Dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn đang triển khai thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ và phấn đấu hoàn thành cơ bản trong năm 2021. Ảnh: A.M
Thần tốc
Sáng 30/9, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã tổ chức khởi công đồng loạt 3 dự án thành phần gồm đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 -2020 tại 3 khu vực Bắc (Thanh Hóa); Trung (Bình Thuận) và Nam (Đồng Nai). Đây là các dự án được Quốc hội cho phép chuyển đổi đầu tư từ phương thức PPP sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 27/7/2020 về triển khai Nghị quyết số 117/2020/QH14 của Quốc hội về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Bộ GTVT đã dồn toàn lực để tiến hành thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu các gói thầu, đảm bảo tuân thủ trình tự và quy định pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng, pháp luật về đấu thầu.
Trước đó, để đảm bảo tiến độ, ngay thời điểm Chính phủ đề xuất Quốc hội chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 3 dự án (tháng 5/2020), Bộ GTVT đã chủ động lên kế hoạch, huy động đội ngũ cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm của các cơ quan đơn vị tham mưu, các ban quản lý dự án tập trung thời gian, kể cả ngày nghỉ và ngoài giờ, khẩn trương tiến hành rà soát, chuẩn bị điều chỉnh các hồ sơ, thủ tục liên quan. Hoạt động này được thực hiện đồng thời với công tác chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 3 dự án theo hình thức PPP đã được xác định tại Nghị quyết 52/2017/QH14.
“Tiến độ triển khai 3 dự án (bao gồm các bước điều chỉnh dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu) với yêu cầu là đúng trình tự, thủ tục chỉ kéo dài vỏn vẹn trong vòng 1 tháng. Đây là tiến độ triển khai thần tốc, chưa từng có trong lịch sử ngành GTVT”, ông Đông cho biết.
Sáng 28/9, Bộ GTVT đã hoàn tất thủ tục, điều kiện để khởi công 3 dự án, với việc mỗi dự án có một gói thầu xây lắp có nhà thầu thi công. Đối với các gói thầu xây lắp còn lại, Bộ GTVT sẽ phấn đấu lựa chọn xong nhà thầu để có thể triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến vào cuối tháng 10/2020.
Đồ Họa: Thanh Huyền |
Theo đánh giá của Bộ GTVT, cả 3 dự án trên khi hoàn thành, đưa vào khai thác vào năm 2022 sẽ từng bước hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải, phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển GTVT; rút ngắn hành trình trên trục Bắc - Nam; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1.
Bên cạnh đó, với tổng mức đầu tư lên tới 35.000 tỷ đồng, được giải ngân trong vòng 2 năm, 3 dự án sẽ tạo một cú hích lớn cho ngành xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng sớm thoát khỏi tình trạng trầm lắng kéo dài hơn 5 năm qua.
“Việc khởi công đúng kế hoạch 3 dự án là quyết tâm cao độ của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, ông Đông khẳng định.
Đóng mạch cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025
Một điểm rất thuận lợi tại 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được phép chuyển đổi hình thức đầu tư là, công tác giải phóng mặt bằng đang được các địa phương thực hiện rất tốt. Tính đến ngày 20/9, mặt bằng sạch tại Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 đạt 90,2%, Vĩnh Hảo - Phan Thiết đạt 97,5%, Phan Thiết - Dầu Giây đạt 89%. Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng 3 dự án chậm nhất là cuối tháng 10/2020.
“Việc bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu tiếp cận công trường ngay khi khởi công là một đột phá rất lớn, giúp Bộ GTVT triển khai cơ chế thưởng, phạt tiến độ hợp đồng. Trong trường hợp bị chậm tiến độ do lỗi chủ quan, nhà thầu có thể bị phạt tới 12% giá trị hợp đồng”, ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) khẳng định.
Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông cho biết, Bộ GTVT đặc biệt quan tâm tới việc kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình ngay từ bước lựa chọn nhà thầu. Để có thể lựa chọn được các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thi công các dự án trọng điểm quốc gia, có yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiến độ, Bộ GTVT đã phê duyệt hồ sơ mời thầu với các yêu cầu tối thiểu mà các nhà thầu phải đáp ứng.
