Đội 3 du thuyền 5 sao cùng 10 xe ô tô hạng sang nằm yên một chỗ khiến Lux Group rơi vào cảnh “cháy nhà tứ phía”

Đội 3 du thuyền 5 sao cùng 10 xe ô tô hạng sang nằm yên một chỗ khiến Lux Group rơi vào cảnh “cháy nhà tứ phía”

Cú sốc lịch sử và giấc mơ gượng dậy của ngành kinh tế xanh - Bài 1: Chao đảo những "thành trì thép"

0:00 / 0:00
0:00
Những doanh nghiệp du lịch còn trụ lại gặp đợt tấn công lần thứ tư từ Covid-19 khốc liệt hơn, khiến những ‘thành trì thép’ của ngành cũng chao đảo khi rơi vào cảnh “cháy nhà tứ phía”.

Đau đớn và chua xót

Là Chủ tịch HĐQT Lux Group (tập đoàn chuyên đầu tư, cung ứng dịch vụ du thuyền nghỉ dưỡng cao cấp, lữ hành 5 sao, vận chuyển xe sang), doanh nhân Phạm Hà đã có những ứng biến linh hoạt để trụ vững sau 3 đợt càn quét của Covid-19. Vậy mà khi dịch bệnh tấn công lần thứ tư, ông không thể lạc quan mà cảm thấy thực sự “chông chênh” bởi đã “sức cùng, lực kiệt”.

Doanh nhân Phạm Hà chia sẻ, trong ác mộng, cũng không thể ngờ thế giới đột ngột chao đảo bởi một siêu virus và hoạt động kinh doanh của Lux Group đang như diều gặp gió bỗng phải ngủ đông. “Con thuyền” càng lớn thì càng bị tác động mạnh. Là lãnh đạo doanh nghiệp có 250 nhân sự, kể từ khi Covid-19 ập đến, ông chủ Lux Group đã phải đưa ra vô số quyết định từ táo bạo, đau đớn đến mạo hiểm, được tính theo ngày, theo tuần.

Các doanh nghiệp và hộ kinh doanh tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long đang bị thiệt hại nặng nề với hơn 500 con tàu du lịch phải dừng hoạt động, nguy cơ phá sản hiện hữu trước mắt. Điều thê thảm hơn là hiện giờ họ muốn bán tàu cũng không ai mua, cho dù đa số đã chấp nhận cắt lỗ đến 50%. Không một ai trong số họ có thể ngờ được tàu có, vịnh đó, nhưng họ lại chôn chân “chờ chết” ở rìa bờ.

Qua đợt dịch đầu tiên, doanh nhân Phạm Hà nhận thấy thị trường trong nước đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân. Vì thế, Lux Group đã nhận diện lại thương hiệu Lux Travel DMC cho khách quốc tế, mở được phòng nội địa, số hóa toàn bộ doanh nghiệp, các quy trình, quy chuẩn được thiết lập. Các ý tưởng mới, sản phẩm mới, cách tư duy mới được đưa vào triển khai. Các dịch vụ “đỉnh của chóp” được hình thành, phục vụ du khách Việt Nam.

Kết quả, Lux Group đã trụ lại và làm được nhiều việc, hoàn thành 9 trong 10 mục tiêu đặt ra. Năm 2020, Heritage Bình Chuẩn, một trong 3 du thuyền của Tập đoàn vẫn được xem là tàu chạy nhiều chuyến nhất ở vịnh Bắc Bộ, với 25 chuyến/tháng, phục vụ hơn 7.000 lượt du khách. Đặc biệt, Lux Group chuyển đổi sang mô hình holding đón dòng vốn ngoại để mở rộng kinh doanh.

“Tham vọng của tôi là phát triển đội tàu 30 chiếc du thuyền. Năm 2021, đưa 3 chiếc mới vào hoạt động và lấn sang bất động sản du lịch, thương mại và dịch vụ. Mục tiêu lớn nhất của Heritage Cruises là chạy dọc bờ biển Việt Nam, tạo sản phẩm mới cho du lịch Việt Nam vào năm 2025”, doanh nhân Phạm Hà chia sẻ kế hoạch kinh doanh thời “bình thường mới”.

