Cửa hàng lớn đang “đè” cửa hàng nhỏ bán hàng công nghệ cao

Cửa hàng lớn đang “đè” cửa hàng nhỏ bán hàng công nghệ cao

Dường như đã hết thời hoàng kim của các cửa hàng nhỏ, lẻ kinh doanh sản phẩm công nghệ cao. “Sân chơi” này đang phải nhường lại cho các doanh nghiệp lớn, như FPT Shop, Thế Giới Di Động…, với sự xuất hiện ngày một dày đặc về điểm bán, quy mô cửa hàng, sự phong phú về nguồn hàng…

Việc buộc phải rút lui của các hộ kinh doanh nhỏ dường như là tất yếu, vì họ không thể cạnh tranh được về giá, khó đáp ứng sự đa dạng của các sản phẩm công nghệ và đặc biệt là dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Tính đến cuối tháng 6/2014, FPT Shop, công ty bán lẻ hàng công nghệ thuộc Tập đoàn FPT đã có tổng cộng 116 cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc, trong đó có 13 cửa hàng tại Hà Nội.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Giám đốc điều hành FPT Shop nhận xét, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi nhiều hơn về chính sách ưu đãi về giá, dịch vụ sau bán hàng...

“80% giá của các dòng sản phẩm tại FPT Shop có giá bằng hoặc thấp hơn mặt bằng chung về giá của các hệ thống bán lẻ có thương hiệu trên thị trường. Chưa kể, khách hàng còn được trải nghiệm không gian mua sắm thoải mái, được tư vấn kỹ càng, được trải nghiệm về sản phẩm, trước khi quyết định mua, cùng nhiều chương trình khuyến mãi và quà tặng bất ngờ khác”, bà Điệp nói.

Ngoài cơ hội mua hàng với mức giá hợp lý, khách hàng còn được tư vấn kỹ càng; được trải nghiệm đầy đủ về sản phẩm trước khi quyết định mua.

CTCP Thế Giới Di Động, sở hữu chuỗi bán lẻ điện thoại di động lớn nhất trên thị trường hiện nay (với gần 230 cửa hàng trên toàn quốc) cũng không nằm ngoài xu hướng xây dựng chuỗi bán lẻ hiện đại, dịch vụ hài lòng các “thượng đế”.

Năm 2013, Thế Giới Di Động cũng đã bán ra thị trường 2,5 triệu chiếc điện thoại di động của các thương hiệu lớn như Apple, Nokia, Sony, HTC…, chiếm khoảng 20% thị phần. Hiện tại, giá cả không còn là yếu tố chi phối hoàn toàn quyết định mua sắm, mà chính là dịch vụ chăm sóc khách hàng và các giá trị cộng thêm thiết thực (chương trình khuyến mãi, chính sách đổi hàng…).

Đó là một trong những điểm “thiếu” lớn của các cửa hàng kinh doanh nhỏ, khiến cho người tiêu dùng ngày càng có lý do tìm đến các cửa hàng bán lẻ lớn, có không gian mua sắm tiện nghi như Thế Giới Di Động, FPT Shop…

Theo bà Điệp, FPT Shop đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của khách hàng bằng cách đưa ra những dịch vụ tốt nhất, cung cấp nhiều sản phẩm công nghệ hàng đầu được nhập chính hãng từ các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Apple, Samsung, Dell, HP… Ngày càng có nhiều khách hàng tin cậy và lựa chọn FPT Shop làm điểm đến mua sắm lý tưởng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện một thương hiệu bán lẻ hàng công nghệ lớn cho rằng, mỗi hệ thống bán lẻ đều tập trung vào một số dòng sản phẩm có lợi thế về giá.

“Khi một hệ thống bán lẻ thỏa thuận được giá tốt với 10 dòng sản phẩm (so với đối thủ cạnh tranh), họ sẽ tập trung đẩy mạnh truyền thông bán hàng cho những sản phẩm này. Theo đó, về cơ bản, giá của các sản phẩm đã được thỏa thuận này sẽ rất cạnh tranh…”, vị đại diện này nói.

Còn ông Lê Tâm, Giám đốc kinh doanh Tech One (thương hiệu bán lẻ hàng công nghệ với 8 năm kinh nghiệm) lại cho rằng, khách hàng rất thích mua được hàng chính hãng, đảm bảo tốt về bảo hành cũng như được sử dụng hàng thật. “Mua một sản phẩm của Apple tại các cửa hàng nhỏ lẻ, khách hàng sẽ có rất nhiều hoài nghi cũng như không yên tâm về xuất xứ, nguồn gốc của sản phẩm”, ông Tâm nói.

Chị Hoàng Anh Tú (Tập thể 435 - đường Giải Phóng, Hà Nội) cho rằng, khi lựa chọn mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ quy mô lớn, có thương hiệu, người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn. “Không chỉ đơn thuần về giá, nếu chính sách bán hàng tốt, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, thì một sản phẩm có giá cao hơn chút ít, nhưng được châm sóc kỹ lưỡng sau khi mua hàng, thì khách hàng sẽ chọn các điểm đến này để mua sắm”, chị Tú nhấn mạnh.

Tin bài liên quan