Nghịch lý cung cầu
Nhiều lãnh đạo DN bảo hiểm như PJICO, PTI, BIC, Bảo Ngân, Marsh, Aon Benfiled… đã tham dự Hội thảo “Công tác đào tạo theo hướng chuẩn hóa cán bộ ngành bảo hiểm thương mại ở Việt Nam” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội (NEU) vừa tổ chức. Với họ, quan tâm tới đào tạo nhân sự bảo hiểm là đầu tư cho tương lai của ngành bảo hiểm, vốn đang thiếu nhân sự cấp cao lẫn cấp trung và cả cấp thấp. Hiện tại, sinh viên ngành bảo hiểm mới ra trường không đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng.
Về số lượng, PGS.TS Hồ Sỹ Hà, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế bảo hiểm, NEU cho biết, hàng năm, sinh viên tốt nghiệp ngành bảo hiểm (bảo hiểm thương mại và BHXH) chỉ trên dưới 300 người, quá nhỏ so với nhu cầu. Tính đến thời điểm này, các trường có đào tạo chuyên ngành bảo hiểm gồm: NEU, ĐH Lao động - Xã hội, ĐH Công đoàn, ĐH Kinh tế TP. HCM (UEH), Học viện Tài chính.
ThS. Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng bộ môn Bảo hiểm, UEH cho hay, trong khi quy mô thị trường bảo hiểm ngày càng lớn (số lượng DN, doanh thu phí…), kéo theo nhu cầu nhân sự ngày càng tăng, thì số lượng sinh viên có nhu cầu học chuyên ngành bảo hiểm lại rất thấp, ngay cả với trường có chuyên ngành bảo hiểm lâu năm. Tại UEH, đa số sinh viên trúng tuyển vào chuyên ngành bảo hiểm đều là nguyện vọng 2, dẫn đến chất lượng “đầu vào” không cao, ý thức nghề nghiệp chưa rõ ràng.
Về chất lượng, theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký AVI, nhiều cử nhân bảo hiểm mới ra trường khi được phân công làm khai thác, giám định, bồi thường, xử lý khiếu nại bảo hiểm tỏ ra lúng túng do thiếu kiến thức thực tế, học ít đi đôi với hành.
Bất cập đào tạo
“Có những cử nhân bảo hiểm mới ra trường được phân công bán bảo hiểm xe ô tô - một nghiệp vụ khá đơn giản, nhưng vẫn gặp khó khăn trong đánh giá chủng loại xe, đời xe, chất lượng xe, giá trị xe, mức độ rủi ro để áp phí bảo hiểm, lập hợp đồng bảo hiểm hoặc cấp giấy chứng nhận bảo hiểm. DN bảo hiểm phải mất thời gian để đào tạo lại, kéo dài thời gian thử việc, nhưng không ít người vẫn chưa làm tốt công việc”, ông Lộc nói.
Đại diện một số DN bảo hiểm cho rằng, công tác đào tạo nhân sự bảo hiểm tại các trường đại học đều nặng về lý thuyết, chuẩn đầu ra chưa thực sự xuất phát từ việc khảo sát nhu cầu thực tế của ngành. Do đó, nhiều sinh viên bảo hiểm ra trường không thể làm việc được ngay.
Mặc dù vậy, trong suốt 20 năm phát triển của thị trường bảo hiểm, các trường có chuyên ngành bảo hiểm đã cung ứng nguồn nhân sự chủ lực, trong đó có nhiều nhân sự cấp cao, hiện đang giữ cương vị trọng trách của ngành. Chẳng hạn, ông Nguyễn Quang Phi, Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt; ông Hoàng Việt Hà, Giám đốc hoạt động Tập đoàn Bảo Việt; ông Trương Quốc Lâm, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI; ông Lê Tuấn Dũng, Tổng giám đốc Bảo Ngân… đều là cựu sinh viên NEU.
Để nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành bảo hiểm, một số giải pháp đã được đưa ra là: gắn lý thuyết với thực tiễn thông qua việc cho sinh viên đi khảo sát thực tế, xây dựng chương trình học, bài tập tình huống, cập nhật thông tin về thị trường bảo hiểm, mời các chuyên gia đầu ngành, nhân sự cấp cao của các DN bảo hiểm về giảng dạy…
Ông Trần Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc PJICO: Mỗi khi có cán bộ sắp nghỉ hưu hay cần thay thế đều khiến các DN bảo hiểm “đau đầu” trong việc tuyển mới. Để tạo dựng thương hiệu riêng trong đào tạo, các trường có chuyên ngành bảo hiểm không nên tham vọng mở quá nhiều lớp, vì mọi thứ đều có giới hạn của nó. Ngoài ra, để tăng tính thực tế, nên kết hợp với một số đơn vị như Đại học Giao thông Vận tải để giảng kiến thức nền tảng về ô tô. Tương tự, mời các đơn vị liên quan giảng về xây dựng, tàu thủy, cháy nổ… Ông Lê Tuấn Dũng, Tổng giám đốc Bảo Ngân: Việc tìm kiếm nhân sự bảo hiểm đang rất khó khăn, kể cả với DN lớn. Các DN có nhu cầu tuyển người làm việc được ngay, nhưng đa số sinh viên bảo hiểm không đáp ứng được, nhanh cũng phải mất 3 - 6 tháng. Do nghiệp vụ bảo hiểm liên quan đến nhiều chuyên ngành khác nhau nên đối với Bảo Ngân, nhiều khi chúng tôi phải lựa chọn các sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương hay các trường liên quan đến kỹ thuật (xây dựng, lắp đặt). |