Tuy nhiên, đợt dịch lần thứ tư với mức độ nghiêm trọng, lan rộng ngay đầu “mùa vàng” du lịch hè 2021 là điều doanh nghiệp không thể ngờ tới. Chủ tịch Lux Group trải lòng: “Tôi cảm giác giống người nông dân trải qua ba vụ mùa mất trắng, tưởng rằng mùa này gặt được “thóc vàng”, thì thiên tai, dịch bệnh ập đến, đồng ruộng tan hoang, không còn hạt thóc nào để… mót. Thế là, bao nhiêu công lao chăm bẵm, đầu tư giống, phân bón… đều trở thành gánh nặng. Đau đớn và chua xót vô cùng!”.

Thực tế, từ đầu tháng 4/2021, Luxury Travel đã dành toàn bộ nguồn lực, đặt cọc hàng ngàn vé máy bay, phòng khách sạn để đón đầu mùa du lịch hè 2021. Nhưng giờ tất cả các tour, dịch vụ hơn 2.000 du khách đã đặt trong tháng 5 đều hoãn, hủy.

“Vốn đọng trong ‘hầu bao’ của đối tác khi đã ‘cháy túi’, nhưng cũng đành ‘ngậm đắng, nuốt cay’, bởi trong thời dịch bệnh này, mọi đầu tư đều mang tính rủi ro cao. Có lẽ, doanh nghiệp đóng cửa, không hoạt động gì thì thiệt hại mới là nhỏ nhất”, vị doanh nhân ngậm ngùi.

Theo ông Phạm Hà, trước đợt dịch lần 4, Lux Group tuyển thêm nhân viên để đón cơ hội mở rộng khi du lịch trong nước có dấu hiệu “hồi” lại, nhưng nay kế hoạch phải dời lại. Đội xe ô tô và limousine cũng nằm bất động trong bãi.

“Đợt dịch lần này tác động rất khủng khiếp. Chúng tôi giờ lâm vào cảnh ‘cháy nhà tứ phía’, chỉ còn cách đợi những ‘cơn mưa rào’ khi dịch được kiểm soát, hoặc chờ Nhà nước cử đội ‘cứu hỏa’ tới dập lửa”, vị doanh nhân trải lòng.

Hy vọng vừa lóe sáng đã vụt tắt

Không chỉ “du thuyền siêu sang” Lux Group, Flamingo Redtours - “ông lớn” của ngành lữ hành với 25 năm tích lũy tư bản, cũng phải tính đến chuyện chuyển hướng đầu tư, mở thêm mảng kinh doanh mới.

Ông Nguyễn Công Hoan, CEO Flamingo Redtours cho biết, đại dịch lần thứ tư ập đến đúng dịp cao điểm hè 2021 khiến Flamingo nói riêng và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, du lịch nói chung chịu tổn thất nặng nề cả về kinh tế và tinh thần.

Theo ông Hoan, sau 3 lần đại dịch bùng phát và nhanh chóng được khống chế thành công, việc tiêm vắc-xin đang được triển khai rất tích cực trên thế giới và Việt Nam, nhu cầu đi du lịch của người dân rất lớn tạo sự hứng khởi cho những người làm du lịch. Vì thế, Flamingo Redtours đã xây dựng kế hoạch, sản phẩm, dịch vụ chi tiết, kỹ càng, đầu tư khoản tiền lớn để đặt cọc dịch vụ vé máy bay, phòng khách sạn, thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng cáo mạnh mẽ.

Kết quả ban đầu rất khả quan, lượng du khách đăng ký các tour dịp 30/4, 1/5 và mùa hè rất đông. Nhiều tour khởi hành từ tháng 5 đến tháng 8 đạt 70 - 80% số chỗ, các tour khác cũng đạt 40 - 50% với rất nhiều đoàn khách lớn. Thế nhưng, Covid-19 lần thứ 4 bùng phát dập tắt những hy vọng vừa lóe lên.

“Không có doanh thu, trong khi doanh nghiệp vẫn phải duy trì nhân sự để thực hiện các nghiệp vụ xử lý hoãn hủy tour, vận hành văn phòng. Đặc biệt, khoản đầu tư truyền thông, quảng cáo khó thu hồi được… Mức độ thiệt hại và hệ lụy của đợt Covid-19 lần 4 rất lớn. Doanh nghiệp đã dùng đến nguồn lực cuối cùng”, ông Hoan cho hay.

Về tinh thần, CEO Flamingo Redtours cho biết, niềm tin và kỳ vọng của doanh nghiệp giảm xuống rất thấp. Đợt dịch lần này sẽ tạo “bước ngoặt” lịch sử với ngành du lịch, bởi sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp đóng cửa và buộc phải chuyển đổi sang những lĩnh vực kinh doanh, hoạt động thương mại khác với những kế hoạch tài chính và tính toán căn cơ, dài hạn hơn.

