm Anh Đạo, có lẽ đã được trọn vẹn cả hai điều đó. Bởi bên anh luôn có người vợ tài giỏi, hai con mạnh khỏe, ngoan ngoãn và những người bạn trân quý.
Gốm không chỉ là vật phẩm kinh tế hay vật phẩm phục vụ sinh hoạt đời sống thường ngày, nó còn là những sản phẩm mỹ nghệ, biểu hiện cho sự phát triển kinh tế, trình độ dân trí, đặc điểm văn hóa của dân tộc.
Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, gốm hiểu theo một nghĩa nào đó chính là tam tài thiên địa nhân. Trời cho người ấy cái nghiệp chơi với đất, sống với đất. Gốm nối trời đất và người làm một. Gốm cũng là tam tài đất, nước, lửa. Thủy hỏa hài hòa, thủy thổ cân bằng đấy là lẽ trời, đấy là đạo. Và Gốm vuốt tay Phạm Anh Đạo đã làm cho tam tài thiên địa nhân càng thăng hoa khi được tạo nên bởi trái tim ấm nồng và tình yêu văn hóa truyền thống vô bờ.
Sản phẩm gốm truyền thống được tạo ra bởi bí quyết sản xuất và đòi hỏi kỹ năng, kỹ xảo cao. Thời xưa, các lò gốm thủ công tuyệt đối giấu nghề theo phương pháp cha truyền con nối. Đặc biệt, men gốm là bí quyết của mỗi nhà lò và được gìn giữ như “tuyệt kỷ kungfu” vậy.
Thế mà, bên cạnh việc sản xuất kinh doanh, nghệ nhân Phạm Anh Đạo còn dạy nghề. Dù bị nặng tai nhưng không ảnh hưởng tới công việc này, vì đặc thù việc dạy nghề truyền thống là “truyền tay chỉ việc”. Tuy nhiên đây chỉ là hoạt động mang tính cá nhân, nhỏ lẻ chứ chưa hình thành lớp học.
Chị Trinh tâm sự, hai con trai Duy Anh và Quang Anh đều có tố chất giống bố và bộc lộ khả năng làm gốm. Nhưng sau này các con có theo hướng đi của bố và làm công việc truyền thống của làng hay không thì chưa dám chắc.
“Hôm trước, con trai Duy Anh làm một chiếc bình gốm và được vận động mang đi đấu giá. Tôi giới hạn giá từ 0 đồng tới 800.000 đồng. Chỉ 15 phút sau đã bán được, khiến mọi người trách là sao lại giới hạn giá. Tôi làm thế để các con biết trân trọng công sức của bố và noi theo tài năng, đam mê của anh Đạo, không bị ngộ nhận về bản thân”, chị Trinh kể.
Mong muốn lớn nhất của Đạo giờ đây là có sức khỏe để được tiếp tục làm nghề, bởi “nghề vuốt gốm là cuộc sống của tôi, dù nhọc nhằn, nhưng tôi vẫn sẽ giữ nghề, không thể bỏ được. Tôi muốn tạo nên những tác phẩm gốm tinh xảo hơn nữa”, nghệ nhân Phạm Anh Đạo nói.
Thú vui của nghệ nhân Phạm Anh Đạo trong giờ giải lao là dùng Ipad chụp lại những sản phẩm đẹp mắt do chính mình “phù phép”.
Đặc biệt, ngoài việc đam mê làm nghề, anh Đạo còn cùng vợ tham gia học khiêu vũ quốc tế. Điều thật kỳ lạ là dù anh khiếm thính, nhưng cảm thụ âm nhạc lại rất tốt và chỉ nhìn thầy đi một lượt đã đi lại chính xác.
Tài hoa, tình yêu đất, khao khát và nỗ lực nâng tầm giá trị cổ truyền của Phạm Anh Đạo suốt hơn 20 năm qua đã giúp anh tìm được tiếng giao hòa của những người yêu gốm. Anh chẳng những trở thành ông chủ của một thương hiệu gốm được nhiều khách hàng ưa thích, mà còn đánh thức một số hộ sản xuất gốm quay lại với cách làm gốm vuốt tay truyền thống.
Ông Đào Xuân Hùng, nguyên Chủ tịch UBND xã Bát Tràng đã từng khẳng định: “Đạo là chàng trai đầu tiên đưa nghề gốm vuốt tay trở lại với làng gốm Bát Tràng sau một thời gian bị sao nhãng”.
“Hồn của đất - tình của người” từ lâu đã là “slogan” của vợ chồng anh Đạo, chị Trinh. Với tài năng thiên bẩm, sự tinh tế và trái tim rung cảm nghệ thuật tuyệt vời, Phạm Anh Đạo sớm nhận thấy và lĩnh hội được những tinh tuý mà cha ông ngàn năm đúc kết. Với anh, nghề gốm không phải con đường mưu cầu danh lợi hay vật chất mà là để thoả mãn khát vọng nhân lên những giá trị, những tinh hoa chất chứa hồn cốt bao đời ở dải đất sét trắng quý giá, của văn hóa Thăng Long. Và còn bởi khát khao mỗi lần khách đến Hà Nội, không thể không tới làng gốm cổ Bát Tràng, mà Gốm vuốt tay Phạm Anh Đạo chính là mạch máu cơ thể ngày đêm chảy tràn nhựa sống.