FPT muốn khoác chiếc áo di động thay vì khoác chiếc áo bán buôn bán lẻ

FPT muốn khoác chiếc áo di động thay vì khoác chiếc áo bán buôn bán lẻ

“Cửa hẹp” cho FPT vào thị trường di động

Cho dù luôn ấp ủ tham vọng gia nhập làng di động Việt Nam, nhưng con đường này lại trở nên quá đỗi khó khăn cho FPT bởi không có nhiều cơ hội cho những người mới - kể cả khi xuất hiện công nghệ mới như 3G và 4G.

 

FPT mơ “giấc mơ di động”

 

Sau cú “tai nạn” về dịch vụ cố định, FPT vẫn nuôi tham vọng tiến vào thị trường viễn thông với dịch vụ di động. Năm 2010, có nguồn tin cho hay FPT muốn xin cấp phép mạng di động ảo và thậm chí cả dịch vụ vệ tinh, thế nhưng, chưa có bất cứ động thái gì của FPT sau khi những thông tin này được đưa ra.

 

Đến cuối năm 2010, khi thị trường di động bắt đầu đến hồi mua bán, sáp nhập thì FPT đã tìm cách tiến vào thị trường này với tuyên bố mua cổ phần của EVN Telecom.

 

Ông Nguyễn Thành Nam, nguyên Tổng giám đốc FPT tiết lộ, trước khi cân nhắc mua cổ phần của EVN Telecom, FPT đã định mua S-Fone. Ông Nguyễn Thành Nam cho rằng, sở dĩ FPT quyết định nhảy vào thị trường này vì tập đoàn này "nhìn xa hơn và thấy rằng thị trường này còn rất lớn và còn có cơ hội cho FPT".

 

Sau khi FPT “thay tướng” đưa ông Trương Đình Anh làm Tổng giám đốc tập đoàn, chỉ sau một thời gian ngắn, FPT đã đơn phương tuyên bố rút lui khỏi thương vụ mua EVN Telecom. Động thái này của FPT được nhiều người cho rằng khá khôn ngoan bởi tham vọng vào thị trường di động không chỉ là của FPT mà còn của nhiều doanh nghiệp khác nhưng cũng không nên vào bằng mọi giá.

 

Tuy tuyên bố “rút chân” khỏi thương vụ mua cổ phần của EVN Telecom, nhưng mới đây ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT đã nói với báo chí rằng, FPT theo đuổi tiến công vào thị trường di động. Ông Bình phân tích, việc FPT đầu tư riêng một mạng mới, hạ tầng mới còn rẻ hơn là đi mua lại, nhưng mua lại sẽ rút ngắn được thời gian đầu tư. Ông Bình cho rằng, phương án khả thi nhất mà FPT tính đến lúc này là đầu tư phát triển thị trường viễn thông băng thông rộng theo công nghệ LTE.

 

“Cửa hẹp” cho FPT

 

Cho dù nuôi tham vọng tiến công vào thị trường di động, thế nhưng mọi con đường của FPT dường như quá đỗi khó khăn. Hiện FPT cũng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thử nghiệm LTE.

 

Thế nhưng, công nghệ này được nhận định nhanh nhất cũng phải đến năm 2015 mới có thể thương mại hóa tại Việt Nam. Trong khi đó, để có được tấm giấy phép này phải trải qua cuộc đấu giá. Đây thực sự không phải là điểm mạnh của FPT so với các “đại gia” viễn thông.

 

Mặt khác, những mạng có nhiều thuê bao 2G và 3G là những doanh nghiệp có lợi thế trong triển khai 4G. Vì vậy, giới phân tích nghi ngờ về khả năng thành công của FPT trong việc đoạt giấy phép 4G. Đây thực sự là vấn đề sẽ làm FPT phải “đau đầu” tính đến yếu tố hiệu quả đầu tư nếu không muốn làm “chuột bạch sập bẫy 4G”.

 

Hai mạng di động muốn có đối tác đầu tư là EVN Telecom và S-Fone và chắc chắn họ phải rao bán với giá hời bởi đang trong hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng, FPT đã “lắc đầu” với hai nhà mạng này. Trên lý thuyết, FPT có thể mua được mạng Vietnamobile - mạng di động đứng thứ 4 trên thị trường hiện nay do tính chất nhà đầu tư Hutchison là ông trùm trên thế giới về việc đầu tư mạng di động rồi bán lại kiếm lời. Thế nhưng, nhiều người nghi ngờ về khả năng tài chính của FPT đủ sức để mua mạng di động này.

 

Một kịch bản nữa được đưa ra cho con đường tiến vào thị trường di động của FPT là khả năng hợp tác với Hanoi Telecom để khai thác một nửa giấy phép 3G của họ. Nếu thực sự một nửa giấy phép 3G của Hanoi Telecom là “con gà đẻ trứng vàng” thì chắc chắn cũng chẳng đến lượt FPT hợp tác để khai thác. Một kịch bản có vẻ như khả quan hơn cả cho FPT là mua lại cổ phần của MobiFone khi mạng này tiến hành cổ phần hóa.

 

FPT cũng được nhiều người đánh giá cao về chiêu thức kinh doanh được gọi là “tư bản mang mầu sắc Việt Nam”. Thế nhưng, ngặt nỗi là đã 5 năm nay việc cổ phần hóa MobiFone vẫn “dậm chân tại chỗ”. Như vậy, “cửa” sáng nhất cho FPT tiến vào thị trường di động xem ra vẫn còn xa.

 

Vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM đã công bố danh sách phân ngành thử nghiệm và họ xếp FPT vào ngành bán buôn và bán lẻ. Như vậy, cơ hội để “thay tên đổi họ” bước vào thị trường di động với nhiều hoài bão của FPT giống như việc phải “lách mình qua khe cửa hẹp”.

 

Cú “tai nạn” với dịch vụ điện thoại cố định

 

FPT gia nhập thị trường Internet Việt Nam khá sớm khi mà dịch vụ này bắt đầu được cấp phép. Thế nhưng, việc danh chính ngôn thuận của FPT vào thị trường viễn thông thì không phải là sớm. Giấy phép viễn thông đầu tiên mà doanh nghiệp này nhận được cũng trong bối cảnh “dở khóc dở cười”.

 

Năm 2005, Thanh tra Sở Bưu chính Viễn thông TP. HCM đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bưu chính viễn thông, yêu cầu Chi nhánh FPT tại TP. HCM ngừng cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng, từ cuối tháng 6/2005.

 

Lý do rất đơn giản do Bộ Bưu chính Viễn thông chưa thể cấp phép cho doanh nghiệp này được thiết lập hạ tầng mạng khi cổ phần tư nhân trong FPT đã chiếm hơn 80%, trong khi Pháp lệnh Bưu chính - Viễn thông quy định doanh nghiệp hạ tầng mạng phải là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp có cổ phần nhà nước chi phối trên 51%.

 

Sau đó bằng các động tác, FPT đã để cho Công ty con FPT Telecom có được 51,5% vốn cổ phần của nhà nước và đặt bước chân đầu tiên vào làng viễn thông Việt Nam với giấy phép thiết lập hạ tầng mạng.

 

Đến tháng 12/2006, Bộ Bưu chính Viễn thông đã trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ điện thoại cố định trên toàn quốc cho FPT Telecom. Tại thời điểm đó, nhiều ý kiến hoài nghi về việc trụ hạng trên thị trường này khi dịch vụ điện thoại cố định được nhận định là “quá xương” đối với các doanh nghiệp.

 

Thế nhưng, với khí thế và hoài bão của một “tân binh”, ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT Telecom lúc bấy giờ cho biết sẽ chính thức cung cấp dịch vụ sau 3 tháng nhận giấy phép và ngay trong năm 2007, FPT Telecom sẽ phát triển dịch vụ tới 10 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, FPT Telecom đã phải nhiều lần lỗi hẹn với thị trường bởi những dự định ban đầu này là nhiệm vụ “bất khả thi”.

 

Liên tục trong thời gian dài, dịch vụ điện thoại cố định trầm lắng bởi các nhà cung cấp dịch vụ hiểu rằng, dịch vụ này đòi hỏi đầu tư rất lớn, trong khi đó xu hướng tiêu dùng đang chuyển sang dịch vụ di động. Các đại gia lắm tiền nhiều của như VNPT và Viettel cũng than khổ về dịch vụ này không còn lợi nhuận. FPT Telecom cho dù được đánh giá là doanh nghiệp tối ưu lợi nhuận bậc nhất trong các doanh nghiệp ICT cũng đã bị “sa lầy” với dịch vụ này.

 

Trên thị trường gần như không nghe thấy cái tên dịch vụ cố định của FPT Telecom. Bằng chứng cho sự “biệt tăm, biệt tích” dịch vụ điện thoại cố định của FPT Telecom là việc không có mặt trong danh sách đo kiểm chất lượng dịch vụ của Cục Quản lý chất lượng CNTT – TT (Bộ TT&TT) hàng năm.