Nhưng dừng hoạt động và chuyển qua làm việc khác mà không nợ nần là vẫn còn may. Giới lữ hành rỉ tai nhau câu chuyện về giám đốc một công ty chuyên kinh doanh tàu 5 sao tại vịnh Hạ Long. Thời kỳ vàng son, khách du lịch đổ về Hạ Long, đặc biệt là khách quốc tế, nên việc kinh doanh lãi đậm. Theo vòng xoáy đó, ông chủ này vay thêm nhiều tỷ đồng đầu tư một loạt tàu du lịch 5 sao, không thể ngờ tới một thảm họa như Covid-19.

Hiện giờ, khách không có, hoặc họa hoằn lắm mới đón được vài ba đoàn khách nội địa, thu được đồng nào hay đồng đó. Trong khi đó, đội tàu nằm vịnh vẫn tốn vài chục triệu đồng mỗi tháng để thuê người nạo hàu bám vào đáy tàu, thuê thủy thủ trông coi... Nợ thì lãi mẹ đẻ lãi con, có thời điểm, người ta chứng kiến ông phải lẩn trốn những người cho vay.

Du lịch thế giới quay về mốc 30 năm trước

Đại dịch Covid-19 đã gây nên cuộc khủng hoảng lịch sử chưa từng có đối với ngành du lịch thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Hoạt động đi lại bị hạn chế trên phạm vi toàn cầu, các nước chủ yếu tập trung vào việc hạn chế tối đa thiệt hại, chứ không trông chờ, vớt vát bằng việc đón khách quốc tế.

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) ước tính, năm 2020, lượng khách quốc tế giảm từ 70% đến 75%, đồng nghĩa với việc du lịch toàn cầu trở lại mốc 30 năm trước. Lượng du khách giảm khoảng 1 tỷ lượt, doanh thu du lịch quốc tế giảm 1.100 tỷ USD.

Với Việt Nam, ngành du lịch tăng trưởng liên tục 4 năm ở mức 2 con số, đóng góp trực tiếp gần 10% GDP, đóng góp lan tỏa trên 18% GDP. Năm 2019, du lịch Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, doanh thu trên 32 tỷ USD, đóng góp trực tiếp 9,3% GDP và lan tỏa gián tiếp gần 18% GDP.

“Con tàu du lịch” Việt đang băng băng vươn ra biển lớn bỗng khựng lại bởi “bãi đá ngầm” Covid-19. Năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm hơn 80%, khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%, tổng thu đạt 312.000 tỷ đồng (tương đương 19 tỷ USD), giảm trên 58,7% so với năm 2019.

Đại dịch đánh trực diện vào ngành kinh tế xanh, ngay lập tức hạ gục các doanh nghiệp du lịch nhỏ và siêu nhỏ, sau đó là các hãng lữ hành quy mô vừa. Thiệt hại của ngành ước tính lên tới 23 tỷ USD, khoảng 40-60% lao động du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%.

Sự ngưng trệ của hoạt động du lịch do dịch bệnh đã tác động sâu rộng tới các ngành liên quan và đời sống xã hội, cụ thể và dễ thấy nhất như ngành hàng không, lưu trú, ăn uống. Hàng chục ngàn doanh nghiệp bị phá sản hoặc ngừng kinh doanh, hàng triệu lao động phải nghỉ việc toàn bộ hay từng phần.

Theo kết quả khảo sát 126.565 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có tới 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước bị tác động của dịch Covid-19, trong đó ngành dịch vụ chịu tác động mạnh nhất như hàng không là 100%, dịch vụ lưu trú là 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, đại lý du lịch là 95,7%. Qua đại dịch, càng thấy rõ vai trò và sức ảnh hưởng mang tính tác động của ngành du lịch là rất lớn vì là ngành kinh tế tổng hợp.

Đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo được thời điểm kết thúc. Thậm chí, nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối năm 2021, thì dư chấn vẫn kéo dài nhiều năm. Trong bối cảnh đó, hàng trăm ngàn lao động ngành kinh tế xanh bất đắc dĩ phải rời bỏ cái nghề đã gắn bó nhiều năm để vật lộn với cuộc sống mưu sinh, chờ ngày “trời quang, mây tạnh” trở lại…

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan