Nếu Nghị viện châu Âu chính thức thông qua, EVFTA có thể được đưa ngay vào thực hiện, sau khi Việt Nam phê chuẩn. Riêng EVIPA cần nghị viện các nước thành viên EU phê chuẩn, sau đó mới có thể được đưa vào thực thi.
Nhưng kể cả EVIPA nhiều khả năng phải ít nhất 2 năm nữa mới được thực thi, thì EVFTA cũng sẽ sớm có những tác động tích cực tới cả hai phía. EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và sẽ mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho cả Việt Nam và EU. Ở đây, chỉ xin đề cập tác động của EVFTA tới kinh tế Việt Nam. Đó là gần 100% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình khoảng 10 năm. Thậm chí, ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Theo tính toán của các cơ quan chức năng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi không có hiệp định.
Cụ thể hơn, các con số được chỉ ra là, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự kiến tăng trung bình 5,21 - 8,17% trong các năm 2019 - 2023. Con số này là 11,12 - 15,27% trong các năm 2024 - 2028 và 17,98-21,95% trong các năm 2029-2033.
Trong khi đó, ở góc độ tăng trưởng kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng từng dự báo rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Rằng, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% trong các đoạn 2019-2023; 4,57-5,3% trong 2024-2028 và 7,07-7,72% trong 2029-2033.
Những con số trên đã cho thấy rõ những tác động lớn tới kinh tế Việt Nam của EVFTA. Chưa nói tới các vấn đề như thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh… mà EVFTA sẽ mang lại cho kinh tế Việt Nam, chỉ riêng tác động tới tăng trưởng xuất khẩu, tới dòng đầu tư, tới tăng trưởng kinh tế là rất đáng kể.
Tất nhiên, mọi con số vẫn đang chỉ trên lý thuyết, tác động thực tế ra sao và bao nhiêu còn phụ thuộc vào việc Việt Nam có tận dụng được cơ hội này hay không, phản ứng chính sách ra sao. Song rõ ràng, ở vào thời điểm này, đây là một thông tin rất tích cực.
Chưa nói tới các tác động mang tính dài hạn, chỉ nhìn ở trước mắt, nếu Nghị viện châu Âu thông qua EVFTA, thì đó là một tin rất đáng mừng với kinh tế Việt Nam.
Dịch Corona đang khiến kinh tế Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn, xuất khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thu hút đầu tư cũng có thể bị tác độngvà tăng trưởng kinh tế sẽ bị giảm tốc, có thể chỉ đạt được mức tăng trưởng 6,27% hoặc 6,09%, tùy thời điểm dịch bệnh kết thúc, thấp hơn nhiêu so với mục tiêu tăng trưởng 6,8%. Trong bối cảnh đó, EVFTA có thể là động lực mới, tức thời. Đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu có thể trông vào thị trường châu Âu. Thu hút đầu tư nước ngoài cũng có thể kỳ vọng nhiều hơn ở thị trường này. Tăng trưởng GDP, vì thế cũng sẽ bớt áp lực giảm tốc.
Cú hích từ EVFTA là không nhỏ, nhưng đón nhận được bao nhiêu còn phụ thuộc vào chính sự phản ứng của Việt Nam.