Theo đó, để được đánh giá là đạt điểm kỹ thuật, các nhà thầu/liên danh nhà thầu phải đáp ứng yêu cầu về thời gian hoạt động xây dựng công trình giao thông lớn hơn hoặc bằng 5 năm; yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự được đánh giá trong vòng 5 năm gần đây, trong đó nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh phải đáp ứng kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự có giá trị do nhà thầu đảm nhận lớn hơn hoặc bằng 70% phần công việc thực hiện tại gói thầu đang xét. Đối với nhà thầu liên danh, việc đánh giá tính đáp ứng về kinh nghiệm căn cứ vào phạm vi công việc, tỷ lệ tham gia của từng thành viên trong liên danh…
Về nguồn lực tài chính, các nhà thầu được yêu cầu phải có xác nhận của tổ chức tín dụng có số dư tiền gửi với hạn mức tối thiểu (được xác định theo quy mô gói thầu) và cam kết phong tỏa số tiền này để thực hiện gói thầu đang xét (không xác nhận chung cho gói thầu khác).
Về số lượng thành viên liên danh, hồ sơ mời thầu quy định không quá 3 thành viên trong một gói thầu, nhà thầu đứng đầu liên danh phải đảm nhận công việc nhiều nhất và từng thành viên phải đảm nhận lớn hơn hoặc bằng 25% giá trị gói thầu. Các nhà thầu chính được quyền thuê nhà thầu phụ, nhưng tỷ lệ giao thầu phụ không quá 30% giá trị hợp đồng và nhà thầu chính phải thực hiện các công việc quan trọng chính yếu của gói thầu (tùy theo tính chất gói thầu để quy định cụ thể trong hồ sơ mời thầu).
“Chắc chắn không có chuyện đưa nhà thầu kém năng lực, bán chuyển nhượng trái phép các khối lượng hợp đồng tại Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông”, ông Lâm khẳng định.
Ông Lâm cũng cho biết, trong quá trình phát hành hồ sơ mời thầu, một số nhà thầu đã tham gia Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có đăng ký mua. Tuy nhiên, để đảm bảo việc xem xét đánh giá hồ sơ dự thầu phù hợp theo quy định, Bộ GTVT đã quy định, các nhà thầu sẽ không được sử dụng hợp đồng thi công gói thầu có hạng mục công trình vi phạm về chất lượng (đang bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố) để chứng minh kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự của mình.
Đối với 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sử dụng vốn đầu tư công đã được khởi công trong giai đoạn giữa năm 2019 đến tháng 7/2020 (gồm các đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2), Bộ GTVT cho biết, các gói thầu thuộc 3 dự án đang triển khai thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ và phấn đấu hoàn thành cơ bản trong năm 2021. Riêng cầu Mỹ Thuận 2 đối với hạng mục cầu chính, đã khởi công kết cấu phần dưới vào ngày 1/9/2020, còn hạng mục kết cấu phần trên (trụ tháp dây văng) sẽ triển khai thi công ngay sau khi hoàn thành kết cấu phần dưới, đảm bảo hoàn thành dự án trong năm 2023 theo đúng tiến độ yêu cầu.
Đối với 5 dự án đầu tư theo hình thức công - tư (gồm các đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo), Bộ GTVT đã hoàn thành bước sơ tuyển nhà đầu tư và phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư. Theo kế hoạch, các ban quản lý dự án của Bộ GTVT sẽ tiến hành mở thầu từ ngày 2 đến 5/10/2020; tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, ký kết hợp đồng trong tháng 12/2020; triển khai thi công trong quý I/2021 (trong trường hợp không phải xử lý tình huống trong đấu thầu). Nếu có phát sinh các vướng mắc, Bộ GTVT sẽ kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Được biết, theo Quy hoạch Phát triển mạng cao tốc Việt Nam, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Hà Nội - Cần Thơ có tổng chiều dài 1.799 km. Bộ GTVT đã hoàn thành đưa vào khai thác đang đầu tư 356 km, đang triển khai đầu tư 784 km (bao gồm cả 654 km giai đoạn 2017 - 2020). Như vậy, để nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cần đầu tư khoảng 659 km còn lại. Bộ GTVT đã giao các cơ quan liên quan tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 10 dự án thành phần đối với 659 km còn lại, với nhu cầu vốn lên tới 113.148 tỷ đồng, để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.
“Việc hoàn thành đúng tiến độ 11 dự án thành phần Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc kêu gọi vốn tư nhân để đóng mạch toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Hà Nội đến Cần Thơ trong 5 năm tới”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá.
Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 có chiều dài khoảng 63,37 km, trong giai đoạn I xây dựng 4 làn xe hạn chế, tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 12.111 tỷ đồng.
Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài 100,8 km, trong giai đoạn I đầu tư với quy mô 4 làn xe hạn chế với tổng mức đầu tư giai đoạn là hơn 10.853 tỷ đồng.
Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài khoảng 99 km, giai đoạn I xây dựng theo quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư điều chỉnh là hơn 12.577 tỷ đồng.