Đây là dự án năng lượng đầu tiên của 2 tổ chức này tại Việt Nam, nằm trong khuôn khổ chiến lược của các bên nhằm mở rộng danh mục đầu tư vào lĩnh vực thủy điện, tăng cường hoạt động theo các chuẩn mực quốc tế, tạo cơ sở phát triển các dạng năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời.
Được biết, mức vốn đầu tư của IFC và Armstrong trong thỏa thuận này lần lượt tương ứng với 16% và 20% vốn chủ sở hữu của GEC và đơn vị chủ lực ngành năng lượng của Tập đoàn TTC - hiện đang dẫn đầu về quy mô thủy điện vừa và nhỏ tại khu vực miền Trung Tây Nguyên với 15 nhà máy, tổng công suất đạt 84 MW.
Chia sẻ về sự kiện, ông Lê An Khang, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc GEC cho biết, hợp tác chiến lược với IFC và Armstrong thể hiện uy tín và năng lực của GEC cũng như TTC khi đáp ứng toàn diện các điều kiện hợp tác theo chuẩn mực quốc tế, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với tư cách là cổ đông chiến lược, sự hỗ trợ của IFC và Armstrong không những tạo điều kiện cho GEC mở rộng lĩnh vực kinh doanh chủ lực là thuỷ điện mà còn đưa Công ty trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc phát triển năng lượng sạch, cung cấp nguồn năng lượng bền vững thay thế nguồn điện năng từ nhiên liệu hoá thạch tại Việt Nam.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, mức tăng trưởng tiêu thụ điện năng tại Việt Nam luôn gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội. Các dự án phát triển năng lượng tái tạo của GEC sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu gia tăng sản lượng điện lên 14%/năm trong giai đoạn 2015-2030 của Chính phủ.
Ông Andrew Affleck, Chủ tịch Điều hành của Armstrong tin rằng, GEC có vị thế tốt để nắm bắt được tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Thông qua việc phát triển thủy điện bền vững và các nguồn năng lượng tái tạo khác, việc hợp tác chiến lược này không chỉ giúp GEC đáp ứng đủ mức tăng 10% nhu cầu sử dụng điện hàng năm tại Việt Nam, mà còn đa dạng hoá các nguồn năng lượng, đồng thời giảm lệ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch phải nhập khẩu.
Hiện nay, thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất trên thế giới, chiếm 1/5 tổng nguồn cung năng lượng toàn cầu. Trong suốt thập niên vừa qua, IFC đã đầu tư hơn 1 tỉ đô la Mỹ vào 75 dự án thủy điện tại 25 quốc gia trên toàn thế giới nhằm phát huy hơn nữa việc phát triển thủy điện một cách bền vững và có trách nhiệm ở các nước đang phát triển.
Ông Hyun-Chan Cho, Giám đốc khối cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo của IFC khu vực châu Á cho biết, với tỉ lệ đầu tư của khối ngoại trong lĩnh vực năng lượng còn tương đối khiêm tốn, chúng tôi cho rằng chiến lược đầu tư của IFC là một bước tiến quan trọng thúc đẩy cộng đồng đầu tư quốc tế tham gia vào ngành năng lượng xanh đầy tiềm năng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, kiến thức về ngành năng lượng toàn cầu của IFC còn tạo cơ hội để GEC trở thành một nhà phát triển năng lượng tái tạo kiểu mẫu tại Việt Nam thông qua việc áp dụng những chuẩn mực tối ưu trong ngành, đồng thời góp phần mở rộng nguồn cung năng lượng sạch và đáng tin cậy.
IFC, thành viên của Ngân hàng Thế giới, là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. Hỗ trợ hơn 2.000 doanh nghiệp tư nhân trên khắp thế giới, với năng lực tài chính, chuyên môn và tầm ảnh hưởng lớn, IFC đã và đang tạo ra những cơ hội phát triển ở những nơi cần nhất.
Armstrong là một quỹ đầu tư tư nhân tại Singapore, chuyên tập trung phát triển năng lượng sạch tại các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á. Đến nay, Armstrong sở hữu tài sản đang vận hành có quy mô công suất 92MW, chưa bao gồm tổng công suất trên 300MW của các dự án đang trong giai đoạn triển khai.
Còn GEC hiện dẫn đầu về quy mô thủy điện vừa và nhỏ tại khu vực miền Trung Tây Nguyên Việt Nam với kinh nghiệm 27 năm trong ngành. |